05/04/2023
Theo báo cáo Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và thách thức đối với tuần hoàn nhựa do IFC và Ngân hàng Thế giới thực hiện, mỗi năm có đến 2,62 tấn rác thải nhựa không được tái chế, dẫn đến hao hụt 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương 2,2 - 2,9 tỉ USD mỗi năm.
Ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú nhưng tỷ lệ tái chế nhựa chỉ đạt mức 33%. Nguyên nhân chính là do nhu cầu về nhựa tái sinh (PCR) chưa cao khi việc sử dụng nhựa nguyên sinh luôn dễ dàng và chi phí thấp hơn. Nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, vừa qua, Unilever Việt Nam và Tái Chế Duy Tân đã tổ chức “Lễ ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình Hợp tác thu gom và tái chế nhựa”.
Chương trình được hiện thực hóa bắt đầu từ bước thiết lập hệ thống phân loại tại nguồn và thu gom rác thải nhựa, tiếp đến tận dụng thế mạnh chuyên môn và công nghệ của Tái Chế Duy Tân để tối ưu hóa nguồn rác thải nhựa được thu gom thông qua việc tái chế, sản xuất hạt nhựa tái sinh (PCR) để quay lại phục vụ cho hoạt động sản xuất bao bì của Unilever Việt Nam.
Với cam kết hợp tác chặt chẽ cùng kế hoạch hành động cụ thể, trong giai đoạn hợp tác 5 năm từ nay đến 2027, Unilever Việt Nam và Tái Chế Duy Tân sẽ hướng đến mục tiêu thu gom và tái chế 30.000 tấn rác thải nhựa.
Song song với mục tiêu xây dựng vòng tuần hoàn về nhựa để BVMT, hợp tác này còn góp phần thực hiện những mục tiêu xã hội thông qua cải thiện điều kiện làm việc, vệ sinh và sức khỏe; đào tạo nâng cao nhận thức và năng lực, đồng thời cải thiện sinh kế và các yếu tố an toàn xã hội cho lực lượng thu gom rác thải tại hơn 100 trạm thu gom trong chuỗi giá trị của Tái Chế Duy Tân. Đây là đội ngũ thường dễ bị tổn thương khi đa phần là nữ giới và hầu như chưa được đảm bảo về an sinh - xã hội. Đồng thời, Unilever Việt Nam và Tái Chế Duy Tân còn thực hiện các chương trình tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người về việc bảo vệ môi trường thông qua thói quen phân loại rác tại hộ gia đình, từ đó tạo ra tác động mạnh mẽ và sự lan tỏa trên toàn quốc.
Được biết, Unilever Việt Nam cam kết cắt giảm một nửa lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì đến năm 2025, trong đó sử dụng nhựa PCR là một phương pháp được đẩy mạnh. Đến nay, Unilever Việt Nam đã giảm 82% lượng nhựa sử dụng trong bao bì thông qua cắt giảm nhựa nguyên sinh và tận dụng nhựa PCR, đạt 73% bao bì có khả năng tái chế, và thu gom, xử lý hơn 20.000 tấn rác thải nhựa. Bao bì chai của sản phẩm từ nhiều nhãn hàng của Unilever Việt Nam cũng đã và đang áp dụng nhựa PCR.
Bảo Bình