09/02/2022
1. Tình hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và bảo vệ môi trường
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ. Cùng với đó là sự gia tăng dân số, kéo theo chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tăng về khối lượng với nhiều thành phần phức tạp gây áp lực lớn cho BVMT. Công tác quản lý CTRSH còn nhiều bất cập như tỷ lệ thu gom nhiều nơi chưa cao, chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, tỷ lệ tái chế còn thấp, phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh… đã trở thành vấn đề nổi cộm, bức xúc ở nhiều địa phương. Theo số liệu ước tính, hiện nay trên cả nước lượng CTRSH phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh CTRSH dự báo tăng 10-16%/năm.
Nếu như trước đây, tỷ lệ thành phần chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học trong CTRSH của hộ gia đình cao (80-96%) thì từ năm 2017 đến nay đã giảm xuống còn 50-70%; thành phần giấy, chất thải nhựa và kim loại trong CTRSH thay đổi tuỳ thuộc vào nguồn phát sinh. Ngày nay, CTRSH có tỷ lệ thành phần khó xử lý và khó tái chế như vải, da, cao su, hay khó tự phân hủy như nhựa đang tăng lên rõ rệt.
Bên cạnh đó, mỗi năm, Việt Nam phát sinh khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử. Theo Liên hợp quốc, chất thải điện tử là những sản phẩm bị loại đi có pin hoặc có phích cắm kèm theo các chất độc hại, ảnh hưởng cho sức khỏe con người và môi trường. Các thiết bị điện tử đều chứa những nguyên tố độc hại cao như chì, thủy ngân, các chất chống cháy. Các thiết bị công nghệ, điện tử chủ yếu làm từ nhựa, kim loại chì và những nguyên tố khác chiếm tới 70% tổng lượng chất thải độc hại trên thế giới, trong đó nhựa tốn rất nhiều thời gian để phân hủy, quá trình phân hủy có thể từ 500 - 1.000 năm. Việc tiếp xúc với chì sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ. Hydrocacbon thơm đa vòng, dioxin brom hóa và những kim loại nặng khác sẽ làm axit hóa nguồn nước giết chết cá và những loài thực vật dưới nước. Hiện nay, quá trình thu gom và xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam mới ở mức độ thô sơ, việc xử lý rác thải điện tử vẫn còn là vấn đề bất cập.
Đứng trước những áp lực về quản lý CTRSH, nhiều nơi ở Việt Nam đã thử nghiệm mô hình phân loại rác tại nguồn, hướng tới xây dựng nhận thức mới trong xã hội về giảm thiểu tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa dùng một lần với phương châm “rác là nguồn tài nguyên”… Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực còn khá nhiều hạn chế như phân loại rác tại nguồn mới mang tính thử nghiệm, chưa được nhân rộng. Sự tham gia của các cộng đồng doanh nghiệp và cư dân với hạt nhân là hộ gia đình chưa phát huy được năng lực, tiềm năng vốn có…
Nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia quản lý CTRSH cụ thể là các công việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH và BVMT, Bộ TN&MT đã giao cho VACNE chủ trì, triển khai “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH”. Đề tài nghiên cứu nhằm đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách phù hợp thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và các hộ gia đình trong thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.
2. Một số khuyến nghị nhằm phát huy vai trò của doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt và bảo vệ môi trường
Vai trò của doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia quản lý CTRSH, BVMT là rất cần thiết và có thể mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và các hộ gia đình trong thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phù hợp.
Quan điểm chung
- BVMT là yêu cầu đối với mọi người; Chiến lược BVMT, phát triển bền vững là bộ phận cấu thành không tách rời của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại nhưng vẫn giữ được tiềm năng và cơ hội cho các thế hệ mai sau.
- Phát triển phải tôn trọng các quy luật tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; khuyến khích phát triển kinh tế phù hợp với đặc tính sinh thái của từng vùng, ít chất thải, các-bon thấp, hướng tới nền kinh tế xanh.
- Ưu tiên phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; coi trọng tính hiệu quả, bền vững trong khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học; từng bước phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
- BVMT là trách nhiệm của toàn xã hội, là nghĩa vụ của mọi người dân.
- Tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ tài nguyên và các giá trị của môi trường phải trả tiền; gây ô nhiễm môi trường, phải trả chi phí khắc phục, cải tạo, phục hồi và bồi thường thiệt hại.
- Quản lý CTRSH là một nội dung không thể tách rời công tác BVMT.
Vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp
Doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế, là một tổ chức kinh tế có chức năng sản xuất của cải và dịch vụ để bán. Mục tiêu cơ bản và xuất phát điểm của phần lớn doanh nghiệp là hướng đến lợi nhuận, mở rộng thị phần, giảm chi phí. Doanh nghiệp có sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên để sản xuất hàng hóa cho các nhu cầu tiêu dùng trong xã hội và cũng là đơn vị có nguồn thải lớn nhất ra môi trường tự nhiên. Do vậy, doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn. Trong phạm vi bài viết này xin được đề cập tới doanh nghiệp phát sinh chất thải và doanh nghiệp dịch vụ vệ sinh để nghiên cứu vai trò, trách nhiệm của họ.
