26/10/2022
Ngày 26/10/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VCCI-VBCSD) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy yếu tố đa dạng và bao trùm trong kinh doanh bền vững thời đại số hóa”, tiếp nối chuỗi hội thảo thuộc khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2022. Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của hơn 100 đại biểu từ các cơ quan Bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông và doanh nghiệp.
Hội thảo được chia làm hai phần: Phần 1 tập trung vào thúc đẩy yếu tố đa dạng, hòa nhập trong nội bộ doanh nghiệp. Phần 2 tập trung vào yếu tố bao trùm, bên ngoài phạm vi doanh nghiệp thông qua thực hiện các mô hình kinh doanh bao trùm, kinh doanh tạo tác động xã hội, kinh doanh cùng người thu nhập thấp. Từ đó, Hội thảo mang đến cái nhìn toàn diện cho các đại biểu về thúc đẩy tính đa dạng, hòa nhập, bao trùm trong kinh doanh bền vững - xu hướng đang nhận được quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp thế giới.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Đoàn Thị Mai Hương, Phó Chủ tịch VBCSD, Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất nhận định, thúc đẩy yếu tố đa dạng, hòa nhập và bao trùm trong kinh doanh bền vững thời đại số hóa không chỉ là xu thế mới, cần được quan tâm, mà đó còn là đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp và lập chiến lược phát triển doanh nghiệp bền vững. Từ năm 2018 đến nay, VCCI với hạt nhân là VBCSD đã tích cực thúc đẩy thực hành văn hóa đa dạng và hòa nhập trong doanh nghiệp thông qua công tác phối hợp đào tạo với đối tác Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) và các đối tác khác, đồng thời phát triển các chỉ số về bình đẳng hòa nhập trong Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) được công bố, ứng dụng trong đánh giá doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam hàng năm.
Phần 1 của Hội thảo được bắt đầu với bài trình bày của bà Anjanette Saguisag, Trưởng phòng Chính sách Xã hội và Quản trị, UNICEF Việt Nam về nội dung “Lồng ghép tính đa dạng và hòa nhập vào AND của doanh nghiệp”. Theo đó, những lợi ích một môi trường làm việc đa dạng, hòa nhập mang lại có thể kể đến bao gồm thúc đẩy doanh thu nói chung của doanh nghiệp; thu hút và giữ chân nhân tài, trao quyền, tạo động lực cho người lao động. Tính đa dạng và hòa nhập có lợi cho doanh nghiệp nên là một phần không thể thiếu trong ADN của doanh nghiệp, các chính sách thúc đẩy tính đa dạng, hòa nhập cần được ưu tiên, thiết kế có chủ đích, giám sát thực hiện đã đảm bảo triển khai trên thực tế, trong đó cần đặc biệt lưu tâm xem xét, quan tâm đến hoàn cảnh, đặc điểm của trẻ em, lao động trẻ, lao động là cha mẹ, người chăm sóc ở nơi làm việc. Tại Việt Nam, UNICEF hiện đang hợp tác với VCCI trong dự án “Thúc đẩy Quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh trong doanh nghiệp tại Việt Nam”.
Phiên Tọa đàm “Thúc đẩy nhân tố đa dạng, hòa nhập vào văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số hóa”
Tiếp nối là phiên Tọa đàm “Thúc đẩy nhân tố đa dạng, hòa nhập vào văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số hóa” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo VCCI, Ericsson Việt Nam, SASCO, ManpowerGroup Việt Nam. Các diễn giả đã thảo luận sôi nổi, mang đến những thông tin hữu ích về cách các doanh nghiệp tăng cường văn hóa đa dạng, hòa nhập; cách công nghệ góp phần thúc đẩy tính đa dạng, hòa nhập trong doanh nghiệp đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số; chia sẻ dự báo về xu hướng nhân sự trong vòng 5 năm tới, làm thế nào cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt hiệu quả xu hướng đó.
Phần 2 của Hội thảo diễn ra với phần trình bày từ đại diện từ Công ty CP Greenfeed Việt Nam, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Phát triển bền vững về chủ đề “Doanh nghiệp tạo tác động xã hội thông qua kinh tế bao trùm”. Bài trình bày nhấn mạnh: “Kinh tế bao trùm luôn đòi hỏi nỗ lực, tầm nhìn kinh doanh dài hạn và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tại GREENFEED, Công ty xác định phát triển bền vững là nhiệm vụ chiến lược của Tập đoàn giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, thông qua việc không ngừng hoàn thiện chuỗi thực phẩm 3F Plus (FEED - FARM - FOOD), chúng tôi đã và đang mang giá trị lành từ mô hình này đến với khách hàng, đối tác, cộng đồng, đặc biệt là nhóm đối tượng phụ nữ và trẻ em. Từ thành công của các chương trình như Tiếp Sức Nhà Nông, Bữa Ăn Trọn Vẹn, GREENFEED cam kết sẽ triển khai nhiều sáng kiến hơn nữa để xây dựng một hệ sinh thái thịnh vượng, đa dạng, bền vững, nơi mỗi thành quả của doanh nghiệp sẽ tạo tác động tích cực và chia sẻ giá trị đến cộng đồng, xã hội.”.
