Banner trang chủ

Triển khai Cơ chế tín chỉ chung và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam

20/07/2016

   Ngày 2/7/2013, Việt Nam và Nhật Bản đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về Tăng trưởng cácbon thấp và xây dựng cơ chế tín chỉ chung (JCM). JCM là cơ chế bù trừ phát thải cácbon song phương được Nhật Bản xây dựng, đề xuất triển khai nhằm khắc phục những hạn chế của Cơ chế phát triển sạch CDM, thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, cơ sở hạ tầng phát thải cácbon thấp trong các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam. Đây là cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng, đổi mới, lựa chọn công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ Nhật Bản cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

   Quá trình triển khai cơ chế JCM tại Việt Nam

   Để triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 1/8/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam và Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện cơ chế, chính sách và hướng dẫn thực hiện cơ chế JCM Việt Nam và Nhật Bản; Bộ Công Thương làm đầu mối đôn đốc, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch hành động; tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo; định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện Kế hoạch hành động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

   Thực hiện Quyết định số 1292/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tháng 4/2015, Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 17/2015/TT-BTNMT quy định việc xây dựng và thực hiện dự án theo JCM trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam và Nhật Bản. Theo Thông tư, dự án JCM là dự án được xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với chiến lược, quy hoạch trong các lĩnh vực liên quan của Bộ, ngành, địa phương và góp phần đảm bảo phát triển bền vững của Việt Nam. Các lĩnh vực được thực hiện dự án JCM bao gồm: Sản xuất năng lượng, chuyển tải năng lượng, tiêu thụ năng lượng, nông nghiệp, xử lý chất thải, trồng rừng và tái trồng rừng, công nghiệp hóa chất, công nghiệp chế tạo, giao thông, xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất kim loại... Ngoài ra, Thông tư cũng quy định về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về thực hiện JCM (UBHH), đây là cơ quan phê duyệt dự án JCM. UBHH có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối và quản lý các hoạt động thực hiện JCM theo Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Lễ nghiệm thu và bàn giao thiết bị Dự án Thúc đẩy xây dựng bệnh viện xanh cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội)

   Hiệu quả của một số dự án thí điểm theo JCM

   Tính đến cuối năm 2015, đã có hơn 60 dự án trình diễn, thí điểm và nghiên cứu khả thi được thực hiện trong các lĩnh vực năng lượng, xử lý chất thải, BVMT, giao thông... Trong lĩnh vực năng lượng, các dự án trình diễn cơ chế JCM tập trung vào công nghệ tiết kiệm, hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp thép, vận hành tàu thủy, sử dụng điều hòa biến tần tại bệnh viện công, khách sạn; phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện sinh khối, thủy điện nhỏ. Trong lĩnh vực xử lý chất thải/BVMT, các dự án JCM bao gồm dự án phân hủy yếm khí chất thải hữu cơ tại các chợ; dự án thu hồi, sử dụng biogas từ xử lý hỗn hợp chất thải và cặn bùn. Trong lĩnh vực giao thông là dự án lái xe sinh thái thông qua sử dụng bộ đo tốc độ điện tử.

   Trong đó, Dự án Thúc đẩy xây dựng bệnh viện xanh (BVX) là một trong những dự án được triển khai theo JCM thành công, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và môi trường tại Việt Nam. Đây là Dự án thuộc lĩnh vực năng lượng được thực hiện từ năm 2014 - 2016, do Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản, với sự hỗ trợ của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI). Theo đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. Hồ Chí Minh) được lựa chọn để tham gia thí điểm.

   Thông qua Dự án, Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đã cung cấp cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 526 máy điều hòa inverter, 4 tủ hệ thống quản lý năng lượng, 6 bộ thông gió tận dụng nhiệt thải và 6 bộ quạt đảo gió. Tổng vốn đầu tư trên 8,3 tỷ đồng, trong đó Tổ chức Phát triển Công nghệ, Công nghiệp và Năng lượng mới (NEDO) tài trợ 63%. Tương tự, Bệnh viện Nhân dân 115 được hỗ trợ thay mới gần 500 máy điều hòa không khí hiệu suất cao có lắp biến tần, 2 tủ hệ thống quản lý năng lượng và 10 bộ thông gió tận dụng nhiệt thải.

   Theo tính toán của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh và Tập đoàn Mitsubishi, Dự án sẽ giúp Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiết kiệm đến 830.000 kWh điện (tương đương 1,23 tỷ đồng), giảm phát thải 518 tấn CO2/năm; Bệnh viện Nhân dân 115 tiết kiệm 498.715 kWh, tương đương 740 triệu đồng, giảm phát thải 310 tấn CO2/năm. Qua đó, có thể thấy việc xây dựng mô hình BVX không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng, đem lại lợi ích kinh tế cho bệnh viện, mà còn góp phần vào việc thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Để nhân rộng mô hình BVX, 44 bệnh viện khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được xây dựng và triển khai trong thời gian tới.

   Một số khuyến nghị, đề xuất thúc đẩy cơ chế JCM

   Mặc dù, việc triển khai cơ chế JCM vẫn còn mới tại Việt Nam nhưng đã đem lại những hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường. Với JCM, các cơ quan quản lý của Việt Nam có thêm một cơ chế tài chính - công nghệ hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp và góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển cácbon thấp. Vì thế, cần thúc đẩy cơ chế JCM tại Việt Nam và nhân rộng mô hình dự án JCM trong thời gian tới.

   Để thúc đẩy cơ chế JCM, đầu tiên cần phải nâng cao nhận thức của các bên liên quan như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức tư vấn... thông qua các chương trình hội thảo, hội nghị, diễn đàn cung cấp thông tin về cơ chế JCM. Đồng thời, phổ biến các kết quả của những dự án trình diễn, thí điểm JCM tại Việt Nam; thành lập tổ chuyên gia tư vấn kỹ thuật về cơ chế JCM, đặc biệt, phối hợp với các cơ quan của Nhật Bản hoàn thiện quy trình, thủ tục theo hướng đơn giản hóa, làm rõ cơ chế trao đổi tín chỉ giảm phát thải trong khuôn khổ Dự án.

   Mặt khác, các tổ chức tư vấn cũng cần nhận thức rõ và cập nhật những thông tin về cơ chế JCM, các quy trình thủ tục và thông tin liên quan đến doanh nghiệp Nhật Bản để tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt thông tin và cơ hội mới, để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp thông qua các cơ chế cácbon mới.

ThS. Trương Việt Trường

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016

Ý kiến của bạn