Đối với doanh nghiệp phát sinh chất thải
Doanh nghiệp (chủ nguồn thải) phải đăng ký và thực hiện các quy định của pháp luật. Phải thực hiện phân loại chất thải rắn thành các loại: thông thường, không nguy hại và nguy hại theo quy định quản lý từng loại chất thải.
Các tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở có phát sinh chất thải rắn phải tự tổ chức lưu giữ an toàn các chất thải rắn trong khu vực sản xuất, kinh doanh của mình và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển về nơi xử lý, tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Đối với doanh nghiệp dịch vụ trong lĩnh vực quản lý chất thải
CTRSH từng bước được kiểm soát, phân loại tại nguồn để tái chế, tái sử dụng, hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp. CTRSH được phân loại thành: CTRSH hữu cơ và CTRSH vô cơ; cũng có thể phân chia theo khả năng tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn của các thành phần vật chất tạo nên chất thải đó để có biện pháp thích hợp.
Doanh nghiệp dịch vụ môi trường có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện về phương tiện thu gom, vận chuyển, các bãi tập kết rác thải sinh hoạt; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai, giám sát việc phân loại chất thải tại nguồn phù hợp với điều kiện địa bàn quản lý; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt đến nơi xử lý theo quy định.
Trên các tuyến đường phố, quảng trường, nơi công cộng tập trung đông người, các đơn vị vệ sinh môi trường đặt các thùng rác công cộng tại các địa điểm thuận tiện để phục vụ việc thu gom, lưu giữ CTRSH; hàng ngày thực hiện thu gom bằng xe tải nhỏ hoặc xe chuyên dùng, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và trật tự giao thông.
Các doanh nghiệp dịch vụ môi trường thực hiện hàng ngày việc thu gom, vận chuyển CTRSH từ các tổ chức, hộ gia đình, các điểm tập kết về nơi xử lý theo quy định và có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thu gom, vận chuyển đảm bảo vệ sinh môi trường; Tổ chức nhặt rác hàng ngày theo quy định, không tập kết xe gom, xe vận chuyển ở các địa điểm ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông.
CTRSH rơi vãi trên đường, hè phố, nơi công cộng… phải được các doanh nghiệp dịch vụ môi trường thu gom, quét dọn hàng ngày. Trường hợp trên hè, đường phố, nơi công cộng có đất, cát, phế thải xây dựng hoặc chất thải sinh hoạt rơi vãi mất vệ sinh và mất an toàn giao thông, đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn phải chủ động khắc phục ngay khi kiểm tra phát hiện (hoặc nhận được tin báo).
CTRSH được đơn vị vệ sinh môi trường vận chuyển về các khu xử lý để tái chế, tái sử dụng hoặc chôn lấp theo quy định. Phương tiện vận chuyển CTRSH phải là phương tiện chuyên dụng, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và an toàn, đã được kiểm định và được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành. Trong quá trình vận chuyển CTRSH, các phương tiện vận chuyển phải an toàn, đi đúng tuyến đường, không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi; khi vào bãi đổ phải tuân thủ quy định của đơn vị quản lý khu xử lý chất thải.
Cộng đồng dân cư
Theo quy định tại Khoản 28 Điều 3 của Luật BVMT năm 2020, “cộng đồng dân cư” là cộng đồng người sinh sống trên cùng địa bàn thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố hoặc điểm dân cư tương tự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các cộng đồng dân cư đều có người đại diện, được bầu hay cử ra. Hộ gia đình là bộ phận của cộng đồng cư dân. Đối với lĩnh vực quản lý chất thải, BVMT, hộ gia đình cần thực hiện các quy định sau:
Về phía người dân, vận động ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường sống; tuyên truyền, tăng cường nhận diện sản phẩm xanh, kết hợp giải pháp kinh tế; phải thu gom, vận chuyển CTRSH đến đúng nơi quy định theo hợp đồng thực hiện dịch vụ; Không phát thải các chất thải gây mùi hôi thối, mùi khó chịu trực tiếp vào môi trường, tạo khí thải vượt quá quy chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh; Tham gia hoạt động quét dọn vệ sinh môi trường khu phố, đường làng ngõ xóm, nơi công cộng và hoạt động tự quản giữ vệ sinh chung của cộng đồng dân cư; Nộp đủ và đúng thời hạn phí chất thải rắn theo Quyết định của UBND tỉnh và quy định của pháp luật.
