08/06/2017
Việc thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH) sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N) phát triển bền vững, thông qua các hoạt động như tuân thủ pháp luật về BVMT; kiểm soát ô nhiễm; tái chế chất thải; tiết kiệm tài nguyên… Tuy nhiên, các DNV&N Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện TNXH cũng như tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng.
Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc |
Xin bà cho biết, một số chính sách của nhà nước hỗ trợ các DNV&N ở Việt Nam phát triển sản xuất cũng như thực hiện TNXH và BVMT hiện nay?
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Ở Việt Nam, thực hiện TNXH của doanh nghiệp (DN) trước tiên là tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành như Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động, Luật BVMT năm 2014, Luật Thanh tra kiểm tra… Trong lĩnh vực môi trường, DN phải có trách nhiệm với các tác động tới môi trường và cuộc sống cộng đồng, thông qua các hành vi kiểm soát ô nhiễm và xử lý, tái chế chất thải, tiết kiệm tài nguyên. Đặc biệt, nếu DN tuân thủ pháp luật môi trường, sẽ đạt được nhiều lợi ích thiết thực.
Hiện nay, các chính sách hỗ trợ DNV&N mới chỉ tập trung chủ yếu vào phát triển sản xuất, cụ thể quy định tại Nghị định số 90/2001/NĐ-CP và Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNV&N của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ tạo điều kiện cho các DNV&N đổi mới công nghệ, trang thiết bị, máy móc, phát triển sản phẩm mới, hiện đại hóa quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, Luật DNV&N đang được Quốc hội xem xét thông qua sẽ là cơ sở quan trọng để hỗ trợ DNV&N phát triển.
Mặc dù, chưa có một chính sách cụ thể nào dành riêng cho việc hỗ trợ DNV&N thực hiện TNXH nhằm nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, BVMT, nhưng trong Luật BVMT năm 2014 cũng đã có những quy định ưu đãi cho các DN có thể vay vốn từ Quỹ BVMT đối với các lĩnh vực ưu tiên liên quan đến xử lý nước thải tập trung, cải tạo môi trường ô nhiễm, quan trắc môi trường, hay sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.
Những cơ hội và thách thức của DNV&N Việt Nam trong việc thực hiện TNXH cũng như thực thi pháp luật BVMT, thưa bà?
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Việc thực hiện TNXH sẽ giúp các DN có môi trường làm việc an toàn, mang đến lợi ích về sức khỏe cho cán bộ công nhân viên được đảm bảo, từ đó cán bộ yên tâm công tác, đảm bảo năng suất lao động. Bên cạnh đó, việc tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật môi trường sẽ giúp DN không gặp rủi ro về pháp lý, thanh kiểm tra và chế tài xử phạt. Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, DN có thể bị xử phạt hành chính từ mức thấp nhất là vài chục triệu đến mức cao nhất là 1- 2 tỷ đồng nếu vi phạm các quy định pháp luật về BVMT. Điều quan trọng là khi làm tốt công tác BVMT, các DN còn đạt được hiệu quả về kinh tế, cụ thể như trường hợp Nhà máy sắn Hướng Hóa Quảng Trị đã thu lợi khoảng hơn 15 tỷ/năm từ việc hồi lưu nước thải và xử lý biogas; Công ty Cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển thu lợi từ tái sử dụng chất thải rắn là 30 - 40 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh những cơ hội, các DN cũng gặp thách thức trong thực hiện TNXH và tuân thủ pháp luật BVMT. Hiện Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ DNV&N để phát triển sản xuất, tuy nhiên, chính sách này mới chỉ nêu các biện pháp mà thiếu các nguyên tắc về nguồn lực thực hiện. Các DNV&N ở Việt Nam mới tiếp cận các khái niệm về TNXH, mà chưa có một chính sách cụ thể hay chương trình đào tạo bài bản về vấn đề này. Mặc dù hiện nay, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các Sở TN&MT tổ chức các lớp tập huấn pháp luật BVMT cho DN nhưng các DNV&N thì gần như chưa tiếp cận được các lớp này. Hơn nữa, các lớp tập huấn này mới chỉ dừng lại ở việc phổ biến quy định pháp luật mà chưa đi sâu vào hướng dẫn thực thi tuân thủ pháp luật BVMT. Thêm vào đó là việc hiểu và áp dụng các quy định pháp luật về BVMT ở các DNV&N còn gặp khó khăn do các quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật như Luật BVMT năm 2014, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Thanh kiểm tra, Luật Thuế BVMT và rất nhiều Nghị định, Thông tư khác khiến DN lúng túng trong áp dụng thực hiện.
Cần tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý môi trường cho các DNV&N |
Xin bà cho biết, một số giải pháp nhằm tăng cường thực hiện TNXH và tuân thủ pháp luật về BVMT trong các DNV&N?
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Cần ưu tiên hỗ trợ các DNV&N trong việc tiếp cận nguồn vốn và công nghệ tiên tiến. Đồng thời, ban hành bộ tài liệu về văn bản pháp luật, trong đó có đầy đủ các quy định về BVMT. Cần xây dựng một nền công nghiệp môi trường, trong đó phải quản lý được công nghệ hiện có và phát triển dựa trên điều kiện của Việt Nam. Công nghệ đó phải xử lý đạt tiêu chuẩn, làm cơ sở để khuyến nghị các DNV&N sử dụng, đồng thời có chính sách hỗ trợ như giảm thuế, hỗ trợ vay vốn cho DN…
Mục tiêu quan trọng nhất của DN là lợi nhuận, nên trong nhận thức của DN, việc thực hiện quản lý môi trường là tốn kém và giảm lợi nhuận. Đây là một nhận thức chưa đúng đắn. Để thay đổi nhận thức đó, phải tổ chức một chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý môi trường, ngoài cung cấp các kiến thức về pháp luật, cần hướng dẫn DN xây dựng kế hoạch quản lý môi trường phù hợp. Đồng thời, cần cung cấp thông tin về các trường hợp DN điển hình trong cả nước để nhân rộng mô hình DN làm tốt công tác quản lý môi trường và hiệu quả kinh tế.
Xin cảm ơn bà!
Châu Loan (Thực hiện)
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2017