Banner trang chủ

URC Việt Nam và các doanh nghiệp chia sẻ sáng kiến thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn

23/09/2019

     Các thành viên của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) vừa chính thức ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Bộ TN&MT để chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn và trách nhiệm trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Hợp tác này tạo cơ sở để các doanh nghiệp học hỏi, chia sẻ những sáng kiến giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế chất thải.

     Hợp tác vì mục tiêu “Việt Nam tốt đẹp hơn”

     Phát triển bền vững, ở thời điểm hiện tại, vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội, đang được nhiều quốc gia trên thế giới coi như một sứ mệnh, trong đó có Việt Nam. Điều này thể hiện rõ ràng thông qua các chủ trương phát triển bền vững của Chính phủ, chương trình, kế hoạch phát triển và đặc biệt là sự ủng hộ dành cho các doanh nghiệp đi tiên phong trong phát triển bền vững.

     Việc ký kết giữa Bộ TN&MT cùng với PRO Việt Nam sẽ giúp các cơ quan nhà nước liên quan trong việc đồng bộ với doanh nghiệp trong và ngoài nước để đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có khả năng thu gom, tái chế, xây dựng và phát triển hệ thống thu gom bao bì trên cơ sở hợp tác với chính quyền địa phương và những bên liên quan trong ngành để thúc đẩy hoạt động tái chế.

 

Đại diện các doanh nghiệp thuộc PRO Việt Nam tại Lễ ký kết hợp tác với Bộ TN&MT

 

     Theo Biên bản ghi nhớ, Bộ TN&MT và các doanh nghiệp sẽ cùng nhau hợp tác để thực hiện hàng loạt nội dung. Từ việc thúc đẩy, hỗ trợ giảm thiểu, phân loại chất thải cho đến tăng cường năng lực, hiệu quả của hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý và tái chế chất thải. Ngoài ra, còn giúp việc tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất, chủ sở hữu thương hiệu, nhà phân phối, bán lẻ hiện đại và truyền thống, nhà nhập khẩu trong việc quản lý rác thải sau tiêu dùng và tái chế. Một nội dung quan trọng khác là thúc đẩy hình thành ngành công nghiệp tái chế và hỗ trợ các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường. Cuối cùng là truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế chất thải và nền kinh tế tuần hoàn.

     Các bên liên quan cũng sẽ cùng thảo luận, xây dựng chương trình hợp tác mỗi năm bằng những hoạt động cụ thể, hiện thực hóa các mục tiêu, cam kết đã đề ra, cao nhất là “Vì một Việt Nam Xanh - Sạch - Đẹp” của PRO Việt Nam và “BVMT, bảo tồn tài nguyên cho một Việt Nam phát triển bền vững” của Bộ TN&MT.

     Cơ hội chia sẻ, nhân rộng sáng kiến

     Ông Laurent Levan, Tổng Giám đốc Công ty URC Việt Nam, một thành viên sáng lập của PRO Việt Nam chia sẻ, việc hợp tác với Bộ TN&MT có ý nghĩa lớn với các doanh nghiệp, tạo cơ hội để các thành viên của PRO Việt Nam trao đổi, học hỏi, chia sẻ những sáng kiến về giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn hay tái chế bao bì cũng như sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu nhựa trong sản xuất… với các doanh nghiệp bên ngoài Liên minh. Bởi lẽ, Bộ TN&MT sẽ là đầu mối thông tin, kết nối các bên với nhau. Đặc biệt, những sáng kiến của từng doanh nghiệp cũng sẽ được ghi nhận và có thể trở thành những gợi mở khi xây dựng chính sách về mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. 

 

Ông Laurent Levan - Tổng Giám đốc Công ty URC Việt Nam tại Lễ ký kết (phải)

 

     Ông Laurent Levan nhấn mạnh, URC Việt Nam sẽ nỗ lực hành động để sử dụng bao bì nhựa hiệu quả và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về rác thải. Đây là một trong những bước đi của Công ty nằm trong Chiến lược phát triển bền vững mà Tập đoàn URC Philippin đã khởi xướng và theo đuổi.   

     Đối với URC Việt Nam, việc đạt được các mục tiêu trong kinh doanh không thể tách rời trách nhiệm xã hội. Do đó, việc cải tiến quy trình sản xuất để giảm thiểu tối đa các tác động với môi trường, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho nhân viên, người tiêu dùng luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Công ty. Trong tất cả các hoạt động sản xuất, chúng tôi luôn chú trọng nguyên tắc 3R (Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế) để cải tiến hiệu năng sử dụng nước, năng lượng, đồng thời giảm rác thải.

 

Quy trình sản xuất tại các nhà máy của URC Việt Nam được cải tiến hướng đến phát triển bền vững với môi trường

 

     Cụ thể, các nhà máy URC Việt Nam đều có hệ thống lọc thẩm thấu ngược và tái sử dụng nước từ hệ thống này để tối ưu lượng nước sử dụng đầu vào và hạn chế nước thải ra, tránh thất thoát. Nước thải sau khi xử lý tại Trạm xử lý nước thải của Công ty phải đạt tiêu chuẩn của khu công nghiệp VSIP (theo cam kết được ghi trong Báo cáo Đánh giá tác động Môi trường) trước khi xả thải vào hệ thống thu gom nước thải tập trung của khu công nghiệp VSIP.

     Mặt khác, URC Việt Nam là doanh nghiệp tiên phong sử dụng năng lượng sạch như khí CNG, năng lượng sinh khối (biomass) để BVMT. Một trong những sáng kiến góp phần tiết kiệm năng lượng là chuyển qua sử dụng bóng đèn LED tại các nhà máy. Về quản lý chất thải, Công ty cố gắng giảm thiểu việc chôn lấp rác tại các nhà máy xử lý chất thải. Rác thải công nghiệp sẽ được nhà thầu có chức năng xử lý để tái chế dùng làm nguyên liệu để sản xuất gạch lót vỉa hè, phân bón…

     Hướng tới một quốc gia phát triển bền vững hơn, cộng đồng các doanh nghiệp tại Việt Nam đang nỗ lực từ những hành động nhỏ nhất, mỗi doanh nghiệp như URC sẽ luôn đồng hành cùng với các thành viên Liên minh nói riêng, cũng như với Chiến lược phát triển của Việt Nam nói chung.

 

Nhật Minh

Ý kiến của bạn