Các cá nhân, hộ gia đình phải thực hiện nghiêm túc quy định thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải, đổ rác đúng thời gian, địa điểm quy định của đơn vị thu gom rác, không để vật đựng rác thải sinh hoạt của hộ gia đình ra lòng đường, vỉa hè. Các hộ gia đình phải có phương tiện, dụng cụ để thu gom CTRSH, lưu giữ đảm bảo vệ sinh môi trường ở trong nhà và chuyển đến các điểm tập kết, phương tiện thu gom của đơn vị vệ sinh môi trường đúng thời gian, đúng nơi quy định.
Các hộ, cá nhân có cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải có phương tiện, dụng cụ thu gom CTRSH, bố trí điểm thu gom, lưu giữ CTRSH và phải ký hợp đồng với đơn vị vệ sinh môi trường để vận chuyển về nơi xử lý theo đúng quy định. Các cơ sở, hộ gia đình kinh doanh nhỏ phải có phương tiện, dụng cụ để thu gom CTRSH và chuyển đến các điểm tập kết, các phương tiện thu gom của đơn vị vệ sinh môi trường đúng thời gian, địa điểm quy định.
Cá nhân, hộ gia đình và tổ chức liên quan có hoạt động làm phát sinh chất thải rắn xây dựng phải thực hiện phân loại chất thải rắn xây dựng thành các loại: đất, bùn hữu cơ; cát, đá và chất thải rắn từ vật liệu xây dựng (gạch, ngói vỡ, vữa, kính vỡ, gỗ, chất dẻo, sắt thép, bao bì vật liệu…) để có biện pháp thu gom, vận chuyển, xử lý phù hợp. Đồng thời phải có biện pháp đảm bảo môi trường, không làm bụi bẩn, ô nhiễm; không sử dụng hè phố, lòng đường, nơi công cộng làm nơi lưu giữ chất thải rắn xây dựng. Phải ký hợp đồng với đơn vị vệ sinh môi trường để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng về đúng nơi quy định của các đô thị và các cụm dân cư tập trung hoặc trong trường hợp tự vận chuyển về bãi chôn lấp chất thải xây dựng của đô thị, cụm dân cư tập trung, thì các phương tiện vận chuyển phải tuân thủ điều kiện quy định, không để rơi vãi chất thải trên đường và phải nộp phí xử lý chất thải xây dựng tại bãi chôn lấp theo quy định.
Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình: Rác được phân loại thành chất hữu cơ dễ phân hủy, các loại khác và phải thực hiện lưu giữ chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường, đổ chất thải đúng thời gian, đúng nơi quy định.
3. Thay cho lời kết luận
Để phát huy vai trò của các doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia quản lý CTRSH, trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả xin được đề xuất một số giải pháp:
Đối với doanh nghiệp: Phải đăng ký và thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đúng theo quy định quản lý từng loại chất thải; Phải ký hợp đồng với đơn vị có chức năng hợp pháp để thu gom, vận chuyển về nơi xử lý, tiêu hủy theo quy định của pháp luật; Doanh nghiệp dịch vụ môi trường có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện thích hợp và tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đến nơi xử lý theo quy định, đảm bảo hợp tiêu chuẩn vệ sinh, mỹ quan đường phố và an toàn về môi trường.
Đối với cộng đồng dân cư, hộ gia đình: Tuyên truyền, hướng dẫn và tạo điều kiện để dân cư và hộ gia đình có thể tự phân loại chất thải tại nguồn và tham gia một phần quá trình tái chế, tái sử dụng và xử lý ban đầu chất thải từ nguồn, nhất là thực phẩm thừa và chất thải hữu cơ từ nhà bếp; Thay đổi nếp sinh hoạt và tiêu dùng thân thiện với môi trường, giảm thiểu lượng xả thải từ nguồn, xả thải đúng nơi quy định, đúng thời gian quy định; Tham gia giữ vệ sinh nơi sinh sống, đóng góp chi phí hoặc trực tiếp tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển đến nơi qui định của địa phương.
Tài liệu tham khảo
1. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Kinh tế xanh cho phát triển bền vững. Nguyễn Danh Sơn chủ biên cùng nhiều tác giả. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. Hà Nội, 2018.
2. Luật BVMT 2014, số: 55/2014/QH13, ngày 23 tháng 06 năm 2014.
3. Luật BVMT 2020, số: 72/2020/QH14, ngày 17 tháng 11 năm 2020.
4. Manired Schreiner- Quản lý môi trường dẫn đến nền kinh tế sinh thái, tái bản lần thứ IV. Bản dịch, Hà Nội, 2000.
5. Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
6. Trần Hiếu Nhuệ. Các thách thức ô nhiễm chất thải rắn đô thị, công nghiệp và công nghệ xử lý Các doanh nghiệp Việt Nam với sự nghiệp BVMT và Phát triển bền vững Quốc gia. Chuyên đề trong sách “Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH”, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. Hà Nội 2019.
GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ, Th.S. Nguyễn Quốc Công, CN. Nguyễn Danh Trường, Th.S. Phạm Thị Bích Thủy
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2022)