04/07/2019
Hiện nay, lượng chất thải nhựa và túi ni lông cả nước chiếm khoảng 8 - 12% lượng chất thải rắn sinh hoạt, nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả thì đây sẽ là gánh nặng cho môi trường. Vì vậy, để giảm thiểu lượng chất thải nhựa ra môi trường, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn (KTTH), bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành thì cần nhiều mô hình, cũng như nghiên cứu hoàn thiện công nghệ tái chế xử lý chất thải phù hợp với điều kiện của Việt Nam... Tại Hội thảo Thúc đẩy triển khai mô hình KTTH tại Việt Nam vừa được Hội đồng Doanh nghiệp (DN) vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hoàng Hải - Điều phối viên VBCSD về vấn đề này.
Ông Phạm Hoàng Hải – Điều phối viên VBCSD
PV: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng phát sinh lượng chất thải nhựa và túi ni lông trên cả nước?
Ông Phạm Hoàng Hải: Hiện nay, các sản phẩm nhựa và túi ni lông là những vật dụng phổ biến, trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Theo thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam thải ra hơn 1 túi ni lông/ngày, dẫn đến hàng triệu túi ni lông được thải ra mỗi ngày. Nhưng phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới bị phân hủy; đồng thời, chất thải nhựa, túi ni lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan là những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Việt Nam hiện xếp thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra biển (mỗi năm, có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển, trong đó 80% lượng rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền). Đáng lo ngại là phần lớn người dân, cũng như khách du lịch chưa nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của ô nhiễm rác thải nhựa, dẫn đến nhiều địa điểm du lịch tuyệt đẹp trở thành “điểm đen” về ô nhiễm môi trường.
PV: Để thúc đẩy phát triển nền KTTH, Sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên của VBCSD (VCCI) đã được khởi động, ông có thể cho biết cụ thể hơn về Sáng kiến này?
Ông Phạm Hoàng Hải: Nếu áp dụng triệt để “tư duy tuần hoàn” trong hoạt động thiết kế, sản xuất và tái chế hàng hóa, nền KTTH sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4,5 nghìn tỷ đô la cho DN, tạo ra hàng trăm triệu việc làm, giúp DN giảm thiểu các rủi ro do khan hiếm nguyên liệu, định hướng DN hoạt động theo Chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của quốc gia.
Ngày 23/1/2018, Sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên của VBCSD đã được khởi động. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án Trung tâm KTTH (VCCE), chủ trì bởi VBCSD, phối hợp thực hiện với Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam.
Là bước đi tiên phong hướng đến nền KTTH vì một Việt Nam bền vững, Sáng kiến hướng đến 4 mục tiêu: Giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; Xây dựng lộ trình hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; Phát triển chuỗi giá trị theo định hướng KTTH, kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền KTTH tại Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, nội dung hoạt động chủ yếu trong Sáng kiến trên là phân loại rác tại nguồn, hoạt động này được tổ chức thực hiện tại địa bàn quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) do Unilever Việt Nam phối hợp với Công ty Môi trường Đô thị CITENCO triển khai thực hiện.
Sau đó, Sáng kiến sẽ được thực hiện tại ngành Nhựa trong 5 năm (2018 - 2022), với sự tiên phong của 3 DN là Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty TNNH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam. Trên cơ sở đó, Chương trình sẽ nhân rộng mô hình với sự tham gia của các DN khác tại các ngành nhôm, thép, xi măng, kính, gỗ, nông nghiệp…, từ đó hình thành mô hình KTTH bền vững và xây dựng thị trường nguyên vật liệu tái chế, tái sử dụng tại Việt Nam.
PV: Theo ông, Việt Nam cần triển khai những hoạt động gì để thúc đẩy nền KTTH?
Ông Phạm Hoàng Hải: KTTH là mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và thải bỏ sản phẩm sau tiêu thụ, tạo ra lượng phế thải lớn, thì nền KTTH chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc tận dụng tài nguyên đối với KTTH được thực hiện thông qua nhiều hình thức như sửa chữa, tái sử dụng, tái chế, chia sẻ, hoặc cho thuê vật chất.
