Banner trang chủ

Công tác bảo vệ môi trường của Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam

24/09/2021

     1. Đôi nét về Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam

     Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam thuộc Tập đoàn Lee & Man Hồng Kông, có 100% vốn đầu tư nước ngoài, được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 25/4/2007. Công ty đã trực tiếp đầu tư các dự án “Xây dựng nhà máy sản xuất giấy bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm và Nhà máy bột giấy tẩy trắng sản lượng 330.000 tấn/năm tại ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang”. Tổng diện tích chung toàn khu vực là 419.957 m2, với 1.349 người, thời gian hoạt động 70 năm, tổng vốn đầu tư là 300 triệu USD.

Cổng vào Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam

     Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đã đầu tư gồm: Nhà máy sản xuất giấy với công suất 420.000 tấn/năm (giấy kraftliner 300.000 tấn/năm và giấy whitetop 120.000 tấn/năm); Nhà máy nhiệt điện công suất 50MW (lò hơi 250T/h, turbin 50MW) sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn); Bến cảng chuyên dùng quốc tế công suất 20.000 WDT (công suất 1.580.000 tấn/năm bao gồm: 400.000 tấn than/năm; 55.000 tấn hàng rời/năm (phụ liệu, hóa chất…), 500.000 tấn giấy phế liệu/năm; 80.000 tấn/năm sản phẩm xuất đi); Nhà máy xử lý nước cấp công suất 40.000 m3/ngày, đêm (lưu lượng khai thác là 63.000 m3/ngày, đêm); Trạm XLNNTT công suất 20.000 m3/ngày, đêm (xử lý nước thải cho Nhà máy sản xuất giấy và các dự án của Công ty…). Các công trình phụ trợ gồm: Khu tập kết, lưu chứa CTR thông thường và CTNH với diện tích 2.546 m2; Nhà kho diện tích 57.680 m2; Đường giao thông diện tích 123.420 m2; trồng cây xanh diện tích 178.413 m2; Xưởng sản xuất nòng cuộn giấy diện tích 2.211 m2; Xưởng hòa tan hóa chất và phụ gia diện tích 845,3 m2; Xưởng bảo trì diện tích 5.550 m2; Khu lưu trữ tro bay, tro xỉ diện tích 4.550 m2 (sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng khi nâng công suất); Hồ sinh học (sau này gọi là hồ kiểm chứng) 42.000 m3; Kho ngũ kim diện tích 1.831 m2; Trạm dầu 60 m3 diện tích 229 m2; Bãi container và khu vực giám sát hải quan diện tích 32.334 m2; Cổng chính diện tích 320 m2. Công ty đã đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc nước thải tự động liên tục và trạm quan trắc khí thải tự động liên tục và kết nối an toàn về Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang theo quy định của pháp luật.

     Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đã được cấp các thủ tục về BVMT của Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Tổng cục Môi trường, UBND tỉnh Hậu Giang, Sở TN&MT Hậu Giang…

     2. Vấn đề môi trường trong hoạt động sản xuất

     Nhà máy nhiệt điện công suất 50MW sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu bituminous có thành phần: độ tro xỉ 8 - 15%; chất bốc 16 - 46%; lưu huỳnh 0,8%; nitrogen 0,8%; chỉ số nghiền 40 - 55%...Theo thông số thiết kế lò hơi Nhà máy nhiệt điện (50MW), thì lò hơi có lưu lượng khí thải là 250.000 Nm3/h và mức tiêu hao nhiêu liệu (than) là 38 tấn/giờ/lò (1.110 tấn/ngày). Khí thải nhiệt điện đốt than có thành phần ô nhiễm là bụi, NOx, SO2, sử dụng công nghệ xử lý SO2 bằng bột đá vôi; xử lý NOx bằng hệ thống khử chọn lọc không xúc tác (SNCR ), xử lý bụi bằng lọc bụi túi vải; Chiều cao ống khói là 150m, đường kính ống khói bên trong 4,5m, tốc độ khí thải là 3,84m/s ở nhiệt độ 1450C.

     Đối với khí thải Nhà máy nhiệt điện, sử dụng kỹ thuật khử chọn lọc không xúc tác (SNCR) để loại bỏ NOx là dùng phân urê (dung dịch urê 20%, hệ thống lưu trữ, cung cấp dung dịch urê, dự trữ nước pha loãng và hệ thống phân phối, súng phun làm mát, hệ thống phun sương và hệ thống điều khiển) để khử NOx trong khí thải. Trong khu vực nhiệt độ buồng đốt 850 ~1.150°C, urê có thể được khử chọn lọc NOx thành N2 và hơi nước. Công nghệ SNCR có thể đạt tỷ lệ khử NOx khoảng 40% - 70%, đảm bảo nồng độ NO­­­­x ≤ 450 mg/Nm3 đáp ứng QCVN 22:2009/BTNMT cột B, với Kv=1,0; Kp=1,0...

