01/03/2017
Sau khi nhận được phản ánh về việc Nhà máy luyện Feromangan của Công ty CP khoáng sản Nikko Việt Nam đóng trên địa bàn xã Quốc Toản (Trà Lĩnh, Cao Bằng) gây ô nhiễm, Sở TN&MT đã yêu cầu Công ty dừng mọi hoạt động từ ngày 27/12/2016 và lập hồ sơ BVMT. Tuy nhiên, Nhà máy vẫn tiếp tục hoạt đông và gây ô nhiễm. Trước tình hình đó, ngày 9/2/2017, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 255 yêu cầu Công ty Nikko dừng hoạt động sản xuất tại Nhà máy cho đến khi thực hiện xong việc lập, trình phê duyệt Đề án BVMT chi tiết theo quy định và cải tạo lại hệ thống xử lý khí thải, đảm bảo các chi tiêu theo quy chuẩn hiện hành. Sau khi Nhà máy Feromangan thực hiện các yêu cầu trên, các cơ quan chức năng sẽ thẩm định và đo đạc các chỉ tiêu môi trường, đảm bảo đúng quy chuẩn Việt Nam mới được tiếp tục hoạt động để tránh ảnh hưởng tới môi trường, đảm bảo sức khỏe của người dân.
Theo Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Cao Bằng Thái Hồng Thịnh, nguyên nhân Nhà máy Feromangan gây ô nhiễm là do lực lượng thanh tra của Sở TN&MT còn mỏng, một năm chỉ cố gắng kiểm tra các đơn vị sản xuất, khai thác khoáng sản được một lần theo phản ánh của địa phương, báo chí và người dân. Ngoài ra, do trước đây Nhà máy không hoạt động thường xuyên nên rất khó cho công tác kiểm tra, xử lý.
Được biết, Nhà máy luyện Feromangan được xây dựng theo Dự án Khai thác, chế biến Feromangan mỏ Mã Phục, Lùng Riếc tại xã Quốc Toản của Công ty Việt Bắc Quân Khu I (Bộ Quốc phòng) và được tỉnh Cao Bằng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường 9ĐTM) vào đầu năm 2007. Sau đó, Công ty này đã chuyển nhượng cho Công ty Nikko Việt Nam và đi vào hoạt động từ đầu năm 2009 với công suất luyện 7.500 tấn/năm/lò.
Từ tháng 12/2009, Công ty Nikko Việt Nam đã lập hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng xác nhận việc thực hiện các nội dung của báo cáo ĐTM, nhưng hệ thống khí thải không đảm bảo các chỉ tiêu đạt quy chuẩn Việt Nam. Ngày 30/7/2014, Chi cục BVMT tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu Nhà máy cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý khí thải, đảm bảo các chỉ tiêu theo quy định. Đến tháng 9/2014, Công ty đã tiến hành cải tạo, nâng công suất Nhà máy lên 4200 KVA. Ngày 21/10/2016, Sở đã ban hành Văn bản yêu cầu Công ty lập lại hồ sơ báo cáo đánh giá tác động về môi trường cho Nhà máy nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Từ tháng 10/2014, Nhà máy hoạt động cầm chừng, mỗi năm chỉ hoạt động khoảng 2 - 6 tháng, trong đó, năm 2012 đơn vị không hoạt động. Từ tháng 2/2016, lò luyện mới hoạt động thường xuyên. Tuy vậy, trong suốt thời gian hoạt động, Công ty chưa thực hiện đúng các nội dung của Báo cáo và yêu cầu của Quyết định phê duyệt ĐTM.
Nguyệt Minh (Theo Monre)