08/03/2022
Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Phước Lộc - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thanh Tùng 2, đơn vị hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xử lý, tái chế chất thải khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Môi trường về cơ hội và thách thức khi Luật BVMT năm 2020 đi vào cuộc sống.
Ông Huỳnh Phước Lộc - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thanh Tùng 2
PV: Ông đánh giá như thế nào tiềm năng cũng như lợi thế của ngành công nghiệp tái chế trong giai đoạn hiện nay?
Ông Huỳnh Phước Lộc: Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022 quy định trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu nhằm áp dụng cơ chế “trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - EPR", một cơ chế đã được áp dụng rộng rãi và thành công ở nhiều nước trên thế giới từ những năm 1990, để thu hồi sản phẩm, bao bì sau sử dụng để tái chế, xử lý một cách hiệu quả nhất, giúp đạt được mục tiêu kép là BVMT và phát triển kinh tế.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện để ngành công nghiệp tái chế phát huy tiềm năng và lợi thế để chung tay cùng với nhà sản xuất nghiên cứu, đầu tư các công nghệ tái chế chất thải nhằm tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường.
PV: Thưa ông, việc áp dụng tái chế vật liệu thải bỏ để tạo thành nguồn nguyên liệu có giá trị sử dụng mới góp phần BVMT và tiết kiệm chi phí và được quy định trong Luật BVMT 2020. Ông đánh giá vai trò cũng như trách nhiệm của Doanh nghiệp thực hiện quy định này?
Ông Huỳnh Phước Lộc: Vai trò, trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm hoặc nguyên liệu luôn phải hướng tới việc tuần hoàn, tái sử dụng, tái chế nhằm hạn chế việc tạo ra chất thải, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên… là xu thế tất yếu của thế giới và là mục tiêu phát triển bền vững.
Tái chế chất thải có thể hiểu theo một cách đơn giản nhất là vòng tuần hoàn của các loại vật liệu. Điều này góp phần tận dụng nguồn nguyên liệu cũng như giảm phát thải ra môi trường khi sử dụng các phương pháp xử lý chất thải bằng công nghệ đốt như hiện nay. Tái sử dụng rác thải công nghiệp không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi để tạo dựng môi trường sống được bền vững hơn.
Vì thế, doanh nghiệp phải có trách nhiệm lưu giữ bảo đảm chất thải không gây ô nhiễm môi trường; tái sử dụng, tái chế, hoặc không có công nghệ thì phải ký kết chuyển giao cho các đơn vị có chức năng thu gom tái chế, xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại đã được Bộ TN&MT cấp phép.
Dây chuyền công nghệ tái chế của Công ty Thanh Tùng 2
PV: Những quy định trên chắc chắn sẽ mang tới nhiều thách thức và cơ hội cho các nhà thu gom xử lý và vì nó liên quan nhiều đến hạ tầng phân loại, thu gom và tái chế…? Theo ông, các doanh nghiệp cần làm gì để thực hiện hiệu quả quy định pháp luật về BVMT?
Ông Huỳnh Phước Lộc: Trong thời gian tới, chắc chắn các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, doanh nghiệp sản xuất sẽ đặt vấn đề với các đơn vị có đủ điều kiện, được phép của các cơ quan chức năng để tái chế chất thải ra nguyên liệu, sản phẩm thân thiện môi trường...
Đây cũng là cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho các doanh nghiệp xử lý chất thải cần phải mở ra hướng đi mới trong việc nghiên cứu, đầu tư công nghệ tái chế ra nguyên liệu, thành phẩm từ chất thải công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa. Có như thế mới đáp ứng được công tác thu gom, xử lý tái chế chất thải hiệu quả và đúng với các quy định pháp luật về BVMT hiện nay.
PV: Sau thành công từ sản phẩm tấm nhựa tái chế từ rác thải lần đầu tiên được bán cho khách hàng Scotland, vừa qua Công ty Thanh Tùng 2 tiếp tục cho ra đời sản phẩm gạch cao su từ rác thải giày da. Vậy xin ông cho biết quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và triển khai thực tế của sản phẩm này và hiệu quả đối với xã hội cũng như yếu tố BVMT?
Ông Huỳnh Phước Lộc: Từ khi sản phẩm tấm ván nhựa tái chế được sản xuất và thị trường chấp nhận, chúng tôi nhận thấy, mục đích khách hàng sử dụng để trang trí nội thất, ngoại thất khách sạn, công viên, phòng Gym... nhưng vẫn phải sử dụng gạch men thông thường để lát nền hoặc sử dụng gạch cao su đang có trên thị trường, nhưng giá thành khá cao.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất giày cho các thương hiệu nổi tiếng cũng tìm đến Thanh Tùng 2 đặt vấn đề tái chế chất thải từ quá trình sản xuất của họ.