Tháp khử NOx bằng SNCR                                                                     Thiết bị lọc bụi túi vải

     Sử dụng kỹ thuật khử SO2 bằng phương pháp phun bột đá vôi vào buồng đốt. Bột đá vôi CaCO3  được phun vào buồng đốt của lò tầng sôi tuần hoàn để đá vôi hấp thụ giảm SO2 chuyển thành thạch cao (CaSO4.2H2O) được thải qua đáy lò cùng với tro xỉ đáy lò. Lượng đá vôi sử dụng hàng ngày khoảng 3 - 4 tấn/ngày. Hiệu suất xử lý SO2 bằng phương pháp này đạt 90%, đảm bảo SO2 ≤ 400 mg/Nm3, đáp ứng QCVN 22:2009/BTNMT cột B, với Kv=1,0; Kp=1,0....

     Khí thải sau khi được xử lý SO2 bằng đá vôi và xử lý NOx bằng phản ứng SNCR qua bộ quá nhiệt đến bộ hâm nước được đưa đến thiết bị lọc bụi kiểu túi vải (đảm bảo ở 130oC). Thiết bị lọc bụi được chia làm nhiều ngăn, trong mỗi ngăn có nhiều túi lọc hình trụ nhỏ đặt đứng. Khói thải mang theo bụi đi qua túi lọc theo chiều thẳng đứng, bụi bị giữ lại bên trong túi lọc. Khi bụi đóng nhiều trong túi lọc làm tăng áp lực giữa đầu vào và ra của bộ lọc. Khi độ sai lệch đạt tới một giá trị quy định, ngăn lọc tự động cách ly, ngừng lọc và chuyển qua chế độ thải tro bụi. Ở chế độ thải tro bụi, bụi được tách ra khỏi túi lọc nhờ luồng khí sạch thổi ngược chiều. Khí sạch thường được lấy từ hệ thống dự trữ khí nén. Tro bụi rơi xuống phễu thu tro phía dưới bộ lọc. Sau khi thải tro bụi, ngăn lọc được đưa trở lại chế độ lọc. Hiệu suất khử bụi đạt hơn 99,5% đảm bảo bụi ≤ 109 mg/Nm3, nồng độ bụi trong khói thải đạt QCVN 22:2009/BTNMT cột B, với Kv=1,0; Kp=1,0…

\

 Trạm XLNTTT                                                         Thiết bị khử mùi từ bể kỵ khí EGSB và bể 

     Hệ thống thải xỉ của Nhà máy nhiệt điện Lee &Man Việt Nam với 2 dạng là xỉ đáy lò (bottom ash) thu được từ đáy lò và tro bay (fly ash) qua bộ lọc bụi bằng túi vải… Xỉ đáy lò hơi được làm mát đến nhiệt độ 150 oC bằng 2 bộ làm mát xỉ kiểu quay có công suất 7- 9 T/h, tiếp tục được hệ thống băng tải gầu xích kín (công suất 20 T/h) đưa đến silo có sức chứa hiệu dụng 500 m3 cho phép việc thải bỏ tro xỉ liên tục trong vòng 7-10 ngày; Định kỳ từ 2- 3 ngày có xe chuyên dụng của đơn vị được thuê xử lý đến vận chuyển và xử lý.  Tro bay thu được từ lọc túi vải của hệ thống xử lý bụi khí thải được thiết bị cấp liệu nồng độ cao chuyển đến silo tro bay bằng khí nén 1.800m3 có khả năng chứa tro bay trong vòng 10 ngày hoạt động.Tro bay sau khi chứa tại silo được chuyển cho đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý.

     Nhà máy nhiệt điện Lee &Man (50 MW), xử lý khí thải đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện QCVN 22:2009/BTNMT (cột B, với Kv=1,0; Kp=1,0) với lưu lượng khí thải là 250.000 Nm3/h và mức tiêu hao nhiêu liệu (than) là 38 tấn/giờ, phát tán ra môi trường theo quy chuẩn thải Bụi ≤ 109 mg/Nm3; SO2 ≤ 400 mg/Nm3 và  NOx ≤ 450 mg/Nm3

     Trạm xử lý nước thải tập trung (XLNNTT) công suất 20.000 m3/ngày, đêm của Công ty bao gồm: Nước thải từ Nhà máy giấy 12.671 m3/ngày, đêm; Nước thải Nhà máy nhiệt điện 1.080 m3/ngày, đêm; Nước thải nhiễm dầu từ cầu cảng 45 m3/ngày, đêm; Nước thải từ trạm XLNTTT 240 m3/ngày, đêm;  Nước thải từ trạm xử lý nước cấp 1.000 m3/ngày, đêm; Nước thải sinh hoạt cán bộ công nhân 69,5 m3/ngày, đêm; Nước thải nhà ăn 16,8 m3/ngày, đêm; Nước thải ký túc xá 227,7 m3/ngày, đêm; Nước mưa thu gom 15 phút đầu (vào mùa mưa) 465,6 m3/ngày, đêm…Đặc trưng cơ bản của công nghệ xử lý nước thải ngành giấy bao gồm: Cụm xử lý hóa lý như lưới lọc, keo tụ, tạo bông và lắng (chất keo tụ là PAC ( poly aluminium chloride -[Al­2(OH)nCl6-n]m); chất cao phân tử bông tụ trợ lắng PAM (Polyacrylamide -(C3H5NO)n); Cụm xử lý sinh học kỵ khí bể EGSB (khí sinh ra CH4, CO2, NH3­ và một phần H2S, CH­­3SH ...). Khí được tập trung tại các khoang thu khí sau đó theo ống dẫn về thiết bị đốt khí (Biogas Flare), đốt triệt để lượng khí sinh ra, để không phát sinh mùi hôi. Quá trình Anoxic (xử lý sinh học thiếu khí): đặc thù tính chất nước thải ngành giấy nồng độ N và P thấp hơn yêu cầu, do đó cần châm thêm dưỡng chất, tránh xảy ra tình trạng sốc tải. Quá trình Oxic (xử lý sinh học hiếu khí): tại bể Aeroten không khí được thổi vào cung cấp oxy cho quá trình xử lý sinh học. Quá trình xử lý hiếu khí có sử dụng bùn hoạt tính (biomass) là các vi khuẩn hiếu khí sống lơ lửng. Các chất hữu cơ được các vi khuẩn hiếu khí chuyển thành các dạng vô cơ (CO2, H2O) vô hại. Đồng thời, quá trình nitrát hóa và hấp thụ phospho tự do cũng diễn ra trong giai đoạn này. Hệ thống khử màu nước thải sau tuyển nổi khi độ màu vượt 48 Pt-Co. Hóa chất khử màu là Decolorant (thành phần Dicyandiamid Polymer - C2H4N4) vào hệ thống tuyển nổi làm giảm đọ màu xuống 40 Pt-Co. Nước thải tiếp tục đi đến bể lọc than hoạt tính công suất xử lý 20.000 m3/ngày, lợi dụng nguyên lý hấp thụ của than hoạt tính, đối với độ màu của nước thải từng bước hấp thụ, bị giữ lại trong than hoạt tính, nước sau xử lý sẽ được đưa qua hệ thống lọc vải. Bùn cặn sinh ra từ trạm XLNTTT (bao gồm: Bùn hoạt tính dư từ quá trình xử lý sinh học hiếu khí, bùn hóa lý từ quá trình xử lý hóa lý, váng bọt sinh ra từ hệ thống tuyển nổi...); Nước thải sau khi xử lý đảm bảo đạt Quy chuẩn QCVN 12-MT:2015/BTNMT (cột A, Kq = 1,2, Kf = 0,9) và QCVN 40:2011/BTNMT (cột A, Kq = 1,2, Kf = 0,9), được đưa vào hồ kiểm chứng 42.000 m3 và được dẫn theo chế độ tự chảy đến bể nuôi cá chỉ thị trước khi thải ra sông Hậu. Công ty bổ sung lắp đặt các bộ đèn UV (trước hồ sinh học, tại hồ sinh học, sau hồ sinh học) để tăng cường hiệu quả diệt tảo, khử trùng nước thải...

     Quy trình khử mùi tại bể bùn, bể A(thiếu khí)/O(hiếu khí) và bể EGSB (kỵ khí) như sau: Toàn bộ mùi hôi phát sinh từ bể bùn, bể A/O và bể EGSB được thu gom bằng chụp hút kín khí thông qua quạt hút chuyển đến hệ thống tháp khử mùi (khử Amoniac (NH3); Hydrosunfua (H2S); Methyl Mecarptal (CH­­3SH)…) tại đây hệ thống phun sương bố trí trong tháp phun dung dịch kiềm NaOH để trung hòa mùi hôi do các khí gây ra. Hiệu quả xử lý mùi hôi phát sinh tại bể chứa bùn, bể A/O và EGSB đạt trên 90%; Nước xả ra từ tháp khử mùi được thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý.

