29/09/2021
Theo thống kê Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Quảng Ninh, tính đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 11 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 11.736,71 ha, trong đó 5 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy so với diện tích đạt 62,5% đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giải quyết công ăn việc làm, thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các KCN phát sinh khối lượng lớn các loại nước thải, chất thải rắn, khí thải là một trong những tác nhân đã và đang làm suy thoái môi trường, đe dọa trực tiếp đến các thành quả KT-XH, sức khỏe người dân, tình hình an ninh trật tự. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là xuất phát từ nhận thức hạn chế của một bộ phận quần chúng nhân dân, doanh nghiệp về công tác BVMT tại các KCN.
Cơ quan chức năng kiểm tra lấy mẫu nước thải đối với Chi nhánh Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh, địa chỉ tại phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). Ảnh: CAQN
Báo cáo tổng kết của lực lượng Cảnh sát môi trường (CSMT) - Công an tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020, tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 176 vụ với 190 đối tượng vi phạm hành chính về môi trường. Nổi lên là tình trạng xả các loại thải gây ô nhiễm môi trường với phương thức, thủ đoạn phổ biến như có xây dựng hệ thống xử lý song chỉ vận hành khi có lực lượng chức năng kiểm tra; xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường bằng hệ thống đường ống ngầm hoặc qua hệ thống thoát nước mưa của KCN; lợi dụng lúc thủy triều dâng lên để xả thải ra ngoài môi trường; quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy định pháp luật.
Điển hình, ngày 19/12/2015, Phòng CSMT Quảng Ninh kiểm tra phát hiện Công ty CP xây dựng và xi măng Quảng Ninh (đơn vị vận hành xử lý nước thải tại KCN Cái Lân) có hành vi xả nước thải không qua xử lý ra ngoài môi trường. Qua quá trình đấu tranh làm rõ hành vi vi phạm của Công ty này cho thấy, họ đã lắp đặt đường ống xả thải đấu nối trực tiếp từ hệ thống xử lý nước thải ra thẳng ngoài khu vực luồng lạch của biển và khi thủy triều dâng lên cao thì sẽ xả trực tiếp ra ngoài môi trường mà không qua bất kỳ giai đoạn xử lý nước thải nào. Phòng CSMT đã hoàn thiện hồ sơ và chuyển cho UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định xử phạt 275,4 triệu đồng đối với hành vi này.
Trước thực trạng trên, lực lượng CSMT Quảng Ninh luôn quan tâm triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường tại các KCN. Trong đó, lấy công tác phòng ngừa là chủ yếu và trọng tâm là tiến hành hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về môi trường cho quần chúng nhân dân, doanh nghiệp về công tác BVMT nói chung, tại các KCN nói riêng.
Theo thống kê của Phòng CSMT Quảng Ninh giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020, lực lượng CSMT đã phối hợp với các sở, ban ngành, thành phố, huyện, thị xã tổ chức 85 buổi phổ biến trực tiếp pháp luật về BVMT với 8.150 lượt người tham dự; tổ chức 42 cuộc thi tìm hiểu về môi trường; phát sóng hơn 100 tin bài về pháp luật môi trường trên truyền hình và phát thanh, trong đó có khoảng 30 tin bài liên quan đến vấn đề về môi trường tại các KCN. Tập trung vào các nội dung như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về ý thức trách nhiệm trong công tác BVMT; tuyên truyền cho quần chúng nhân dân thấy được hậu quả trước mắt cũng như lâu dài do các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường tại các KCN gây ra cho xã hội và cho nhân dân, những ảnh hưởng nặng nề cho đời sống xã hội hiện tại và tương lai; tuyên truyền cho mọi người trong xã hội thấy được phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về môi trường để quần chúng nhân dân cảnh giác không bị lôi kéo vào các hoạt động phạm tội; chủ động phát hiện và báo cho cơ quan Công an biết các hành vi nghi vấn, đối tượng nghi vấn có liên quan đến tội phạm môi trường, có biện pháp ngăn chặn, xử lý; tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nắm được những kiến thức cơ bản về BVMT và phòng, chống tội phạm về môi trường. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền như trực tiếp tiến hành các hoạt động tuyên truyền thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề hoặc qua các hội nghị tới các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân tại KCN; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, các loại báo viết, các cơ quan văn hóa... để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép việc thực hiện các kế hoạch chuyên đề hàng năm như “Ngày Môi trường thế giới 5/6”, “Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn”..., phát tờ rơi, vẽ pano, áp phích góp phần thiết thực vào công tác BVMT tại các KCN.
