22/05/2018
Trong bối cảnh vận hành của nền kinh tế dựa trên cơ sở thể chế kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, doanh nghiệp (DN) được xác định không chỉ là nòng cốt tạo ra sản phẩm cho xã hội, mà còn có vai trò rất quan trọng trong công tác BVMT, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, việc huy động DN tham gia vào công tác BVMT, tăng trưởng xanh (TTX) là yếu tố quyết định sự thành công của DN, đóng góp vào lợi ích chung của địa phương và quốc gia. Đó là thông điệp chính được đưa ra tại Hội nghị Diễn đàn DN với BVMT và TTX do Bộ TN&MT tổ chức tại Hà Nội ngày 22/5/2018, nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của DN về BVMT; đồng thời, phổ biến các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực môi trường.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT cho rằng, trước các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng, việc tăng cường công tác BVMT được chú trọng hơn, các tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn làm cho nhận thức của DN về BVMT ngày càng được nâng cao. Việc tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT không chỉ là nghĩa vụ “phải làm” đối với các DN mà từng bước trở thành “động lực tìm kiếm lợi nhuận bền vững” cho DN.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi về vai trò của DN trong công tác BVMT, chia sẻ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về BVMT, Chiến lược quốc gia về TTX; đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả công tác BVMT, góp phần bảo đảm cho TTX và phát triển bền vững đất nước. Theo đó, DN đóng vai trò tích cực trong việc triển khai Chiến lược quốc gia về TTX và hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Việc thực hiện tốt vấn đề TTX, BVMT sẽ giúp các DN phát triển bền vững, thông qua các hoạt động như: Tuân thủ pháp luật về BVMT; kiểm soát ô nhiễm; tái chế chất thải… DN phải nhận thấy những trách nhiệm, cũng như lợi ích khi tăng cường đầu tư cho hoạt động BVMT, nhờ đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đóng góp vào sự thịnh vượng và phát triển bền vững của quốc gia. Để giải quyết vấn đề môi trường, các DN cần phải đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất, phương thức quản lý để phát triển các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Bên cạnh sự nỗ lực của các DN, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống tổ chức về quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với các quy luật và nguyên tắc của thể chế kinh tế thị trường, nhằm thúc đẩy DN tham gia BVMT; nghiên cứu cấu trúc lại các công cụ kinh tế như các loại thuế, phí có mục đích BVMT; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các DN về BVMT, TTX; thúc đẩy chương trình khoa học và công nghệ ở các cấp, ngành; thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho BVMT… Sự tham gia có trách nhiệm của DN vào công tác BVMT, thực hiện TTX sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm thu hút nguồn nhân lực, vật lực, tài lực “đột phá” giúp đất nước phát triển bền vững, mở ra cơ hội kinh doanh mới bền vững hơn cho DN trong bối cảnh hiện nay.
Giáng Hương