15/11/2021
Các sản phẩm rác thải nhựa như chai, lọ nhựa, túi nhựa, ni lông… nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực cho sức khỏe con người. Nhận thức được vấn đề này, 27 năm có mặt tại Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam đã nỗ lực không ngừng cùng cam kết phát triển bền vững, gia tăng năng lực tái chế, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm rác thải nhựa, đồng thời giữ vị trí tiên phong trong quản lý rác thải. Không chỉ tham gia các Liên minh Chống rác thải nhựa, Tái chế bao bì Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam còn có nhiều nỗ lực nhằm hướng đến một thế giới không rác thải với các hoạt động trên ba trụ cột: Thiết kế, thu gom và hợp tác thông qua các sáng kiến xanh.
Không xả thải ra thiên nhiên (Zero Waste to Nature)
Sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên (Zero Waste to Nature) là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Dự án Trung tâm Kinh tế tuần hoàn chủ trì bởi Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp thực hiện với các Công ty TNHH: Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, Quốc tế Unilever Việt Nam và Dow Chemical Việt Nam đã chính thức được khởi động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ năm 2018. Đây là một trong 5 sáng kiến được VCCI trình Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững ngày 12/9/2019, được triển khai trong 5 năm (2018 - 2022), thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, sau đó tiếp tục nhân rộng tại các đô thị lớn trên toàn quốc.
Là bước đi tiên phong hướng đến nền kinh tế tuần hoàn vì một Việt Nam bền vững, sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên hướng đến 4 mục tiêu: Giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; Xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; Phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, Chương trình được thử nghiệm tại ngành Nhựa, tiến tới nhân rộng mô hình với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn khác tại các ngành nhôm, thép, xi măng, kính, gỗ, các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, từng bước hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn và xây dựng thị trường nguyên vật liệu tái chế, tái sử dụng chính thức tại Việt Nam. Kết quả, chỉ tính riêng năm 2018 - năm đầu khởi động sáng kiễn, đã có tới 60% người dân trong khu vực thí điểm biết cách phân biệt rác tại nguồn; 7.500 học sinh được trang bị những kiến thức cần thiết về rác thải nhựa, ô nhiễm nhựa…
Đông đảo bạn trẻ hào hứng tham gia Lễ phát động sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên, ngày 26/5/2018
Mạng lưới hành động vì rác thải nhựa (Plastic Action Network)
Tháng 3/2019, tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ khởi động Dự án “Mạng lưới hành động về tiết giảm - tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa (3R) ở Việt Nam”. Dự án do Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh Greenhub làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại 426.999 USD từ quỹ Coca-Cola toàn cầu, thực hiện tại 5 phường Hồng Hà, Hồng Hải, Hòn Gai, Hà Trung và Hà Phong của TP. Hạ Long từ năm 2018 - 2021. Mục tiêu của Dự án là thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong Mạng lưới nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương và áp dụng 3R đối với rác thải nhựa; thúc đẩy kinh tế, khởi nghiệp tại cộng đồng, với sự tham gia tích cực của phụ nữ; tìm kiếm các giải pháp công nghệ phù hợp với cộng đồng địa phương; truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và vận động chính sách góp phần giảm thiểu rác thải nhựa. Trong 3 năm thực hiện, từ tháng 10/2018 - 5/2021, Dự án đã xây dựng thành công mạng lưới gồm các tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế như IUCN, GRET, UN Habitat, UNESCO, Keep Hanoi Clean…, các công ty, nhà sản xuất, chuyên gia, cơ quan ban/ngành tại tỉnh Quảng Ninh như Sở TN&MT, Liên hiệp Hội Phụ nữ TP. Hạ Long và tỉnh, Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh… Cùng với đó, Dự án cũng đã hỗ trợ cho các nhóm phụ nữ trong việc khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cũng từ đây, nhiều sáng kiến kinh doanh dựa trên rác thải nhựa đã được Dự án hỗ trợ tiếp cận thị trường, tiêu thụ hàng hóa ổn định, góp phần tạo ra sinh kế, hiệu quả kinh tế cho các nhóm phụ nữ.
Sử dụng nhựa tái chế (rPET Bottles)
Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về thu gom và tái chế bao bì là một phần quan trọng trong Chiến lược “Vì một thế giới không rác thải” của Coca-Cola Việt Nam. Theo đó, Công ty đặt mục tiêu đến năm 2030, thu gom và tái chế tương đương 100% lượng bao bì mà Công ty bán ra trên toàn cầu; sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong bao bì sản phẩm của Công ty. Để hiện thực hóa mục tiêu này, bên cạnh các dự án xã hội, thông qua hoạt động Nghiên cứu & Phát triển, Coca-Cola Việt Nam cũng tiến hành đổi mới mẫu mã bao bì có thể tái chế. Sáng kiến đưa thông điệp “Tái chế tôi” lên bao bì là hoạt động mới nhất của Coca-Cola trong hướng tiếp cận và giải quyết vấn đề rác thải bao bì tại Việt Nam một cách toàn diện. Năm 2019, Coca-Cola Việt Nam đã chính thức bỏ màng co nhựa trên sản phẩm nước đóng chai Dasani (dung tích 350 ml, 500 ml và 1500 ml). Năm 2020, Coca-Cola là công ty nước giải khát đầu tiên giới thiệu bao bì được làm từ 100% nhựa tái chế (rPET), áp dụng cho sản phẩm nước đóng chai Dasani (dung tích 500 ml) tại thị trường Việt Nam. Năm 2021, Công ty đã thay thế chai nhựa xanh đặc trưng bằng chai nhựa PET trong suốt dễ tái chế cho các sản phẩm Sprite, qua đó, thúc đẩy hoạt động tái chế chai Sprite tại địa phương. Coca-Cola Việt Nam cũng chính thức đưa thông điệp “Tái chế tôi” lên bao bì sản phẩm của tất cả các thương hiệu trực thuộc Coca-Cola nhằm khuyến khích người tiêu dùng chung tay vào các hoạt động hỗ trợ tái chế bao bì sau khi sử dụng sản phẩm. Đến cuối năm nay, Công ty sẽ hoàn tất quá trình chuyển đổi này trên phần lớn bao bì sản phẩm trong nước.
Gần đây nhất, ngày 22/10/2021, Coca-Cola chính thức ra mắt chai nước giải khát đầu tiên được làm 100% từ thực vật, không bao gồm nắp và nhãn chai. Đây là sáng kiến BVMT mới nhất của thương hiệu sau khi trình làng PlantBottle - bao bì có thể tái chế được làm từ 30% nguyên liệu có nguồn gốc thực vật vào năm 2009. Mẫu chai có nguồn gốc 100% thực vật mới của Coca-Cola được làm từ paraxylen gốc thực vật (bPX) và sử dụng một quy trình mới của Virent - đã được chuyển đổi thành axit terephthalic có nguồn gốc thực vật (bPTA). Là vật liệu đóng gói đồ uống đầu tiên làm từ bPX và được sản xuất ở quy mô lớn, mẫu chai mới báo hiệu bước thay đổi trong khả năng thương mại hóa của vật liệu sinh học. Coca-Cola cũng đồng sở hữu quy trình sản xuất bMEG với Công ty Changchun Meihe Science & Technology. Thông thường, bMEG được sản xuất bằng cách chuyển mía hoặc ngô thành cồn sinh học làm chất trung gian, sau đó chuyển thành glycol sinh học để tạo ra những loại chai như PlantBottle. Giờ đây, công nghệ mới cho phép Coca-Cola sử dụng nhiều loại nguyên liệu tái tạo hơn trong quá trình sản xuất. Các nguyên liệu thô như phế thải lâm nghiệp hoặc phụ phẩm nông nghiệp có thể trực tiếp tạo ra cồn sinh học mà không cần lương thực - nguồn cung thiếu ổn định như trước.
Coca-Cola ra mắt chai nước giải khát đầu tiên được làm 100% từ thực vật, không bao gồm nắp và nhãn chai, ngày 22/10/2021
Là Công ty nước giải khát hàng đầu Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam tiên phong triển khai nhiều hoạt động vì tương lai bền vững cho cộng đồng và môi trường. Bên cạnh các sáng kiến trên, Coca-Cola Việt Nam còn có nhiều sáng kiến khác, ưu tiên cho mục tiêu phát triển bền vững như: Hợp tác với UNESCO thực hiện Dự án Vì một thế giới không rác thải (Fostering Creativity For Recycling Awareness) với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng và hỗ trợ thanh niên cùng phát triển các ý tưởng sáng tạo trong thu thập, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; Nâng cao nhận thức về tái chế rác thải nhựa (fostering creativity for recycling awareness) thực hiện giai đoạn thử nghiệm tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm và những khu vực xung quanh phố cổ Hội An… Bằng cách nỗ lực thực hiện các hoạt động khác nhau trong quản lý chất thải và BVMT, Coca-Cola Việt Nam hy vọng sẽ hiện thực hóa các cam kết của mình và đóng góp vào hành trình đạt được mục tiêu toàn cầu về “Một thế giới không rác thải”.
Đỗ Hương