Mặc dù công tác tuyên truyền về môi trường của lực lượng CSMT Quảng Ninh bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa có sự phối hợp kịp thời và chặt chẽ giữa cơ quan, đơn vị chức năng; công tác triển khai hoạt động tuyên truyền về BVMT tại các KCN chưa được tiến hành thường xuyên; việc vận động quần chúng nhân dân nâng cao kiến thức môi trường qua các phong trào, các chiến dịch chưa đảm bảo liên tục, chưa có chiều sâu, đôi khi còn mang nặng tính hình thức;... Nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót là do nhận thức cán bộ, chiến sĩ của lực lượng CSMT còn chưa đầy đủ về vị trí và vai trò của công tác tuyên truyền; quan hệ phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong tổ chức tuyên truyền quần chúng nhân dân, doanh nghiệp tại KCN còn hình thức; nội dung tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng; ý thức, trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp về công tác BVMT còn thấp; chưa xây dựng được các chương trình, kế hoạch tuyên truyền phù hợp và mang tính chiến lược lâu dài.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về BVMT tại các KCN, lực lượng CSMT Quảng Ninh trong thời gian tới cần phải thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSMT trong công tác tuyên truyền BVMT tại các KCN. Lãnh đạo lực lượng CSMT cần phải xác định rõ công tác tuyên truyền là một nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quan trọng có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường tại các KCN; quán triệt sâu sắc tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền như là một nhiệm vụ chính trị; thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt đơn vị nhằm quán triệt tinh thần, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về công tác tuyên truyền BVMT nói chung, tại các KCN nói riêng.
Hai là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác tuyên truyền có đủ phẩm chất chính trị, năng lực về pháp luật, chuyên môn và khả năng truyền đạt để thực hiện tốt các nội dung công tác tuyên truyền tại các hội nghị, hội thảo, các buổi báo cáo, nói chuyện chuyên đề về các nội dung có liên quan đến BVMT tại các KCN. Phối hợp tổ chức tập huấn chuyên sâu các nội dung về tuyên truyền BVMT tại các KCN theo phương pháp sư phạm cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên truyền. Đề xuất bổ nhiệm các chức danh Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về môi trường tại các KCN theo đúng quy định của pháp luật.
Ba là, tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và đoàn thể xã hội trong công tác tuyên truyền BVMT tại các KCN. Lực lượng CSMT cần phải chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng truyền thông báo chí, Ban quản lý KCN, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền BVMT tại các KCN trên địa bàn. Cụ thể, phối hợp trao đổi thông tin kịp thời về các quy định pháp luật về BVMT; các vụ việc vi phạm pháp luật về BVMT; chất lượng môi trường; hậu quả, tác hại của các hành vi phạm vi phạm pháp luật về môi trường gây ra; tấm gương người tốt việc tốt trong công tác BVMT; các hoạt động BVMT tại các KCN trên địa bàn cả nước. Từ đó, xác định hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nội dung và đối tượng tại KCN, hàng ngày phát các bản tin về môi trường trên các loa phát thanh của KCN; thành lập các Fanpage về BVMT để các thành viên doanh nghiệp trong KCN tham gia; xây dựng các bảng tin lớn về môi trường trước cổng KCN; đình kỳ hàng tháng, hàng quý tổ chức tọa đàm tuyên truyền về BVMT; xây dựng các chương trình, phóng sự về môi trường thường xuyên phát sóng trên các trang phương tiện thông tin đại chúng vào các cung giờ cố định. Để thực hiện tốt các nội dung trên đòi hỏi, lực lượng CSMT và các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần có phải xây dựng được các quy chế phối hợp cụ thể, rõ ràng, đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung tuyên truyền BVMT tại các KCN theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản mà cần phải mang tính thiết thực phù hợp với thực tiễn hơn. Lực lượng CSMT thường xuyên cập nhập và hướng dẫn kịp thời tới các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến công tác BVMT tại các KCN nội dung các văn bản như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Luật BVMT năm 2020 tuyên truyền về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động BVMT, BVMT đối với KCN....
