21/11/2016
Là một trong những đơn vị có bề dày truyền thống của ngành than, những năm qua, Công ty CP Than Hà Tu đã có những bước phát triển mạnh, luôn gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với công tác BVMT, an toàn lao động. Với những nỗ lực trong giảm thiểu ô nhiễm, phục hồi môi trường, Công ty đã trở thành điển hình tiêu biểu trong BVMT, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành than.
Thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường
Nhận thức được các hoạt động khai thác than tác động xấu đến môi trường, thời gian qua, Công ty đã có nhiều giải pháp BVMT, nhằm “xanh hóa” trong hoạt động sản xuất, khai thác than.
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Mạnh Cường, lãnh đạo Công ty luôn coi trọng công tác BVMT, xem đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Với nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Công ty đã đầu tư, cải tiến thiết bị, lắp đặt dây chuyền tuyển than bằng máy lắng lưới chuyển động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm tài nguyên, hạn chế tác động đến môi trường. Các thiết bị như máy khoan xoay, máy xúc thủy lực gầu ngược, xe tải khung mềm, máy cày xới… được trang bị hiện đại, phục vụ sản xuất. Các tuyến đường vận chuyển được tưới nước bằng xe téc chuyên dụng, đầu máng sàng than được lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi. Hiện nay, Công ty có 8 hệ thống phun sương dập bụi cố định tại các sàng và kho than, 11 xe téc. Nhằm hạn chế bụi phát tán ra khu dân cư và các xưởng sản xuất, Công ty đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để bê tông hóa tuyến đường tới khai trường mỏ với tổng chiều dài 2,2 km; đồng thời, trồng cây xanh, thi công hố lắng tại chân các kho, đắp đập xung quanh bãi thải, xây dựng hệ thống đập rọ đá để phòng chống sạt lở khi mưa bão.
Ngoài việc đầu tư, đổi mới công nghệ, Công ty còn thực hiện nghiêm túc các quy định về BVMT như lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại (CTNH); quan trắc môi trường định kỳ 4 lần/năm và xử lý nước thải mỏ; Việc tuân thủ các quy định, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về TN&MT, đảm bảo duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương châm “Sản xuất - Tiết kiệm - Hiệu quả”.
Để xây dựng ý thức chấp hành các quy định, pháp luật về BVMT, Công ty không chỉ đôn đốc người lao động thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy định, mà còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền giáo dục chính sách, pháp luật BVMT cho người lao động và đưa nội dung này vào các chương trình kiểm tra, phong trào thi đua hàng năm. Trong công tác quản lý chất thải, Công ty tổ chức thu gom, phân loại chất thải ngay tại nơi phát sinh nguồn thải. Rác thải sinh hoạt được tập kết để Công ty Môi trường đô thị TP. Hạ Long đến thu gom, vận chuyển xử lý. Đất đá thải đổ tập trung tại bãi thải Chính Bắc. CTNH được để vào các thùng chứa chuyên dụng, có nắp đậy kín, ghi nhãn mác ở ngoài vỏ thùng và lưu giữ trong kho chứa tạm thời, sau đó, thông báo cho Công ty TNHH MTV Môi trường - Vinacomin đến vận chuyển xử lý với tần suất trung bình 2 tháng/lần. Tại các công trường, phân xưởng, Công ty đã xây dựng một số nhà kho chứa CTNH tạm thời và 1 kho chính để lưu giữ CTNH.
Đối với nước thải công nghiệp phát sinh từ các hoạt động khai thác được đưa về trạm xử lý nước thải mỏ do Công ty TNHH MTV Môi trường - Vinacomin quản lý, vận hành xử lý trước khi thải ra môi trường. Nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT cột B và được Công ty tận dụng để tưới đường. Hiện nay, Tập đoàn Vinacomin đang triển khai Dự án xây dựng trạm xử lý nước thải giai đoạn II với công suất 1.200 m³/h, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2016.
Khai trường sản xuất của Công ty CP Than Hà Tu |
Nhằm thực hiện mục tiêu "mỏ xanh, sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường", hàng năm, Công ty trích 0,3% tổng doanh thu để chi cho công tác BVMT thường xuyên như tổ chức trồng cây xanh trên khai trường, cũng như khu vực dân cư; đầu tư các công trình BVMT; hưởng ứng các sự kiện, ngày lễ kỷ niệm về môi trường… Bên cạnh đó, các dự án cải tạo, hoàn nguyên môi trường tại khai trường, bãi thải cũng được Công ty quan tâm, thực hiện hiệu quả. Hiện nay, Công ty có 5 bãi thải gồm: Chính Bắc; Trụ Tây; Vỉa 7+8; Nam Vỉa Trụ; Nam Lộ Phong, với tổng diện tích 2.608.000 m². Đến nay, các bãi thải đã dừng hoạt động và để phục hồi môi trường, tạo cảnh quan, một số bãi thải đã được trồng cây, cỏ vetiver như Nam Lộ Phong (trồng gần 48 ha cây keo tai tượng, hơn 35 ha cỏ vetiver); Vỉa 7+8 (13 ha cây keo tai tượng, 4 ha cỏ vetiver); Chính Bắc (17,9 ha keo tai tượng). Năm 2016, Tập đoàn Vinacomin giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường - Vinacomin tiếp tục triển khai Dự án cải tạo, phục hồi môi trường bãi thải Chính Bắc. Hiện Công ty đã ký quỹ phục hồi môi trường với số tiền 80.635.253.000 đồng và nộp đầy đủ các khoản phí BVMT, thuế tài nguyên theo đúng quy định pháp luật.
Chú trọng an toàn lao động và trách nhiệm xã hội
Bên cạnh công tác BVMT, Công ty còn chú trọng đến an toàn lao động trong sản xuất; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên như xây dựng khu tập luyện thể thao, nhà sinh hoạt, nhà thi đấu; thành lập các đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... Song song với đó, Công ty tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao tay nghề, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên; tổ chức phong trào thi đua lao động, sản xuất và phát huy sáng kiến, giải pháp hiệu quả để áp dụng vào sản xuất, khai thác than.
Đặc biệt, nhận thấy trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội, thời gian qua Công ty đã quan tâm hỗ trợ địa phương, tham gia các phong trào an sinh xã hội mà Tập đoàn và tỉnh Quảng Ninh phát động. Năm 2015, Công ty đã cải tạo tuyến đường dân sinh cho tổ dân 23, khu 2, phường Hà Phong với tổng kinh phí 122 triệu đồng. Trong đợt mưa lũ năm 2015, Công ty đã hỗ trợ cho 21 hộ dân phường Hà Phong bị ảnh hưởng, với tổng số tiền 1,175 tỷ đồng.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong Công ty, các hoạt động BVMT, an toàn vệ sinh lao động đã từng bước đi vào nề nếp, thu nhập, đời sống người lao động được bảo đảm, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành than nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Trong thời gian tới, Công ty CP Than Hà Tu tiếp tục phấn đấu, phát huy nội lực, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, vượt qua thách thức, xứng đáng là lá cờ đầu trong công tác BVMT, góp phần “xanh hóa” vùng thann
H. Trần
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)