Banner trang chủ

T-Tech Việt Nam: Ðem đến nhiều giải pháp xử lý rác thải tối ưu

12/07/2017

   Song song với sự phát triển kinh tế - xã hội là sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu của con người, kéo theo lượng phát sinh rác thải ngày càng gia tăng, gây ô nhiễm môi trường. Trăn trở với bài toán xử lý rác thải, từ nhiều năm qua, TS. Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty CP Công nghệ T-Tech Việt Nam (T-Tech) đã không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu để đưa ra các giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện Việt Nam, vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần BVMT.

   Nhân dịp T-Tech được vinh danh tại Hội chợ -Triển lãm quốc tế về công nghệ môi trường và sản phẩm sinh thái 2017 vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Trọng về những giải pháp, công nghệ xử lý rác thải mà T-Tech đang triển khai.

TS. Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ T-Tech Việt Nam

   Ông có thể giới thiệu đôi nét về T-Tech và các lĩnh vực chính mà T-Tech đang hoạt động hiện nay?

    TS. Nguyễn Đình Trọng: T-Tech thành lập vào ngày 6/11/2002, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thiết bị khoa học, công nghệ, với các sản phẩm có tính công nghệ cao, chất lượng tốt như: Thiết bị thí nghiệm vật liệu xây dựng, kiểm tra, kiểm định công trình xây dựng; Bộ lưu điện (UPS), inverter, các giải pháp nguồn điện chuyên dụng và dân dụng; Sản xuất, cung cấp thiết bị phát thanh truyền hình, hệ thống truyền thanh không dây và có dây, thiết bị điện, điện tử viễn thông...

   Cách đây 5 năm, T-Tech bắt đầu nghiên cứu các công nghệ xử lý rác thải và đến nay, đang tập trung vào 3 sản phẩm chính: Lò đốt rác thải sinh hoạt, lò đốt rác thải y tế và lò đốt rác thải công nghiệp. Với 3 loại lò đốt trên, T-Tech đều có những giải pháp khác nhau để giải quyết triệt để “bài toán” rác thải đang nan giải hiện nay, đảm bảo môi trường sống an toàn cho người dân và xã hội. Các lò đốt rác của T-Tech được thiết kế khoa học, tích hợp nhiều công nghệ mới, phù hợp với điều kiện thực tế tại nhiều địa phương, nhưng vẫn đảm bảo các quy chuẩn về môi trường.

   Lò đốt rác của T-Tech có gì khác biệt so với các loại lò đốt rác khác trên thị trường Việt Nam, thưa ông?

   TS. Nguyễn Đình Trọng: Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong việc xử lý rác thải tại Việt Nam là rác thải chưa được phân loại từ đầu nguồn và chi phí đốt rác quá lớn đối với các khu vực nông thôn của Việt Nam. Vì thế, với mong muốn mang đến những sản phẩm phù hợp với điều kiện trong nước, T-Tech đã nghiên cứu và lắp đặt thành công nhiều lò đốt rác thải, ứng dụng tại các địa phương. Tiêu biểu là lò đốt rác sinh hoạt bằng khí tự nhiên CNC, được thiết kế với 2 buồng đốt sơ cấp và 2 buồng đốt thứ cấp. Sản phẩm lò đốt rác của T-Tech có những đặc tính ưu việt: Khi áp dụng không cần diện tích lớn, không phát sinh ô nhiễm thứ cấp; giá trị đầu tư chỉ bằng 1/4 - 1/2 so với công nghệ nhập khẩu; được nghiên cứu, sản xuất trong nước nên được đóng gói đồng bộ, hoàn chỉnh; dễ dàng vận hành, bảo dưỡng và nâng cấp. Bên cạnh đó, lò đốt rác áp dụng hệ thống bức xạ nhiệt tối ưu để tăng nhiệt độ của lò; hệ thống lưu chuyển dòng khí nóng đối lưu thông minh, giúp tận dụng được nhiệt lượng thừa, bổ sung cho khả năng đốt rác. Lò được xây bằng vật liệu chịu lửa đặc biệt nên chịu được nhiệt độ tới 1.750ºC, giúp cho lò có độ bền cao và ổn định lâu dài. Đặc biệt, hệ thống lò CNC được thiết kế ưu việt so với các lò đốt rác hiện nay trên thị trường, bao gồm: Buồng sấy rác; buồng đốt rác; 2 buồng đốt khí và bụi; buồng lưu khí và tản nhiệt; buồng bẫy bụi; hệ thống ống khói bằng inox chịu được axít và môi trường độc hại, có chiều cao trên 20 m, tạo nên một dây chuyền khép kín từ khâu sấy rác, đốt rác, đến lọc bụi… được tích hợp trong một hệ thống đồng bộ, dễ vận hành và đem lại hiệu quả cao; khí thải ra môi trường đạt quy chuẩn Việt Nam.