Phiên Tọa đàm “Kinh doanh bao trùm trong thời đại số: Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Hội thảo khép lại với phiên Tọa đàm “Kinh doanh bao trùm trong thời đại số: Không để ai bị bỏ lại phía sau”, với sự tham gia, chia sẻ của đại diện lãnh đạo Traphaco, Tổ chức Aide et Action Việt Nam và doanh nghiệp xã hội mGreen. Thông qua Tọa đàm, các đại diện khách mời đã chia sẻ những nội dung thảo luận đa góc nhìn, từ phương diện của tổ chức xã hội, cách tiếp cận của doanh nghiệp đối với vấn đề kinh doanh bao trùm, kinh doanh tạo tác động xã hội; những lợi ích, đóng góp của mô hình kinh doanh nhân văn này cho chiến lược phát triển bền vững chung của doanh nghiệp cũng như đất nước, đặc biệt trong bối cảnh sau đại dịch và thời đại số.
Trong cả 2 phiên Tọa đàm, các diễn giả đều nhấn mạnh những lợi ích khi gắn kết yếu tố đa dạng, hòa nhập, bao trùm vào hoạt động lập chiến lược, vận hành doanh nghiệp, cụ thể như việc các doanh nghiệp đặt con người vào trọng tâm của mọi chiến lược và hoạt động sản xuất kinh doanh, với môi trường, thành phần lao động đa dạng có khả năng sáng tạo tốt hơn, bắt kịp xu hướng nhu cầu, thói quen tiêu dùng mới trên thị trường nhanh chóng hơn, giúp giải quyết hiệu quả và sáng tạo hơn các thách thức trong xã hội hiện nay. Hoặc việc các doanh nghiệp với hình ảnh văn hóa đa dạng, bao trùm sẽ có hình tượng tốt hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc thâm nhập và hoạt động tại thị trường nước ngoài. Từ đó, các khách mời khuyến khích đẩy mạnh việc lồng ghép yếu tố đa dạng, hòa nhập và bao trùm vào trong văn hóa doanh nghiệp, thông qua đó giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến các nhóm yếu thế như phụ nữ, người đồng bào thiểu số, hoặc người khuyết tật, gia tăng lợi ích hài hòa cho người lao động.
VCSF 2022 sẽ được tiếp nối với Hội thảo chuyên đề về “Tái xác định giá trị doanh nghiệp từ khía cạnh môi trường: Những đóng góp của doanh nghiệp trên lộ trình phi phát thải” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27/10/2022. Phiên toàn thể của VCSF 2022 dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội, vào ngày 1/12/2022, cùng ngày với Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2022. Chương trình có sự đồng hành của Nestlé Việt Nam, Unilever Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam, BAT Việt Nam và nhiều đối tác, thành viên VBCSD khác.
Thông tin về Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam Được thành lập năm 2010 theo sự phê duyệt của Chính phủ, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) là tổ chức định hướng doanh nghiệp, nơi quy tụ những doanh nghiệp (DN) hàng đầu và các tổ chức xã hội uy tín ở Việt Nam tiên phong trong thực hiện phát triển bền vững (PTBV), là cầu nối giúp tăng cường phối hợp chặt chẽ và đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ, các đối tác trong xã hội để đẩy mạnh PTBV. VBCSD hiện cũng là một trong 69 đối tác thuộc Mạng lưới toàn cầu của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD). Thông qua năm hoạt động cốt lõi kết nối doanh nghiệp bao gồm truyền thông & nâng cao nhận thức, tập huấn, nghiên cứu, quan hệ đối tác và hợp tác quốc tế, VBCSD-VCCI từng bước hỗ trợ đưa PTBV vào trọng tâm chiến lược hoạt động sản xuất, kinh doanh, trở thành “hơi thở” của mỗi doanh nghiệp. Các Chương trình, sáng kiến nổi bật hiện đang được VBCSD triển khai, bao gồm: (i) Tổ chức thường niên Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam; (ii) Thúc đẩy DN lập báo cáo phát triển bền vững; (iii) Tổ chức thường niên Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF); (iv) Thành lập và duy trì Mạng lưới báo chí về phát triển bền vững; (v) Thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư trong lĩnh vực PTBV, trong đó có Sáng kiến Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. |
Thu Hằng