Banner trang chủ

Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam

26/11/2021

    Nhằm tìm giải pháp khắc phục rào cản trong việc áp dụng chính sách đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT), thảo luận cùng nhà quản lý, chuyên gia để đưa ra kiến nghị về cơ chế phù hợp, ổn định giúp nhà đầu tư có kế hoạch, chiến lược khi đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam, góp phần đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng xanh gắn với việc thực hiện các cam kết quốc tế về BVMT, chống biến đổi khí hậu, ngày 26/11/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục và môi trường, các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn với chủ đề cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững NLTT tại Việt Nam.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI phát biểu khai mạc Diễn đàn

    Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI cho biết, những năm qua, nhờ các chính sách khuyến khích của Chính phủ, đã giúp lĩnh vực NLTT ở Việt Nam phát triển đáng kỳ vọng. Cụ thể, theo số liệu từ EVN, tổng công suất nguồn NLTT lắp đặt tính đến ngày 31/10/2021 đạt 20.644 MW, trong đó, thủy điện chiếm 29,60%; dầu 1,98%, sinh khối 0,28%, năng lượng mặt trời là 22,57%, năng lượng gió là 5,16% và khí chiếm 10,10% trong tổng công suất nguồn điện. Qua đó cho thấy, tiềm năng phát triển NLTT tại Việt Nam là rất lớn, dư địa phát triển rất dồi dào. Việc phát triển các dự án điện NLTT cũng góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị điện mặt trời, các dịch vụ kỹ thuật, khai thác hiệu quả các vùng đất khô cằn, giúp thu hút lượng vốn xã hội lớn đầu tư vào ngành điện. Tuy nhiên, sự thành công trong triển khai các dự án NLTT cũng đặt ra những thách thức mới về mặt hạ tầng lưới điện và kỹ thuật điều độ hệ thống điện, do phải tối ưu hóa sử dụng nguồn điện mới vào hệ thống. Hiện tại, trên thực tế, có nhiều  nhà máy điện gió, điện mặt trời phải giảm phát tới 60% công suất, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội và đang trở thành nguyên nhân cản trở nỗ lực thu hút đầu tư xã hội hóa vào phát triển hạ tầng năng lượng điện, trong khi chúng ta tận dụng được năng lượng sạch thì từng ngành nghề, từng lĩnh vực kinh tế ở nước ta có thể phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển năng lượng hạ tầng tái tạo chưa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững khi đầu tư phát triển dự án NLTT còn tồn tại yếu tố tự phát, chưa có sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển gồm tăng trưởng kinh tế cùng với phát triển xã hội và công cuộc BVMT một cách hiệu quả. Mặt khác, chính sách khuyến khích đầu tư, ưu đãi đã được Chính phủ ban hành, nhưng thời gian áp dụng chưa có lộ trình phù hợp với thực tế. Cơ chế cho điện mặt trời, điện gió của Việt Nam chỉ từ 1 - 2 năm, hết thời gian áp dụng cơ chế giá FIT, các nhà đầu tư phải rơi vào tình thế “tạm dừng hoạt động” để chờ cơ chế mới. Ngoài ra, hệ thống pháp lý thu hút đầu tư chưa hoàn chỉnh, chưa có giải pháp đảm bảo hiệu quả cho các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường NLTT. Có nhiều khu vực buộc phải cắt giảm công suất phát của các nhà máy NLTT do lưới điện bị quá tải. Đặc biệt, hiện trạng này thường diễn ra tại các địa bàn có tiềm năng phát triển nguồn điện từ NLTT lớn như các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định…

    Vì vậy, tiếp nối thành công của Diễn đàn NLTT năm 2020, VCCI tiếp tục tổ chức Diễn đàn NLTT năm 2021 với chủ đề cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững NLTT tại Việt Nam, đồng thời, trao chứng nhận cho các dự án trong Chương trình bình chọn dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu năm 2021. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch thường trực VCCI đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tham dự Diễn đàn thẳng thắn trao đổi những điểm nghẽn mà Việt Nam đang gặp phải, đồng thời kiến nghị những gói giải pháp gỡ rối cho tình trạng này, đảm bảo việc đầu tư cho phát triển bền vững NLTT ở nước ta được thông suốt và phát triển hơn nữa.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn theo hình thức trực tiếp và trực tuyến

    Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã trình bày tham luận về Chiến lược phát triển NLTT Việt Nam trong thời gian tới; Định hướng ổn định về chính sách cho nhà đầu tư… Về Chiến lược phát triển NLTT trong thời gian tới, ông Nguyễn Ninh Hải, Đại diện Cục Điện lực và NLTT, Bộ Công Thương cho biết, Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg đã xác định, khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn NLTT, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, BVMT và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tỷ lệ NLTT trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp đạt khoảng 31,0% vào năm 2020; khoảng 32,3% vào năm 2030 và tăng lên, đạt khoảng 44,0% vào năm 2050. Cùng với đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII cũng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để, hiệu quả các nguồn NLTT, năng lượng mới, năng lượng sạch”, đồng thời đặt ra nhiệm vụ “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích, thúc đẩy phát triển mạnh các nguồn NLTT nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch”. Kết quả, tính đến hết ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt đạt gần 69.300 MW, trong đó, điện mặt trời đạt16.420 MW, điện gió đạt 514 MW, điện sinh khối đạt 382 MW, điện từ rác thải chiếm tỷ lệ nhỏ 9,43 MW.

    Đại diện Bộ Công Thương cho biết, kết quả thực tế năm 2019 và 2020, sản lượng điện phát từ nguồn NLTT đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh và 10,994 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao. Nếu so sánh số liệu nguồn điện dầu thực tế được huy động với dự báo của EVN thì điện chạy dầu đã giảm 2,17 tỷ kWh năm 2019 và giảm 4,2 tỷ kWh năm 2020, giúp tiết kiệm khoảng 10.850 tỷ VNĐ - 21.000 tỷ VNĐ khi sử dụng điện chạy dầu. Các nguồn NLTT đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao (tháng 5 - 6/2021), góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021 - 2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác như SOx, NOx, bụi, nhiệt. Tuy nhiên, tỷ trọng cao của các nguồn điện gió, điện mặt trời đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác vận hành, điều độ kinh tế hệ thống điện, ảnh hưởng đến vận hành các nguồn nhiệt điện than, khí. Trong khi đó, mục tiêu phát triển NLTT tại Dự thảo quy hoạch điện VIII xác định ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn NLTT phục vụ sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT đạt khoảng 11,9 - 13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5 - 28,4% vào năm 2045. Trong đó, ưu tiên hơn điện mặt trời phân tán với mục đích tự dùng là chủ yếu, điện mặt trời nổi; với điện gió sẽ ưu tiên điện gió ngoài khơi và điện rác. Từ thực tế này, quy hoạch điện VIII xác định một số giải pháp về cơ chế chính sách, cụ thể, với các dự án quy mô lớn sẽ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán với EVN về giá mua bán điện, đồng thời, mua bán điện trực tiếp DPPA. Với hệ thống phân tán sẽ quy định tỷ lệ tự dùng cao gần 80 - 90%, điện dư mua giá thay đổi hàng năm.

    Chia sẻ về định hướng ổn định chính sách để thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ “0 khí nhà kính vào năm 2050”, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tich Hiệp hội NLTT nhấn mạnh, để đạt được cam kết của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2050 Việt Nam không còn khí nhà kính, cần nhìn vào thực trạng phát thải khí CO2 hiện nay. Theo đó nguồn phát thải khí CO2 đến từ 4 khu vực chính: Chất thải, nông nghiệp, công nghiệp và ngành năng lượng với khối lượng khoảng 300 triệu tấn/năm. Như vậy, để đạt mục tiêu trung hòa khí nhà kính, cần tăng hấp thụ và giảm phát thải, tập trung vào 4 chiến lược chính: (1) Năng lượng sử dụng cuối cùng: Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong lĩnh vực nhà ở, phương tiện giao thông và các mục đích sử dụng khác; (2) Sử dụng lăng lượng hiệu quả và linh hoạt: Không ngừng sử dụng năng lượng hiệu quả và linh hoạt để đảm bảo hiệu quả chi phí trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kinh; (3) Cung cấp năng lượng không phát thải: Tạo nguồn cung cấp năng lượng không phát thải và phát thải thấp; (4) Lưu giữ các bon: Cân bằng lượng phải thải còn lại bằng cách thúc đẩy hấp thụ CO2.

