26/08/2019
Tetra Pak là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành chế biến và bao gói thực phẩm dạng lỏng, đang tích cực hoạt động trong lĩnh vực phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Cụ thể doanh nghiệp đang tham gia các hoạt động sau:
Tham gia vào Liên Minh phát triển bền vững: Tổ chức Tái chế bao bì Việt Nam (PRO) là sáng kiến chung giữa các công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và đồ uống, bao gồm: Coca Cola, Suntory Pepsico, Nestle Water, Nestle, sữa TH, Nutifood, URC, Friesland Campina và Tetra Pak. Các doanh nghiệp có chung mối quan tâm về thu gom, tái chế vì sự phát triển bền vững, lâu dài. Tại sao chúng ta cần phải có PRO Việt Nam? Cá nhân mỗi công ty đều có thể tự làm và Tetra đã làm một mình trong nhiều năm, nhưng bây giờ Công ty cần các đồng nghiệp cùng tham gia để tạo nên những giá trị lớn lao và đột phá hơn nữa. Ngày 21/6/2019 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử ngành, 9 công ty hàng đầu về thực phẩm và đồ uống đã cùng ngồi lại trong buổi Lễ ký kết Thỏa thuận thành lập “Liên minh tái chế bao bì Việt Nam” (PRO Việt Nam), với mong muốn, đến năm 2030, 100% bao bì đóng gói sản phẩm của các công ty thành viên đều được thu gom và tái chế. Đó là hành trình cùng nhau biến những mục tiêu không dễ dàng thành sự thật.
Lễ ký kết Thỏa thuận thành lập “Liên minh tái chế bao bì Việt Nam”
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Tetra Pak không ngừng nổ lực gia tăng hoạt động thu gom và tái chế. Từ năm 2018, Tetra Pak đã triển khai thí điểm Chương trình thu gom tại 30 trường mầm non trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với các nội dung: Tổ chức hội nghị triển khai, thu hút sự quan tâm của hiệu trưởng các trường học trên địa bàn TP; tập huấn kiến thức cho tập thể giáo viên, cán bộ nhà trường về cách thức và tầm quan trong của việc tái chế bao bì; tổ chức các buổi biểu diễn kịch rối ngoại khóa nhằm truyền tải những thông tin giáo dục đến các bé mầm non theo ngôn ngữ của trẻ để dễ tiếp thu và ghi nhớ nhất. Công ty hướng đến việc dạy các bé hiểu vì sao phải tái chế, cách thức nào để xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống và thành phẩm của quá trình tái chế là những gì? Kết quả, sau 1 năm thí điểm, Chương trình nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các trường và đã có hơn 100 trường đăng ký tình nguyện tham gia bao gồm cả các trường quốc tế. Năm 2019, Tetra Pak đưa Chương trình truyền thông tái chế học đường lên 1 bước tiến mới để trở thành Chương trình giáo dục chính thức với sự hỗ trợ của Sở TN&MT và Sở Giáo Dục TP. Chương trình được mở rộng lên 1.100 trường, bao gồm 300 trường tại TP. Hồ Chí Minh và 800 trường tại Hà Nội, ước tính sẽ có hơn 1 triệu trẻ em được tiếp cận với hoạt động thu gom, tái chế vỏ hộp thức uống giấy. Những nổ lực trên như một lời khẳng định cho vị thế tiên phong của Tetra Pak, không chỉ trong ngành mà còn trên toàn lãnh thổ Việt Nam, cũng như toàn cầu.
Chương trình truyền thông học đường “Một giây hành động - BVMT” tại TP. Hồ Chí Minh
Bên cạnh đối tượng là thế hệ trẻ, Công ty còn nhận thấy cơ hội kêu gọi hành động ở thành phần tri thức cao. Rất nhiều người cho biết, hàng ngày họ đã tự thực hành thu gom, phân loại rác và các loại vật liệu có thể tái chế tại nhà, tuy nhiên có một vấn đề khá phổ biến là họ không biết mang đến đâu. Đây là đối tượng tiềm năng cần tiếp cận, tiềm năng bởi họ là đối tượng đóng góp tích cực và có tiếng nói trong các tổ chức hoạt động vì môi trường. Hiện tại, Tetra Pak đang hợp tác cùng 5 nhóm hoạt động vì môi trường với hơn 150.000 thành viên, đồng thời là đại sứ để đẩy mạnh truyền thông cho hoạt động thu gom bao bì thức uống giấy lan toản đến cộng đồng. Song song với đó, Tetra Pak còn tích cực xây dựng các điểm tiếp nhận công cộng để việc tham gia vào Dự án thu gom tái chế bao bì thực uống giấy thuận tiện hơn. Điểm tiếp nhận công cộng đầu tiên ra mắt vào tháng 7/2018, đến nay đã có 20 điểm và sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.
Quang Ngọc