Từ những lý do trên, chúng tôi nảy sinh ý tưởng sản xuất tấm gạch cao su từ chất thải cao su, nhựa (chất thải công nghiệp từ các công ty sản xuất giầy thể thao), chất thải này hiện nay chủ yếu xử lý bằng phương pháp đốt. Sau quá trình nghiên cứu, đến nay chúng tôi đã sản xuất thành công viên gạch cao su có kích thước 40 x 40cm, độ dày dao động từ 6mm đến 20mm theo yêu cầu khách hàng với nhiều màu sắc.
Về công nghệ, chúng tôi cũng dựa trên nguyên lý làm tấm ván nhựa tái chế, tuy nhiên đối với gạch cao su tái chế cần độ đàn hồi và mềm mại hơn, độ dày cũng cao hơn. Do đó, máy móc thiết bị cũng được chúng tôi cải tiến, tỷ lệ phối trộn các chất thải cũng thay đổi... để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Các sản phẩm gạch cao su tái chế Thanh Tùng 2 có tính thẩm mỹ, độ bền cao, nhiều màu sắc, thân thiện với môi trường
PV: Việc lựa chọn nguyên liệu tái chế để sản xuất thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất với môi trường, với mong muốn đưa những vật liệu bỏ đi thành sản phẩm mới có giá trị sử dụng cao hơn, vậy sản phẩm tái chế gạch cao su từ rác thải giầy da của Công ty Thanh Tùng 2 đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật như thế nào? Giá thành cũng như tính ưu việt của sản phẩm này đối với thời tiết khí hậu của Việt Nam ra sao?
Ông Huỳnh Phước Lộc: Ưu điểm của sản phẩm gạch cao su tái chế của chúng tôi là tính thẩm mỹ, độ bền cao, nhiều màu sắc, độ đàn hồi tốt, chống trơn trượt, an toàn và thân thiện với môi trường. Đồng thời, dễ dàng tháo dỡ, di chuyển, giá thành rẻ hơn nhiều so với gạch cao su đang có mặt trên thị trường do được làm hoàn toàn từ chất thải tái chế.
Mặc dù là vật liệu tái chế, nhưng không chứa hóa chất độc hại, chất thải từ ngành giầy thể thao khá sạch nên không gây mùi khó chịu, an toàn đối với sức khỏe và thân thiện với môi trường xung quanh. Sản phẩm đã được gia nhiệt có tính ổn định cao nên chịu được môi trường khí hậu của Việt Nam.
PV: Để tạo ra sản phẩm mới đã khó, để duy trì ổn định và mở rộng sản xuất còn khó khăn gấp nhiều lần, vậy ông có kế hoạch như thế nào để mở rộng việc thu gom nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng như đưa sản phẩm tới thị trường trong và ngoài nước trong thời gian tới?
Ông Huỳnh Phước Lộc: Tỉnh Đồng Nai đang có nhiều Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất với các tập đoàn chuyên gia công sản xuất giầy lớn cho các thương hiệu nổi tiếng. Các doanh nghiệp này có nguồn rác thải nhựa, cao su lớn và ổn định. Thời gian qua, các doanh nghiệp này đã đến tham quan dây chuyền công nghệ và đánh giá năng lực của Công ty Thanh Tùng 2 về quy mô, công suất tái chế và ký hợp đồng lâu dài thu gom tái chế chất thải công nghiệp. Vấn đề còn lại, rất mong cơ quan, ban ngành tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng để sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường sớm đến tay nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Sản phẩm có đàn hồi tốt, chống trơn trượt phù hợp với trang trí nội thất, ngoại thất
PV: Nhân dịp Luật BVMT đi vào cuộc sống, ông có đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng để việc hướng dẫn, hỗ trợ Doanh nghiệp ngành tái chế có điều kiện mở rộng sản xuất đáp ứng công tác BVMT thời gian tới?
Ông Huỳnh Phước Lộc: Luật BVMT năm 2020 là khung pháp lý chung áp dụng đối với tất cả các ngành, trong đó có nhiều điều khoản quy định về thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR); Mua sắm xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh,... những điều khoản này là điểm cải tiến so với Luật BVMT năm 2014.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật. Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sản xuất, phân phối và sử dụng các sản phẩm tái chế thân thiện môi trường. Tăng cường triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về BVMT trong lĩnh vực vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải mà chưa được cấp phép. Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ, tái chế, tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.
Nam Hưng (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2022)