    Ông Nguyễn Văn Vy cũng đề xuất một số giải pháp về chính sách để phát triển NLTT của Việt Nam trong thời gian tới: Với lưới điện khu vực cân bằng, với tỷ trọng lớn hơn của NLTT thay thế cần phát triển điện mặt trời mái nhà; các doanh nghiệp tự cung cấp bằng nguồn NLTT và mua điện từ nguồn NLTT theo cơ chế DPPA; phát triển các làng xanh, xã xanh, huyện, tỉnh xanh... Bên cạnh đó, cần có các chính sách và thủ tục pháp lý rõ ràng để tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư; các cơ quan quản lý cần đưa ra chính sách với điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được; cơ chế FIT chỉ áp dụng đối với các dự án quy mô nhỏ, các dự án vừa và lớn thực hiện cơ chế đàm phán trực tiếp giữa EVN và nhà đầu tư; thực hiện cơ chế thanh toán bù trừ cho các khách hàng tự cung cấp NLTT. Mặt khác, kết hợp phát triển các dự án NLTT với sản xuất nông nghiệp, không phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chủ đầu tư các dự án NLTT thuê đất của các hộ nông dân để thực hiện dự án hoặc góp đất theo hình thức Công ty CP; ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn dụng các công nghệ NLTT.

    Diễn đàn chia thành hai phiên thảo luận: Phiên thứ nhất là những nội dung liên quan đến chính sách thu hút đầu tư, phát triển NLTT Việt Nam trong giai đoạn tới, đặc biệt là sau khi chúng ta đã có những động thái trong chỉ đạo của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch điện VIII.  Trong đó, một là xoay quanh cơ cấu điện VIII, nhấn mạnh đến những vấn đề về điện ngoài khơi và điện mặt trời, làm căn cứ kế hoạch cho đầu tư giai đoạn tiếp theo. Hai là xoay quanh các vấn đề về thủ tục, liên quan đến cơ chế, chính sách đầu tư các vấn đề về tiếp cận dự án, đặc biệt trong này có nhấn mạnh đến vấn đề số hóa, đó là công cụ giúp Chính phủ cũng như xã hội có thể giám sát minh bạch hơn nữa trong hoạt động đầu tư với lĩnh vực NLTT. Ba là, đề cập tới câu chuyện về chính sách để hướng tới sự chuyển dịch tổng thể ngành NLTT, bao gồm các vấn đề về thu hút đầu tư nội địa hóa, các vấn đề về nhân lực. Bốn là cơ chế cạnh tranh liên quan đến vấn đề tài chính, giá, cơ chế đấu thầu và các vấn đề về đầu tư hạ tầng cho ngành điện.

    Trong phiên thảo luận thứ hai, Diễn đàn ghi nhận ba vấn đề lớn: Đầu tư phát triển bền vững liên quan đến công tác quản lý và đầu tư phát triển cho công nghệ năng lựợng tái tạo, đảm bảo quản lý, c các tiêu chuẩn kỹ thuật và sự an toàn cũng như yếu tố về môi trường; Những tác động của các dự án NLTT đối với môi trường môi sinh, nghĩa là với điều kiện sống ở các khu dân cư mà các dự án triển khai chứ không chỉ vấn đề môi trường; Cần có một chính sách khuyến khích, làm sao từng bước hỗ trợ cho việc làm chủ các công nghệ.

    Các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng đã tập trung thảo luận về những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc mà Việt Nam đang gặp phải trong vấn đề NLTT, đồng thời kiến nghị một số giải pháp gỡ rối, đảm bảo việc đầu tư cho phát triển bền vững nguồn năng lượng này được thông suốt và phát triển hơn nữa.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn