24/01/2022
Luật BVMT năm 2020 được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã xác định cộng đồng doanh nghiệp (DN) là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp BVMT. Việc thực hiện tốt công tác BVMT không chỉ là trách nhiệm của DN mà còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy được vai trò của các DN trong công tác BVMT chính là giải pháp then chốt nhằm nâng cao hiệu quả BVMT, góp phần phát triển bền vững đất nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kiêm Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI
PV: Luật BVMT năm 2020 định hướng chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm của DN, cộng đồng và người dân, ông có bình luận gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung “cộng đồng dân cư” ngay vào phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2) nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành. Đây cũng là lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT.
Lần đầu tiên nội dung trách nhiệm của chủ dự án trong việc tham vấn cộng đồng dân cư được quy định ngay từ khi lập báo cáo tác động môi trường, cũng như quy định rõ trách nhiệm thực hiện tham vấn, đối tượng tham vấn, nội dung tham vấn của cơ quan thẩm định trong quá trình thẩm định báo cáo tác động môi trường thông qua nhiều hình thức. Ngoài ra, Luật cũng quy định tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm được quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.
Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020 đã xác định cộng đồng DN là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp BVMT. Việc thực hiện tốt công tác BVMT không chỉ là trách nhiệm của DN mà còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy được vai trò của các DN trong công tác BVMT chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay. Căn cứ trên Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 tầm nhìn 2045 được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 vừa qua có thể thấy rằng, một lần nữa, Việt Nam khẳng định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mô hình phát triển này đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự công bằng của các chủ thể tham gia trong nền kinh tế, và điều này trở thành định hướng để Luật quy định trách nhiệm, chuyển đổi vai trò của nhà nước sang vai trò trung tâm của DN và người dân.
PV: Luật BVMT năm 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của DN, những quy định này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Luật BVMT năm 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm tới hơn 40% TTHC, giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 20 - 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của DN thông qua các quy định như: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các TTHC vào một giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Đồng thời, Luật BVMT năm 2020 có sửa đổi, bổ sung một số TTHC và ban hành mới một số TTHC. Cụ thể, có 4 TTHC cắt giảm, tích hợp gồm: Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; Cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; Cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi; Tích hợp nhiều loại giấy phép về môi trường (Xác nhận hoàn thành công trình BVMT; giấy phép xử lý chất thải nguy hại...) vào một loại giấy phép môi trường.
Nhìn vào số lượng giấy phép cần phải có để DN có thể hoạt động được đã thấy toát lên tinh thần của sự cải cách TTHC mạnh mẽ từ Chính phủ. Thay bằng việc phải làm các giấy phép môi trường nhỏ, lẻ liên quan đến các cơ quan chức năng khác nhau, giờ đây DN chỉ cần một giấy phép BVMT duy nhất và chỉ phải làm việc với một cơ quan chuyên môn duy nhất tại địa phương. Khi luật BVMT năm 2020 từng bước đi vào cuộc sống từ năm 2022, nó sẽ tạo nên động lực cho các địa phương thu hút thêm đầu tư cũng như tạo điều kiện cho các DN khi có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cũng có một vấn đề cần đề cập ở đây đó là các quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể với các DN khi mà các giấy phép của họ còn thời hạn nhằm không gây thêm các thủ tục hành chính không cần thiết cho DN trong thười kỳ quá độ trong thời gian chuyển giao.
PV: Một số nội dung mới như: Kỹ thuật hiện có tốt nhất, kinh tế tuần hoàn, phát triển các ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ thân thiện môi trường, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên... đã được đưa vào Luật BVMT năm 2020, theo ông, DN có vai trò và trách nhiệm gì để thực hiện tốt những chính sách này?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Phát triển kinh tế bền vững thông qua việc thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải các bon, đầu tư vào vốn tự nhiên đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế của các nước trên thế giới hiện nay, nhất là các nước đang phát triển. Các mô hình này tập trung vào việc đầu tư sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, phân phối và kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ hướng tới tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu, vật liệu, năng lượng và chất thải, thân thiện với môi trường; đầu tư vào vốn tự nhiên.
Ở nước ta, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững cũng đã được ban hành nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý tạo nền tảng cho thúc đẩy các mô hình kinh tế này. Để giải quyết vấn các vấn đề trên, đồng thời tạo động lực phát triển bền vững và nâng cao chất lượng tăng trưởng và sự thịnh vượng quốc gia, Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung một Chương về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho BVMT. Trong đó, đã bổ sung các chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên; đặc biệt là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, bổ sung chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho BVMT.
Trong khi đó, DN chính là chủ thể thực hiện các nội dung trên. Do đó, đây là vai trò, trách nhiệm của chính DN. Bên cạnh đó, vừa qua, trong Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết với toàn thế giới về việc Việt Nam sẽ đạt được phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Đây là một kế hoạch tham vọng, tuy nhiên sẽ khả thi nếu cộng đồng DN áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các công nghệ tiên tiến phát thải thấp, cũng như đầu tư phục hồi hệ sinh thái phục vụ cho phát triển bền vững.
Hội thảo trực tuyến tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 do Bộ TN&MT phối hợp với VCCI tổ chức năm 2021
PV: Để nâng cao hiệu quả thực thi Luật BVMT năm 2020, VCCI đã có kế hoạch tuyên truyền như thế nào đối với các DN trên cả nước, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vinh: VCCI là cơ quan đại diện quốc gia của cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam, do đó, VCCI đã và đang tham gia chặt chẽ với Bộ TN&MT trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực thi Luật BVMT năm 2020 nhằm sát với thực tiễn sản xuất kinh doanh của Việt Nam. Ngoài ra, nhờ có các ban chuyên môn, hệ thống chi nhánh trên toàn quốc nên trong kế hoạch hoạt động thường niên, VCCI đã có các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, đào tạo tập huấn cho DN để thực chất đưa Luật vào cuộc sống và quá trình sản xuất kinh doanh.
Với mục tiêu mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển DN theo hướng xanh, bền vững, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh trong hội nhập, khai thác hiệu quả cơ hội từ quá trình thực thi các FTA thế hệ mới, dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong thời gian tới, VCCI sẽ tổ chức đánh giá, xếp loại hàng năm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố; thu hút 5.000 DN, hiệp hội DN trên toàn quốc áp dụng Bộ chỉ số DN bền vững (CSI), tập trung vào các ngành da giày, túi xách, thủy hải sản; xây dựng và triển khai Bộ chỉ số Xanh (Green Index), thúc đẩy công tác BVMT, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương, DN…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Vũ Nhung (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2022)