08/05/2019
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo nhiều Bộ, ban, ngành của Việt Nam. Về phía Thụy Điển có Công chúa kế vị Victoria Ingrid Alice Desiree; Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg; Bộ trưởng Ngoại thương Chính phủ Thụy Điển Ann Linde và sự tham gia của 50 doanh nghiệp Thụy Điển, 300 doanh nghiệp Việt Nam.
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Thụy Điển
Sự kiện này là cơ hội để đại diện doanh nghiệp hàng đầu và lãnh đạo của hai nước trao đổi quan điểm, ý kiến, kinh nghiệm và chia sẻ các thực tiễn tốt nhất hướng tới những kết quả cùng có lợi, đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa doanh nghiệp Thụy Điển và Việt Nam. Tại Hội nghị, các bên cùng nhau tham gia phiên thảo luận với nhiều nội dung khác nhau như: Giải quyết các thách thức về năng lượng và quản lý chất thải; Giao thông bền vững và quản lý không lưu của ngày mai; Giáo dục và tăng cường năng lực – chìa khóa tới một nền kinh tế đổi mới sáng tạo; Thiết kế hệ thống y tế sáng tạo và lấy bệnh nhân làm trung tâm; Thực hành tốt nhất từ ngành chế tạo của Thụy Điển; Nền công nghiệp 4.0 chuyển tiếp sang thế hệ chế tạo mới; Chế tạo bền vững - nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng lâu dài.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định, quan hệ Việt Nam - Thụy Điển sau nhiều thử thách đã không ngừng phát triển. Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Thụy Điển cho công cuộc thống nhất đất nước và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam. Ngày nay, mối quan hệ giữa hai nước đã bước sang giai đoạn mới dựa trên nền tảng đối tác bình đẳng. Thụy Điển là đối tác quan trọng và tin cậy của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Nhiều tập đoàn lớn của Thụy Điển đang kinh doanh thành công tại Việt Nam như ABB, Ericsson, Volvo... Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là thời điểm vàng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương nói chung dựa trên kinh tế, thương mại và đầu tư. Việt Nam mong muốn hợp tác, học hỏi từ những quốc gia giàu kinh nghiệm và các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Thụy Điển”. Phó Thủ tướng cũng nhận định, hợp tác kinh tế Việt Nam - Thụy Điển là phù hợp với xu thế tự do hóa thương mại, phù hợp với nền tảng liên kết kinh tế chặt chẽ của châu Âu và sự phát triển năng động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trần Tân