13/07/2023
Vào tháng 12/2022, tại COP15 về Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc, 196 quốc gia đã thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (Khung GBF), trong đó tại Mục tiêu 15 đã yêu cầu tất cả các tổ chức tài chính, kinh doanh lớn và xuyên quốc gia chậm nhất đến năm 2030 phải đánh giá, công bố rủi ro, tác động và sự phụ thuộc của họ vào thiên nhiên. Việc thông qua Khung GBF là một bước tiến lớn hướng tới một tương lai tích cực đối với thiên nhiên, nhưng sự thành công của Khung GBF sẽ được quyết định bởi mức độ nhanh chóng và hiệu quả của các chính phủ trong thực hiện cũng như tác động đến luật pháp quốc gia như thế nào. Đây là cơ hội duy nhất để các chính phủ, xã hội dân sự, tổ chức kinh doanh và tài chính cũng như các bên liên quan khác hợp tác để ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất mát tự nhiên vào năm 2030.
1. Vai trò của doanh nghiệp (DN) trong thực hiện Khung GBF
Mục tiêu 15 của Khung GBF đưa ra một hồi chuông cảnh tỉnh cho khu vực tư nhân, với một thông điệp rõ ràng tới tất cả các tổ chức tài chính, DN lớn và xuyên quốc gia: Hãy sẵn sàng đánh giá các rủi ro, sự phụ thuộc và tác động đối với đa dạng sinh học (ĐDSH) vì đây sẽ là yêu cầu bắt buộc của Chính phủ đối với các DN chậm nhất vào năm 2030. Lần đầu tiên trong một thỏa thuận đa phương, các chính phủ đã cam kết rõ ràng từ hoạt động kinh doanh dựa vào thiên nhiên. Điều này đặt ra một tham vọng sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các hệ thống kinh tế - xã hội và khuyến khích những hành động tích cực của công ty nhằm bảo vệ, khôi phục và sử dụng bền vững thiên nhiên.
Mục tiêu 15 yêu cầu các chính phủ cam kết thực hiện các biện pháp pháp lý, hành chính hoặc chính sách để “khuyến khích và tạo điều kiện” cho tất cả các DN và tổ chức tài chính hành động theo tự nhiên. Điều quan trọng là mục tiêu này có tính phân biệt giữa các DN lớn và DN vừa, nhỏ, áp dụng cách tiếp cận mang tính quy tắc hơn cho DN lớn. Theo đó, đối với DN lớn, các chính phủ sẽ “đảm bảo các công ty cũng như các tổ chức tài chính lớn và đa quốc gia” thực hiện các hành động được liệt kê trong mục tiêu. Điều này có nghĩa là các chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện các bước cần thiết để yêu cầu các công ty, tổ chức tài chính lớn phải hành động và những hành động này không thể chỉ giới hạn ở các biện pháp tự nguyện.
Trong khi đó, mục tiêu 15 thừa nhận sự cần thiết của một cách tiếp cận khác đối với các DN vừa và nhỏ, những DN có ít năng lực hơn, cần được hỗ trợ và khuyến khích bổ sung từ chính phủ để tuân thủ các các yêu cầu của mục tiêu. Theo đó, các chính phủ sẽ “khuyến khích và tạo điều kiện” cho tất cả các DN thực hiện các hành động cần thiết mà không áp dụng các yêu cầu nghiêm ngặt đối với các DN vừa, nhỏ. Ví dụ, các chính phủ có thể xây dựng hướng dẫn rõ ràng và nhất quán cho các DN vừa, nhỏ, cũng như cung cấp các công cụ phù hợp và hỗ trợ tài chính, kỹ thuật dựa trên cơ sở khoa học.
Các doanh nghiệp tham gia hưởng ứng Ngày Đa dạng sinh học: Từ cam kết đến hành động
Để thực hiện Khung GBF, các DN cũng cần có những hành động cụ thể:
Tuân thủ các yêu cầu giám sát, đánh giá và công bố thông tin
Theo Khung GBF, chậm nhất vào năm 2030, tất cả 196 thành viên của Công ước Đa dạng sinh học (CBD) phải thông qua các yêu cầu đảm bảo tất cả các DN và tổ chức tài chính lớn phải thực hiện đánh giá, giám sát, công bố thông tin. Các chính phủ cần phải “đảm bảo” hành động được thực hiện thông qua “các yêu cầu đối với tất cả các DN lớn”. Mục tiêu 15 gửi một tín hiệu rõ ràng tới cộng đồng DN chuẩn bị cho việc bắt buộc phải thực hiện công bố về các tác động, sự phụ thuộc và rủi ro ở nhiều quốc gia trên thế giới vào năm 2030. Thông qua công bố thông tin, các DN và tổ chức tài chính lớn sẽ phải giải quyết tính trọng yếu kép bằng cách chứng minh tác động của tổn thất thiên nhiên đối với giá trị tài chính cũng như tác động của chính họ đối với thiên nhiên. Các thông tin phải công bố bao gồm:
- Rủi ro liên quan đến thiên nhiên: Khuyến khích hành động tích cực với thiên nhiên và cung cấp những hiểu biết quan trọng cho các nhà đầu tư khi họ tìm cách điều chỉnh các khoản đầu tư của mình hướng tới một nền kinh tế tích cực với thiên nhiên.
