20/07/2016
Theo khảo sát của Hiệp hội công nghiệp môi trường (CNMT) Việt Nam, trong 493 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành CNMT, tỷ lệ các DN thực hiện cung cấp dịch vụ xử lý chất thải, vệ sinh môi trường chiếm 43%; trong đó DN nhà nước chiếm 7%, DN cổ phần chiếm 24%, DN tư nhân chiếm 67%, còn lại 2% là các DN khác. Nhìn chung, các DN hoạt động trong ngành CNMT có nhiều thuận lợi như nhu cầu thị trường cao, chất lượng nguồn nhân lực dồi dào, tuy nhiên chất lượng của dịch vụ mà các DN mang lại chưa cao, một số công trình chưa đạt hiệu quả. Để hình thành và phát triển các DN trong ngành CNMT đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ môi trường, góp phần BVMT, đồng thời, tăng tỷ lệ đóng góp của các DN môi trường cho nền kinh tế, Nhà nước cần ban hành những cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các DN phát triển.
Vai trò của DN trong phát triển CNMT
Trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế vẫn phát triển theo chiều rộng, tạo điều kiện để các DN sản xuất, kinh doanh phát triển nhanh chóng. Do đó, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ do khối DN tạo ra ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại, chất lượng hàng hóa, dịch vụ được nâng lên, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng của toàn xã hội.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Để giải quyết tình trạng này, trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó xác định nghĩa vụ của các DN trong BVMT. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để phát triển ngành CNMT.
Sản xuất phân compost từ chất thải tại Công ty CP Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) |
Trước đây, lĩnh vực thu gom, vận chuyển và chôn lấp rác sinh hoạt được thực hiện chủ yếu bởi các DN nhà nước, tuy nhiên hiện nay các DN này đang trong quá trình cổ phần hóa. Các mô hình công ty cổ phần dịch vụ vệ sinh môi trường đang phát triển rộng khắp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang... Bên cạnh đó là các mô hình công ty tư nhân như Công ty Huy Hoàng ở Lạng Sơn, Công ty Nam Thành ở Phan Rang, Hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường Hiệp Hòa (Bắc Giang), Ngô Mây (Bình Định)... Đây là những mô hình hiệu quả và đang được nhân rộng.
Thu gom, kinh doanh và tái chế phế liệu là một nghề đã có từ lâu đời ở Việt Nam và đang được nhìn nhận như một hoạt động kinh tế có hiệu quả và có ý nghĩa môi trường. Bên cạnh các loại hình DN tái chế chất thải, có hàng trăm làng nghề thủ công hoạt động trong lĩnh vực tái chế phế liệu. Tuy nhiên cần tổ chức hoạt động kinh doanh phế liệu và kiểm soát các tác động xấu về môi trường.
Những năm gần đây, sự tham gia của DN trong sản xuất sạch hơn đã làm xuất hiện nhiều mô hình BVMT. Tiêu biểu là Công ty giấy Xuân Đức, Công ty giấy Linh Xuân, Công ty dệt Phước Long, cơ sở dệt nhuộm Thuận Thiên, Công ty thực phẩm Thiên Hương, Nhà máy Visan, Công ty Nestlé, Công ty Chanshin…
Tuy nhiên, những hoạt động trên mang tính “sáng kiến địa phương”. Do đó cần phải xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tổng thể mang tầm quốc gia, khu vực, cấp địa phương trong thời gian tới. Trên cơ sở chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tổng thể mang tầm quốc gia, khu vực, cấp địa phương, các DN mới mạnh dạn đầu tư phát triển trong lĩnh vực CNMT.
Một số kiến nghị nhằm tăng cường vai trò của DN trong phát triển CNMT
Nhà nước cần bảo đảm hoạt động tham vấn DN khi xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến CNMT; Bảo đảm sự bình đẳng giữa các loại hình DN; Tạo cơ chế thuận lợi trong chuyển giao khoa học CNMT; Có cơ chế ưu đãi tài chính (giảm thuế, phí, vay vốn với lãi suất ưu đãi), đất đai… đối với DN sản xuất phục vụ hoạt động BVMT, sản xuất chế phẩm, nhập khẩu thiết bị, dây chuyền CNMT.
Đồng thời, Nhà nước cũng cần có những chính sách ưu đãi phù hợp đối với các DN sử dụng các sản phẩm, dịch vụ CNMT và áp dụng các biện pháp BVMT nhằm đẩy mạnh việc hình thành và phát triển thị trường CNMT.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các DN nâng cao tính tự lực trong phát triển sản xuất kinh doanh thông qua cải tiến, tiếp nhận những công nghệ hiện đại, chủ động tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến; tạo dựng môi trường kinh doanh, thị trường sản phẩm, khai thác các hoạt động liên kết khoa học và công nghệ; tạo sự gắn kết trong mối quan hệ giữa Nhà nước - nhà khoa học - DN. Đồng thời, cần xác định BVMT là trách nhiệm xã hội của DN; phối hợp với các cơ sở đào tạo nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho hoạt động sản xuất của DN
TS. Nguyễn Văn Phương
Trường Đại học Luật Hà Nội
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016