   Với dây chuyền và giải pháp xử lý rác thải của T-Tech, rác thải được lọc với tỷ lệ chôn lấp dưới 10%. Các chất thải vô cơ như gạch, ngói, vật liệu xây dựng cùng tro xỉ sau khi đốt được phối trộn với xi măng, đá mạt để sản xuất gạch không nung. Rau củ quả và các loại rác hữu cơ sạch được phân loại để ủ làm phân hữu cơ cao cấp. Ni lông, nhựa được tái chế để tăng thêm thu nhập cho nhà máy và giảm thiểu dioxin/furan trong quá trình đốt rác. 5% rác hữu cơ sạch được ủ để lấy khí gas, tăng nhiệt trị cho lò đốt, đảm bảo chất lượng khí thải đầu ra khi đốt ở nhiệt độ cao. Giấy vụn, bao bì cáctông, củi, gỗ được lọc làm nguyên liệu đốt, hoặc nguyên liệu tái chế. Sau khi nghiên cứu, thử nghiệm thành công, T-Tech đã triển khai nhiều dự án tại các tỉnh: Bắc Giang, Hà Giang, Long An, Trà Vinh, Nam Định, Nghệ An…

Lò đốt rác thải của T- Tech lắp đặt tại thị trấn An Châu (Sơn Động, Bắc Giang) 

   Một số doanh nghiệp cho rằng, lĩnh vực xử lý rác thải tiềm ẩn nhiều rủi ro, vốn đầu tư lớn, nhưng hiệu quả mang lại thì “bấp bênh”. Ông có suy nghĩ thế nào về quan điểm này?

   TS. Nguyễn Đình Trọng: Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, khi bắt tay vào lĩnh vực mới thì đều khó tránh được những rủi ro, thất bại nếu không tìm hiểu kỹ thị trường, không có kế hoạch và chiến lược hiệu quả. Đã có nhiều doanh nghiệp, nhà khoa học nghiên cứu các giải pháp xử lý rác thải nhưng khi đưa vào ứng dụng trong thực tiễn lại không thành công do nhiều nguyên nhân: Năng lực nghiên cứu và kỹ năng triển khai sản phẩm trên thị trường, nguồn vốn… Trong khi đó, ngân sách nhà nước trong lĩnh vực môi trường còn thấp, nếu chỉ “trông chờ” vào ngân sách để xử lý rác và tính bài toán khấu hao, cũng như hiệu quả kinh tế thì chắc chắn thất bại. Bất cứ một doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực đốt rác thải sinh hoạt có suất đầu tư hơn 1,2 triệu đồng/tấn, mà không có nguồn thu tái chế thì dự án sẽ lỗ vốn ngay từ "trên giấy". Để đạt được thành công trên thị trường xử lý rác thải, đòi hỏi doanh nghiệp phải có quyết tâm, sự kiên trì, năng lực chuyên môn cao, khả năng kinh tế, cùng với sự am hiểu thực tiễn trong lĩnh vực này.

   Vậy theo ông, Nhà nước cần có những chính sách gì để hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và triển khai các giải pháp, công nghệ xử lý rác thải tại Việt Nam?

   TS. Nguyễn Đình Trọng: Các cơ quan quản lý cần tham gia sâu vào thị trường công nghệ môi trường để nắm được những doanh nghiệp có năng lực thật sự, từ đó có giải pháp hỗ trợ phát triển. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có năng lực chuyên môn, nhưng không có nguồn lực tài chính, cũng không có cơ hội để trình diễn công nghệ nên ít được cơ quan quản lý quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Vì thế, Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp có công nghệ tốt, khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo những công nghệ xử lý hiệu quả, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tạo sân chơi “công bằng” đối với tất cả các doanh nghiệp, tránh sự “nể nang”, ưu tiên trong lựa chọn, phê duyệt dự án… Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là bản thân doanh nghiệp, để đạt được thành công trong lĩnh vực xử lý rác thải, bên cạnh việc có nguồn lực tài chính lớn, doanh nghiệp còn phải “làm chủ” được công nghệ, am hiểu kinh tế thị trường và có năng lực tổ chức lãnh đạo, đem tới những giải pháp thiết thực, hiệu quả cho cộng đồng.

   Xin cảm ơn ông!

Phương Linh
(Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017

Ý kiến của bạn