Thời đại của nền kinh tế tuyến tính đã qua, chúng ta không thể chỉ khai thác, sử dụng và loại bỏ các nguyên liệu, sản phẩm sau khi hết giá trị sử dụng. Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng trở nên cạn kiệt, mô hình nền KTTH đã chứng minh được hiệu quả trong việc tạo ra các cơ hội kinh doanh, nguồn lợi nhuận mới dựa trên nguyên tắc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên vật liệu, phụ liệu hợp lý.
Vì vậy, để áp dụng mô hình nền KTTH tại Việt Nam, trước hết, cần hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý, BVMT, tài chính, thương mại, coi các chất thải/phế thải thông thường là các loại nguyên vật liệu thứ cấp cho các ngành công nghiệp khác; có công nghệ xử lý vật liệu, thực hiện các nghiên cứu về vật liệu mới có thuộc tính linh hoạt, tính ứng dụng và độ bền cao hơn. Ngoài ra, cần sự mạnh dạn đầu tư, thử nghiệm. các mô hình kinh doanh sáng tạo.
PV: Ông đánh giá thế nào về khả năng phát triển mô hình KTTH của các DN sản xuất tại Việt Nam?
Ông Phạm Hoàng Hải: Đối với các DN sản xuất tại Việt Nam, khả năng áp dụng mô hình này là khả thi. Bên cạnh đó, sự quan tâm và nhận thức của cộng đồng DN, trong đó có DN sản xuất về KTTH đang lên rất cao. Tại Hội thảo Thúc đẩy triển khai mô hình KTTH tại Việt Nam, với sự tham gia của gần 200 DN từ các ngành nghề sản xuất chế biến gỗ, thủy hải sản, da giày, may mặc, ngành hàng tiêu dùng nhanh, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất giấy, công nghệ thông tin. Với bản chất là một vòng tuần hoàn khép kín, KTTH cần huy động sự tham gia của đa ngành, từ đó nguyên vật liệu thứ cấp của ngành này có thể trở thành đầu vào có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao cho ngành khác. Càng có sự tham gia tích cực của nhiều DN, tính khả thi của mô hình KTTH sẽ càng cao.
Bên cạnh đó, mặc dù, phần lớn các DN trong nước đều là các DN nhỏ và vừa, nhiều DN lại là nhà cung ứng của các DN lớn, họ sở hữu nguồn nhân lực với khả năng sáng tạo cao, học hỏi nhanh và tay nghề tốt. Vì vậy, việc tái thiết kế các sản phẩm với tính ứng dụng cao, vòng đời dài, độ bền và khả năng chống chịu tốt, đồng thời thiết kế các quy trình sản xuất tinh gọn, sử dụng nguyên vật liệu thứ cấp để thay thế, tiết kiệm năng lượng, hoặc sử dụng các nguồn năng lượng sạch, là có khả năng thực hiện được. Đây là những nguyên lý cơ bản để một DN bắt đầu thực hiện KTTH ngay trong phạm vi một dây chuyền sản xuất, một mặt hàng của công ty mình.
Cuối cùng, mô hình KTTH đang là trọng điểm được Chính phủ quan tâm. Trong thời gian tới, các chính sách nhằm kiến tạo khung pháp lý giúp luân chuyển nguyên vật liệu sơ cấp/thứ cấp giữa DN, các ngành trở nên thuận lợi, cũng như ủng hộ hoạt động đầu tư cho mô hình kinh doanh tuần hoàn cũng sẽ dần được ban hành. Các cơ quan tư vấn, hỗ trợ DN thực hiện KTTH như đang thực hiện tại VCCI, VBCSD sẽ được thành lập. Các DN có thể tham gia các sáng kiến như không xả thải ra thiên nhiên và các hoạt động đào tạo, tuyên truyền kiến thức, cung cấp thông tin, chia sẻ các mô hình, từ đó tìm những mảnh ghép phù hợp với công ty của mình. Qua đó, các DN có thể tháo gỡ khó khăn và thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh theo định hướng tuần hoàn dễ dàng hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Vũ Nhung (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2019)