Banner trang chủ

Trách nhiệm xã hội về môi trường của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam

07/02/2017

   Những năm gần đây, trách nhiệm xã hội là hoạt động thu hút được nhiều sự quan tâm của xã hội. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Seoul, Chính phủ Hàn Quốc và các bên liên quan đã thông qua đồng thuận Seoul về phát triển vì tăng trưởng chung với 9 lĩnh vực (xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, thương mại, đầu tư tư nhân và tạo việc làm, an ninh lương thực, tăng trưởng bền bỉ, khả năng cung cấp tài chính đều khắp, huy động nội lực, và chia sẻ kiến thức). Theo đó, chính sách hỗ trợ và phát triển hoạt động trách nhiệm xã hội về môi trường của các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam đã được đẩy mạnh và xúc tiến một cách tích cực, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam trở thành hình mẫu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Người dân xã đảo An Bình, Lý Sơn được Công ty Doosan hỗ trợ máy khử nước mặn thành nước ngọt 

   Hàn Quốc bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ tháng 9/1988 với quy mô nhỏ lẻ. Đồng thời, từ năm 2007 đến tháng 9/2011, các dự án đầu tư của Hàn Quốc ban đầu có xu hướng giảm sau đó tăng dần trong thời gian gần đây. Đặc biệt, hiện nay Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về cả số lượng dự án, tăng vốn đầu tư trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư tính đến tháng 12/2016 đạt 50 tỷ 706,44 triệu USD, gồm 5.747 dự án đầu tư còn hiệu lực.

   Tuy nhiên, quá trình “địa phương hóa” của các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng gặp nhiều khó khăn và mâu thuẫn với địa phương, đặc biệt trong quan hệ ông chủ - nhân viên. Chính vì thế, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động ở Việt Nam đã chuyển hướng và tiến hành hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) cũng như gắn kết với hoạt động này nhằm dung hòa xung đột về văn hóa giữa các nước đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư, phản ánh xu hướng toàn cầu hóa của các công ty đa quốc gia. Đến năm 2011, Giải thưởng Trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam do Bộ KH&ĐT Việt Nam hợp tác với Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc phối hợp tổ chức.

   Tuy nhiên, tùy theo từng năm, chiến lược của các công ty khác nhau thì tiến hành CSR của các công ty Hàn Quốc cũng thay đổi. Điều này được thể hiện rõ ở lĩnh vực của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam trong năm 2011 - 2014.

   Năm 2011, Phòng Xúc tiến Thương mại đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tiến hành thông qua điều tra 116 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ở Việt Nam, 200 sinh viên và 200 người Việt Nam thuộc cơ quan truyền thông; kết quả, chỉ có 47/116 Công ty đang tiến hành hoạt động CSR. Đồng thời, có đến 88,4% trong số 47 Công ty này tiến hành hoạt động CSR trọng tâm là phúc lợi xã hội; 37,2% quan tâm đến việc hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ trường học và nghiên cứu học thuật; 18,6% lĩnh vực BVMT. Tuy nhiên, theo điều tra 30 doanh nghiệp Hàn Quốc tiêu biểu cho hoạt động về CSR do KOTRA cùng Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tiến hành, lĩnh vực tài trợ chủ yếu mà doanh nghiệp Hàn Quốc trong năm 2014 là hỗ trợ giáo dục (70%), hỗ trợ y tế (30%) và hỗ trợ các cơ sở phúc lợi (23%), BVMT (17%).

   Mặc dù chỉ chiếm 17% trong số các nội dung tiến hành CSR nhưng lĩnh vực BVMT được các công ty Hàn Quốc đặc biệt coi trọng và tiến hành với nhiều nội dung: Chính sách giúp cải thiện môi trường xã hội địa phương; tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về việc BVMT; xây dựng hệ thống quản lý chất thải... Điển hình như Ngân hàng Ngoại hối Hàn Quốc (KEB) đã triển khai Dự án hỗ trợ lò đốt tiết kiệm năng lượng và khí sinh học, xây dựng hệ thống thu gom rác thải tại huyện Triệu Phong và huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị từ năm 2013 - 2015, với chi phí là 200.000 USD. Công ty Doosan đã tiến hành hỗ trợ hai máy khử mặn với trị giá 1 triệu USD, giúp cung cấp nước sạch mỗi ngày cho xã đảo An Bình, Lý Sơn, Quãng Ngãi vào năm 2012. Thời gian 6 tháng cuối năm 2011, Công ty điện tử Sam Sung sử dụng 1.000 USD để quét dọn dòng sông ở khu vực xung quanh; Phối hợp với Đoàn Thanh niên huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tiến hành chương trình trồng 1.000 cây xanh với chi phí là 5.000 USD; Công ty xây dựng Hyundai E&C đã tổ chức tuyên truyền giáo dục về vệ sinh môi trường cho 151 cán bộ nhà nước và người dân, tổ chức giáo dục ở tỉnh Thái Bình từ tháng 12/2012 đến năm 2015...

   Đặc biệt, Công ty CS Wind Tower ở Vũng Tàu thường xuyên đo, kiểm tra định kỳ tiếng ồn và lượng thải các chất ô nhiễm ra môi trường; có chương trình quản lý, xử lý rác thải, chất thải công nghiệp, nguy hại theo yêu cầu pháp luật... Do đó, Công ty đã giảm lượng chất thải từ 1.634.925 kg vào năm 2012 xuống còn 685.240 kg vào năm 2014. Đồng thời, tỷ lệ tái sử dụng chất thải tăng từ 17% lên 31% vào năm 2014. Thêm vào đó, Công ty đặt ra mục tiêu giảm lượng khí CO2 phát thải vào không khí thông qua việc giảm năng lượng được sử dụng như điện, dầu, LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng)…

   Có thể nói, hoạt động tiến hành và áp dụng trách nhiệm xã hội ở Việt Nam, đặc biệt về môi trường đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn có những hạn chế như: Các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn chưa có sự liên kết với nhau để tiến hành hoạt động trách nhiệm xã hội một cách sâu rộng, còn gặp phải khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính để xin cấp phép thực hiện các hoạt động này.

   Chính vì thế, để phát huy hoạt động CSR sâu rộng và hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực môi trường, các công ty Hàn Quốc cần thay đổi mô hình đơn lẻ khi tiến hành hoạt động này và kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan phía Việt Nam cũng như các đoàn thể, tổ chức phi chính phủ và Chính phủ Hàn Quốc trong tương lai.

ThS. Nguyễn Ngọc Mai

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

Ý kiến của bạn