Mặt khác, thường xuyên tuyên truyền các nội dung diễn biến các vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường tại các KCN trong nước và trên thế giới; các phương thức, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng phạm tội về môi trường; hậu quả, tác hại các hành vi vi phạm về môi trường gây ra cho đời sống KT-XH và con người; các công nghệ và giải pháp BVMT tại các KCN. Qua đó, quần chúng nhân dân, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận kiến thức pháp luật, khoa học công nghệ, ô nhiễm môi trường, phòng chống các hành vi vi phạm về môi trường góp phần nâng cao hiệu quả công tác BVMT nói chung, tại các KCN nói riêng.
Năm là, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền BVMT tại các KCN. Lực lượng CSMT bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tiến hành tuyên truyền thông qua các hội nghị, hệ thống truyền thanh, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về BVMT, cung cấp các tin bài, tờ rơi, áp phích, tìm hiểu BVMT qua tủ sách pháp luật, lồng ghép tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt cộng đồng, sân khấu hóa,...; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyển BVMT; thường xuyên cập nhật văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý để quần chúng nhân dân, doanh nghiệp có thể kịp thời cập nhật thông tin, trao đổi, bàn luận và tìm hướng giải quyết cho những vấn đề bức xúc về môi trường. Đặc biệt, thời gian tới cần chú trọng tuyên truyền pháp luật qua mạng xã hội như Facebook, Zalo,... Bởi ngày nay, trình độ dân trí người dân ngày càng nâng cao và sử dụng các trang mạng xã hội ngày càng nhiều thì việc tuyên truyền BVMT cũng cần được đổi mới hình thức và nội dung cho phù hợp. Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 thì các trang mạng xã hội xuất hiện cả những thông tin tốt và những thông tin xấu không phản ánh đúng sự thật. Chính vì vậy, lực lượng CSMT cần phải chủ động tham gia, sử dụng không gian mạng xã hội, Internet, truyền thông một cách sâu rộng, hướng đến các đối tượng cụ thể, theo ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Sáu là, cần phải xây dựng được các chương trình, kế hoạch tuyên truyền BVMT tại các KCN mang tính chiến lược, lâu dài. Lực lượng CSMT cần phải tham mưu cho cơ quan chức năng cụ thể hóa nội dung tuyên truyền BVMT nói chung, tại các KCN nói riêng thành một nội dung chuyên đề hàng năm trọng tâm, xuyên suốt trong sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh. Tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch tuyên truyền BVMT phải đảm bảo được sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân, các cơ quan ban ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp hoạt động tại các KCN. Hàng năm, cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện các chương trình, kế hoạch về tuyên truyền BVMT tại các KCN. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ và duy trì nguồn kinh phí, trang bị thêm các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động công tác tuyên truyền BVMT nói chung, tại các KCN nói riêng.
Thượng úy Nguyễn Hồng Thuyên
Khoa Cảnh sát Môi trường, Học viện Cảnh sát Nhân dân
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo tổng kết Phòng CSMT - Công an tỉnh Quảng Ninh từ năm 2015 - 2020.
2. Luật BVMT năm 2020.
3. Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012.
4. https://Camnang.career.neu.edu.vn/danh-sach-cac-khu-cong-nghiep-tinh-quang-ninh/.
5. Thông tư số: 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT về BVMT khu kinh tế, KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao.