Banner trang chủ

Một số khuyến cáo của Công ty Điện lực Thái Bình về công tác phòng, chống cháy nổ

04/10/2021

    Để người dân có những hành động thiết thực hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng cháy chữa cháy (4/10), ngăn chặn tai nạn cháy, nổ có thể xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại về tính mạng cũng như tài sản cho mọi người, mọi gia đình, các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị… Công ty Điện lực Thái Bình hướng dẫn một số biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ như sau:

    Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở:

    Phải tổ chức thực hiện tốt các điều kiện an toàn về phòng chát chữa cháy (PCCC) đối với cơ sở theo quy định tại Điều 20, Luật PCCC và Điều 5, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCC, nội quy, quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, công nhân viên, người lao động; thực hiện nghiêm túc Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg ngày 17/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và “ thả đèn trời ”, Nghị định số 137/2000/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

    Đồng thời, có biện pháp quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, nguồn lửa, nguồn nhiệt, hệ thống thiết bị điện; Tại các kho tàng phải tách điện phục vụ sản xuất, bảo vệ và chữa cháy thành từng hệ thống riêng biệt; Sắp xếp vật tư, hàng hóa phải theo đúng quy định an toàn PCCC, cách xa ổ cắm điện, thiết bị điện ít nhất 0,5 m; Kho chứa chất nguy hiểm về cháy, nổ phải là kho chuyên dùng; Hết giờ làm việc, sản xuất - kinh doanh phải kiểm tra, tắt toàn bộ thiết bị sử dụng điện đề phòng sự cố gây cháy.

    Bên cạnh đó, tổ chức bảo dưỡng các thiết bị máy móc, hệ thống điện, thiết bị điện, hệ thống phương tiện PCCC định kỳ theo quy định của nhà sản xuất, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC; Tăng cường tự tổ chức kiểm về PCCC theo chế độ thường xuyên, định kỳ, đột xuất theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 136/2020/NĐ - CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy, nổ; Thực hiện tốt phương châm “ bốn tại chỗ ” trong công tác PCCC và CNCH, xây dựng, củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện, báo cháy, dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh; Chuẩn bị phương án chữa cháy, thoát nạn cho người và tài sản khi cháy xảy ra; Tăng cường tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại cơ sở, đặc biệt là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ để phát hiện, dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh không để cháy lan, cháy lớn.

    Đối với các chợ, trung tâm thương mại:

    Chủ đầu tư, Ban quản lý chợ, trung tâm thương mại phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định tại Điều 25, Luật phòng cháy, chữa cháy năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2013, quy định phòng cháy đối với chợ, trung tâm thương mại; Điều 5, Nghị định số 136/2020/NĐ- CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ. Tại các chợ, trung tâm thương mại phải tách riêng hệ thống điện phục vụ kinh doanh với hệ thống điện bảo vệ và chữa cháy; Lắp đặt thiết bị bảo vệ (áptomát) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng, từng quầy, sạp của hộ kinh doanh; Sắp xếp các hộ kinh doanh bảo đảm theo quy định và phương án thoát nạn, giải tỏa hàng hóa khi có cháy xảy ra; Phải trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy, bố trí nguồn nước chữa cháy, giải pháp chống cháy lan phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động: Chủ hộ kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ phải trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ.

    Các hộ kinh doanh phải thực hiện nghiêm nội quy, quy định về PCCC; Không bày hàng hoá lấn chiếm đường đi lại, lối thoát nạn, cửa ra vào, không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất, hàng nguy hiểm cháy nổ như xăng dầu, gas, cồn, hoá chất; Không sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán đèn trời và các loại pháo, thuốc pháo. Ngoài ra, không thắp hương, nến, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong khu vực chợ, trường hợp cần thiết sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bố trí ở khu vực riêng biệt, không tự ý cơi nới làm thêm mái vảy, mái che, sử dụng vật liệu dễ cháy để làm tường, trần, vách ngăn cho các kiốt, quầy hàng; Không tự ý sửa chữa, mắc thêm dây dẫn, ổ cắm, các thiết bị tiêu thụ điện. Những nơi không có điện hoặc mất điện chỉ dùng đèn ắc quy, đèn pin để chiếu sáng.

    Ban quản lý chợ, trung tâm thương mại phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt tuyệt đối an toàn trước khi đóng cửa hết giờ kinh doanh. Phải bố trí lực lượng phương tiện thường trực sẵn sàng chữa cháy 24/24 giờ.

    Đối với các hộ gia đình:

    Phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định tại khoản 1, Điều 17, Luật phòng cháy và chữa cháy; Điều 7, Nghị định số 136/2020/ NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ. Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy. Trong đó cần lưu ý: Hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy như gỗ, nhựa, xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn, không lắp lồng sắt chống trộm ở cửa, lan can nhà nhiều tầng (nếu bắt buộc phải lắp thì phải để ô cửa thoát nạn, sử dụng cửa có bản lề mở cánh, kích thước tối thiểu rộng 60 cm, cao 80 cm, chốt bên trong hoặc khóa, chìa khóa phải để nơi quy định mọi người trong nhà cùng biết, đồng thời, chuẩn bị sẵn thang leo, dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn như búa, kìm cộng lực để mở lối thoát nạn; Đèn pin chiếu sáng ban đêm, khẩu trang, mặt nạ phòng độc để phòng ngạt khói); Khi sử dụng cửa cuốn cần phải bố trí các biện pháp mở được cửa khi mất điện.

    Không sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt pháo nổ và đốt, thả đèn trời; không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu; Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ với số lượng ít nhất; Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy phải cách xa bếp đun nấu, nguồn lửa, thiết bị chứa xăng dầu phải kín; Lắp đặt hệ thống điện trong nhà phải bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn, lựa chọn dây dẫn điện có tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện, chống quá tải, chập mạch gây cháy; Không câu mắc, đấu nối điện tùy tiện, không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng ổ cắm, sắp xếp đồ dùng, hàng hóa dễ cháy cách xa ổ cắm, cầu dao, thiết bị tiêu thụ điện ít nhất 0,5 m; Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa thay thế thiết bị điện và mạng điện bị hư hỏng.

    Cùng với đó, bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy, đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật liệu không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy; Khi đun nấu phải có người trông coi; nếu sử dụng bếp gas phải lắp đặt bếp, bình gas, ống dẫn gas bảo đảm chất lượng, khi đun nấu xong phải tắt bếp và khóa van bình gas; Không đốt than trong phòng kín để sưởi ấm; Trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Mặt khác, mỗi gia đình cần chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính, có lối dự phòng hoặc lối thoát nạn khẩn cấp như ban công, lô gia, sân thượng, lên mái, sang nhà bên cạnh và hướng dẫn các thành viên trong gia đình cùng biết; Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy và các bình chữa cháy để dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh.

    Đặc biệt, khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra tại nơi ở hay nơi làm việc hãy bình tĩnh, hô hoán, ấn chuông, đánh kẻng báo cháy cho mọi người biết để thoát ra nơi an toàn, nhanh chóng cắt điện cầu dao, áptômát khu vực cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ đã được trang bị để chữa cháy, chống cháy lan; Gọi điện thoại báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (số điện thoại 114) hoặc báo cho Công an, chính quyền địa phương nơi xảy ra cháy và tích cực tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn. Nếu phải thoát qua khu vực có khói lửa, phải dùng mặt nạ phòng độc hoặc khăn, vải mềm thấm nước để che cơ quan hô hấp như mũi, miệng, cơ thể. Tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh.

Sơn Tùng

Ý kiến của bạn