- Tác động đến tự nhiên: Cung cấp thông tin hữu ích, phù hợp cho các bên liên quan như các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư, người tiêu dùng. Việc tiết lộ này sẽ tạo cơ sở cho hành động kinh doanh và đảm bảo các công ty phải chịu trách nhiệm.
- Sự phụ thuộc vào tự nhiên: Giúp xây dựng một bức tranh toàn cảnh về tầm quan trọng thiết yếu của thiên nhiên đối với DN. Sự phụ thuộc làm nổi bật các rủi ro tài chính, chiến lược, hoạt động liên quan đến mất ĐDSH và tác động của nó đối với hoạt động kinh doanh, giúp xây dựng trường hợp điển hình trong kinh doanh để bảo vệ, tái tạo thiên nhiên.
Do đó, các DN, tổ chức tài chính có thể kỳ vọng việc đánh giá, công bố thông tin liên quan đến thiên nhiên sẽ trở thành thông lệ tiêu chuẩn, giống như trường hợp công bố các thông tin liên quan đến khí hậu.
Cung cấp thông tin bền vững cho người tiêu dùng
Mục tiêu 15 cũng yêu cầu các chính phủ cam kết khuyến khích và tạo điều kiện cho các công ty cung cấp thông tin cho người tiêu dùng để họ có thể đưa ra các lựa chọn tiêu dùng bền vững. Theo yêu cầu công bố thông tin, các công ty và tổ chức tài chính lớn sẽ phải thực hiện yêu cầu khắt khe hơn để thực hiện mục tiêu này so với các DN vừa, nhỏ. Hợp phần này của Mục tiêu 15 có liên quan chặt chẽ với Mục tiêu 16 của GBF, trong đó nêu chi tiết cách thức các chính phủ sẽ nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và hỗ trợ tiêu dùng bền vững. Loại thông tin mà DN cung cấp và cách thức thực hiện sẽ được quyết định ở cấp quốc gia.
Báo cáo về việc tuân thủ các quy định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS)
Hợp phần thứ ba của Mục tiêu 15 đặt các chính phủ có trách nhiệm đảm bảo các DN báo cáo về việc họ tuân thủ các quy định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Điều này sẽ áp dụng cho việc tuân thủ các quy định ABS quốc gia, cũng như các nghĩa vụ tiềm ẩn liên quan khác phát sinh từ các cơ chế chia sẻ lợi ích mới sẽ được phát triển trên Thông tin trình tự kỹ thuật số (DSI).
2. Chiến lược quốc gia về ĐDSH và vai trò của DN trong bảo tồn ĐDSH
Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 149/QĐ-TTg). Đây chính là cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với công tác bảo tồn ĐDSH trong thập kỉ tới đồng thời đáp ứng về cơ bản các yêu cầu của Khung ĐDSH toàn cầu Côn Minh - Montreal. Tuy nhiên, tại Quyết định số 149/QĐ-TTg chưa quy định một cách rõ ràng, cụ thể về vai trò của các DN. Phần giải pháp về tài chính trong thực hiện Chiến lược là nội dung duy nhất thể hiện vai trò của DN cụ thể “Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, DN đầu tư tài chính cho bảo tồn ĐDSH; thực hiện các mô hình hợp tác công - tư trong bảo tồn và sử dụng bền vững dịch vụ hệ sinh thái và ĐDSH”. Rõ ràng, so với Khung GBF, vai trò các DN trong thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH của Việt Nam mang tính khuyến khích, tự nguyện nhiều hơn. Tuy nhiên, sự tham gia bắt buộc của các DN trong việc bảo tồn ĐDSH phần nào được phản ánh trong các quy định pháp luật có liên quan được phân tích ở các nội dung dưới đây.
