08/08/2016
Để sản xuất xanh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp (DN) cần đầu tư công nghệ mới, hiện đại, thân thiện với môi trường, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Thấu hiểu những khó khăn của các DN trong việc vay vốn đầu tư cải thiện môi trường, những năm qua, Quỹ BVMT Hà Nội đã luôn đồng hành với DN, là địa chỉ “xanh” hỗ trợ DN cải thiện môi trường và nâng cao năng suất lao động.
Chương trình “Sử dụng rác thải nông nghiệp làm phân hữu cơ sinh học tại hộ gia đình” huyện Đông Anh (Hà Nội) do Quỹ BVMT Hà Nội hỗ trợ |
Đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN
Là tổ chức tài chính công lập hoạt động tại Thủ đô Hà Nội, năm 2007, Quỹ BVMT Hà Nội chính thức được thành lập theo Quyết định số 50/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội. Sau khi Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, tháng 9/2009, Quỹ được thành lập lại theo Quyết định số 4735/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội có nhiệm vụ hỗ trợ, tài trợ tài chính cho các dự án, chương trình, hoạt động BVMT, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường… trên địa bàn TP. Hiện nay, vốn điều lệ của Quỹ BVMT Hà Nội là 300 tỷ đồng, được cấp từ nguồn ngân sách TP. Ngoài ra, Quỹ còn tiếp nhận các nguồn vốn khác như đền bù thiệt hại về môi trường, xử phạt vi phạm hành chính, phí BVMT; các nguồn viện trợ, tài trợ, vốn nhận ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho lĩnh vực môi trường.
Hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, nhiều năm qua, Quỹ BVMT Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để đẩy mạnh công tác tín dụng đầu tư, hỗ trợ, tài trợ cho các dự án, hoạt động BVMT trên địa bàn TP. Với chức năng nhiệm vụ được UBND TP giao, Quỹ đã tập trung triển khai các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn: Cho vay ưu đãi; hỗ trợ lãi suất vốn vay; tiếp nhận và quản lý nguồn vốn ủy thác từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ đầu tư, tài trợ cho các hoạt động thực hiện nhiệm vụ BVMT; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thẩm định và xét chọn các hoạt động, nhiệm vụ, dự án BVMT; thu và quản lý nguồn thu phí BVMT, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; bảo lãnh vay vốn cho các dự án thuộc lĩnh vực BVMT... Trong đó, công tác cho vay đã được Hội đồng quản lý Quỹ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định sự tồn tại và phát triển của Quỹ.
Trong 9 năm qua, công tác cho vay với lãi suất ưu đãi của Quỹ BVMT Hà Nội đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Với lãi suất cho vay là 5,4%/năm, thời hạn cho vay từ 3-10 năm, tính đến nay, Quỹ đã cho vay trên 40 dự án, với số tiền gần 250 tỷ đồng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác BVMT của TP. Trong đó điển hình như các dự án: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai; Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình (Đan Phượng); Dự án đầu tư xây dựng lò đốt chất thải công nghiệp tại Nam Sơn (Sóc Sơn);… Ngoài ra, còn có nhiều dự án trong Chương trình xây dựng nông thôn mới như Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải tại các làng nghề; xây dựng hệ thống hầm biogas xử lý chất thải của các trang trại chăn nuôi lợn tập trung... cũng được Quỹ hỗ trợ cho vay vốn.
Không chỉ hỗ trợ DN khắc phục ô nhiễm môi trường, Quỹ còn hỗ trợ tài chính giúp các DN, các hộ kinh doanh đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ vệ sinh các tuyến đường, chăm sóc vườn hoa, công viên, cây xanh tại các quận, huyện, thị xã của TP. Từ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, các DN đã có thêm nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp DN ổn định sản xuất, kinh doanh. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, được tiếp cận vay vốn trung và dài hạn, với lãi suất ưu đãi từ Quỹ đã giúp không ít DN cơ bản giải được bài toán khó khăn về vốn đầu tư, yên tâm hoạt động sản xuất, mở rộng thị trường kinh doanh…
Từng bước nâng cao chất lượng
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vay vốn, những năm qua, Quỹ BVMT luôn chủ động, nhiệt tình hướng dẫn cho DN thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục, lập hồ sơ; rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các dự án BVMT trên địa bàn TP. Để kiểm soát, quản lý vốn vay, Quỹ đã tiến hành kiểm tra, giám sát thường kỳ và đột xuất đối với các dự án vay vốn nhằm giảm thiểu nợ quá hạn, nợ xấu xảy ra. Ngoài nhiệm vụ trọng tâm là công tác cho vay, Quỹ đã tích cực kêu gọi các DN, tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn kinh tế lớn tại Hà Nội quan tâm và tài trợ cho công tác BVMT Thủ đô.
Ngoài ra, công tác truyền thông là nhiệm vụ chính trị quan trọng được UBND TP, Sở TN&MT giao, Quỹ BVMT Hà Nội luôn chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng năm, sát với chủ đề, hướng tới nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, đa dạng, tạo sức thu hút đối với cộng đồng, phát huy tốt vai trò chuyển tải thông tin đến đông đảo mọi đối tượng, phục vụ tốt cho công tác BVMT của TP. Điển hình cho công tác tuyên truyền của Quỹ là Chương trình “Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường”, “Văn hóa môi trường”, “Truyền thông học đường”, chương trình lắp máy tập thể dục kết hợp bảo vệ nước hồ tại một số hồ trên địa bàn Hà Nội, đạp xe vì môi trường” nhằm hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất, Ngày Môi trường thế giới… Các chương trình truyền thông đã tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, được đông đảo các cơ quan, ban ngành của TP và người dân ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình. Một điểm nhấn quan trọng trong công tác truyền thông là Quỹ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tổ chức các hội nghị tiếp cận vốn vay ưu đãi, thông qua đó, các DN, tổ chức, cá nhân đã nâng cao nhận thức về BVMT và nắm bắt được đầy đủ thông tin về nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các hoạt động, Quỹ BVMT Hà Nội cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Cụ thể như nguồn vốn bổ sung từ phí BVMT, các khoản bồi thường thiệt hại môi trường cho Nhà nước hiện vẫn chưa có cơ chế, chính sách chuyển nguồn về các Quỹ Môi trường Trung ương và địa phương, nên phần nào cũng ảnh hưởng đến quy mô tài chính của Quỹ. Bên cạnh đó, việc đầu tư của các DN trong lĩnh vực môi trường có chi phí lớn, thời gian hoàn vốn dài, hiệu quả kinh doanh thấp, trong khi các chính sách tín dụng đối với dự án môi trường không khác biệt nhiều so với các loại hình dự án kinh doanh, dịch vụ khác (phải có tài sản đảm bảo, tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng, đấu thầu.…) gây khó khăn cho các chủ đầu tư tiếp cận vốn ưu đãi của Quỹ. Việc hoàn tất hồ sơ, thủ tục vay vốn đối với một số dự án thuộc hộ gia đình để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các trang trại lợn có quy mô nhỏ của hộ gia đình cũng gặp khó khăn vì đặc thù hộ cá thể nhỏ lẻ nên không có tài sản đảm bảo, quá trình đầu tư không theo quy định của Nhà nước.
Mặc dù vậy, Quỹ BVMT Hà Nội đã và đang cố gắng khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được Sở TN&MT và UBND TP Hà Nội giao, góp phần đẩy mạnh công tác BVMT trên địa bàn Thủ đô.
Nguyễn Thị Kim Thanh
Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016