     Công ty đã lắp đặt trạm quan trắc khí thải tự động liên tục 5 thông số (Bụi, NOx, SO2, CO, lưu lượng) đối với khí thải nhiệt điện...Lắp đặt 2 trạm quan trắc nước thải tự động liên tục (lưu lượng, pH, độ màu, COD, tổng nitơ, TSS, nhiệt độ) được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định, tại vị trí trước hồ sinh học (hồ kiểm chứng); sau hồ sinh học để giám sát chất lượng nước thải trước lúc thải ra nguồn tiếp nhận… và đã được kết nối với Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang để quản lý, giám sát.

  3. Một số đề xuất nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ môi trường

     Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam là đơn vị quản lý nhiều hoạt động của các hạ tầng kỹ thuật sản xuất như: Nhà máy giấy 420.000 tấn/năm; Nhà máy nhiệt điện công suất 50MW; Nhà máy xử lý nước cấp công suất 40.000 m3/ngày,đêm; Bến cảng chuyên dùng quốc tế chuyên dùng 20.000 DWT…thuộc lưu vực sông Hậu là trung tâm sản xuất giấy lớn nhất, có công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ xử lý môi trường an toàn và hiệu quả, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định BVMT của Việt Nam…Tuy nhiên, cùng với quá trình hoạt động, có các tác động môi trường tổng hợp, tích hợp nhiều mặt về khí thải, nước thải, chất thải rắn, tài nguyên sinh học, tài nguyên đất…đối với khu vực lưu vực sông Hậu (các khu dân cư đô thị, khu công nghiệp, sông Hậu…). Do đó cần phải tăng cường công tác BVMT tại cơ sở và đưa vào cơ chế giám sát đặc biệt tổng hợp các vấn đề môi trường để đảm bảo yêu cầu an toàn về môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong quá trình phát triển khu vực ĐBSCL…

     Thứ nhất: Đối với lượng nước thải sản xuất giấy thải ra sông Hậu rất lớn (20.000 m3/ngày), cần bổ sung các nghiên cứu, đánh giá các tác động vật lý, hoá học và sinh thái của nguồn nước thải này đến lưu vực sông Hậu (pH, BOD5, COD, TSS, tổng phospho (Pt); tổng nitơ (N­­t) , Hydrosunfua (H2S); ­­­­­clo dư và tổng coliforms…). Đặc biệt là vấn đề kiểm soát, giám định các nguồn ấu trùng (Nauplius; Zoae; Mysis; Postlarvae…), các loài thủy sinh (algae; phytoplankton; zooplankton; zoobenthos…)...thống kê tổn thất về kinh tế, sinh thái nguồn lợi thủy sản do tác động của các nguồn thải sản xuất công nghiệp trên lưu vực sông Hậu. Nghiên cứu giám sát diễn biến dòng chảy đường bờ và đáy sông (sông Hậu, các cảng nội địa) … đối với vấn đề sụp lở bờ sông và bồi tụ phù sa trong khu vực đối với các dự án lớn trên lưu vực sông Hậu.

Hồ sinh thái (hay hồ kiểm chứng)

     Thứ hai: Tăng cường hiệu quả công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường của các dự án đầu tư trên cơ sở xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường tuân thủ và quan trắc môi trường tác động một cách khoa học chặt chẽ, để giám sát chất lượng nước thải, khí thải, chất thải rắn tại nguồn (quan trắc tự động liên tục, quan trắc định kỳ tại nguồn nhà máy), chất lượng nước thải,  không khí xung quanh (lưu vực sông Hậu tỉnh Hậu Giang, tro xỉ silo bãi thải, kho than, các khu dân cư đô thị, khu công nghiệp, khu nông nghiệp, thuỷ sản…)…Đặc biệt là nhiệm vụ tăng cường đề xuất cảnh báo kịp thời các sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và các biện pháp ứng phó sự cố một cách hiệu quả trong quá trình tổ chức sản xuất của doanh nghiệp…

     Thứ ba: Trong bối cảnh Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam nằm ngay sát ven sông Hậu cùng các cảng nội địa và sông Mái Dầm (từ cầu Mái Dầm đến sông Hậu khoảng 1.2km đường bờ kênh sạt lở nghiêm trọng)…là nơi rất nhạy cảm với các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, do đó cần có các biện pháp tổng thể, toàn diện, triệt để trong việc quản trị đường thuỷ nội địa, tổ chức, vận hành các bến cảng chuyên dùng quốc tế và nội địa trong khu vực một cách lâu dài ổn định và bền vững, đáp ứng các yêu cầu BVMT và sẵn sàng ứng phó với các sự cố môi trường cũng như sụp lở bờ sông có thể sảy ra. Nâng cao hiệu quả quản lý, chuyển giao và xử lý các nguồn chất thải rắn (Chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn sản xuất giấy, tro xỉ tro bay, chất thải nguy hại…) đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước quy định về các loại chất thải...

Phạm Đình Đôn

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

 

Ý kiến của bạn