Theo Luật BVMT năm 2020, trách nhiệm của DN đối với ĐDSH được gắn chặt với quá trình đánh giá tác động môi trường. Theo đó, các dự án đầu tư có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cần phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường phải bao gồm các nội dung về ĐDSH gồm: Mô tả “Điều kiện tự nhiên… ĐDSH”; Đánh giá “tác động đến ĐDSH”; Đề xuất “phương án bồi hoàn ĐDSH (nếu có)”. Đối với quy trình tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường, Luật cũng quy định phải tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân và các tổ chức có liên quan. Như vậy, cũng tương tự trong yêu cầu của Khung GBF, các DN có dự án đầu tư liên quan cũng phải đánh giá được tác động đến ĐDSH, phải thông tin đến các bên liên quan đến tác động đến ĐDSH.
Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã quy định: Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng bền vững là các công cụ Nhà nước quy định để nhằm đảm bảo các tổ chức (bao gồm DN), cá nhân, hộ gia đình có hoạt động trên đất rừng được Nhà nước giao hoặc cho thuê thực hiện các phương thức quản trị rừng bảo đảm đạt được các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, không làm suy giảm các giá trị và nâng cao giá trị rừng, cải thiện sinh kế, BVMT, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh. Theo quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017, chủ rừng là tổ chức (bao gồm DN) phải phải xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Theo đó, nội dung phương án quản lý rừng bền vững đối với rừng sản xuất bao gồm những nội dung về ĐDSH như: Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; thực trạng tài nguyên rừng, ĐDSH; mục tiêu quản lý rừng bền vững (tổng diện tích rừng được bảo vệ, độ che phủ của rừng đạt được; bảo tồn tính ĐDSH, bảo vệ các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm); Xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái rừng; bảo tồn ĐDSH, bảo vệ các loài thực vật rừng, động vật rừng.
Tại điểm b, Khoản 2 Điều 60 Luật ĐDSH có quy định: Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen có các nghĩa vụ: “Báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen về kết quả nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm thương mại theo thời hạn quy định trong giấy phép tiếp cận nguồn gen”. Như vậy, mặc dù Chiến lược quốc gia về ĐDSH của Việt Nam không nêu rõ nhưng các quy định hiện hành phần nào đã phản ánh được các yêu cầu của GBF đối với DN liên quan đến bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH. Tuy nhiên, các quy định hiện hành chỉ mới đề cập đến các DN có dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, các DN sản xuất rừng, các DN có giấy phép tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Trong khi đó còn rất nhiều DN hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, trồng trọt, du lịch sinh thái… khác có sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và cũng cần có các hành động có trách nhiệm đối với công tác bảo tồn ĐDSH.
3. Kiến nghị
Để tăng cường vai trò của các DN trong thực hiện bảo tồn ĐDSH nói chung và thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH nói riêng, Nhà nước cần bổ sung các quy định yêu cầu các DN lớn, đa quốc gia hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực có liên quan đến ĐDSH (sử dụng tài nguyên thiên nhiên, du lịch sinh thái…) phải có đánh giá giá trị về ĐDSH đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ, đồng thời đánh giá tác động của các hoạt động của họ đến ĐDSH và công bố các thông tin liên quan; Bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ có thể tham gia vào các quá trình nêu trên; Nâng cao nhận thức của người dân nói chung nhằm hướng tới một xã hội tiêu dùng bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường và đa dạng sinh học.
Về phía các DN, việc chủ động tham gia vào các quá trình bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH có thể được thực hiện thông qua: Tìm kiếm công cụ phù hợp để đánh giá tác động và sự phụ thuộc của họ vào thiên nhiên và ĐDSH ví dụ như Đo lường các hành động kinh doanh tích cực với thiên nhiên của Diễn đàn kinh tế Thế giới; Cam kết đóng góp vào thực hiện các mục tiêu liên quan trong Chiến lược quốc gia về ĐDSH bằng cách đặt ra mục tiêu minh bạch, có thời hạn, cụ thể, khoa học để đóng góp tích cực vì thiên nhiên; Thay đổi thông qua biện pháp thực hành tốt nhất trên toàn chuỗi giá trị dần dần tạo ảnh hưởng thay đổi trên toàn hệ thống, do phần nhiều tác động và sự phụ thuộc chính của các công ty nằm trong chuỗi giá trị nên họ có thể đẩy nhanh quá trình tham gia vào thực hiện NBSAP và Khung GBF thông qua truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tính minh bạch và tăng cường cơ chế thu thập dữ liệu; Công khai thông tin về các kết quả đạt được liên quan đến thiên nhiên và ĐDSH.
ThS. Tạ Thị Kiều Anh
Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2023)