06/06/2019
Sau 6 tháng đi vào hoạt động, Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ, do Công ty TNHH China Everbright Quốc tế làm chủ đầu tư, với số vốn trên 1.050 tỉ đồng bước đầu giải quyết vấn đề ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố (TP). Dự án góp phần giúp TP tiếp cận với công nghệ xử lý hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch chung về xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
China Everbright International Limited được thành lập năm 1993 tại Hồng Kông và là Công ty hàng đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) trên toàn thế giới. China Everbright International Limited cung cấp giải pháp môi trường toàn diện đầu tiên tại Trung Quốc. Các dự án đầu tư của China Everbright International Limited tập trung tại 18 tỉnh/TP của Trung Quốc và các nước Đức, Ba Lan, Việt Nam. Tính đến năm 2018, Công ty đã thực hiện 335 dự án về BVMT, tổng vốn đầu tư gần 14.8 tỷ USD, với hơn 10.000 nhân viên, doanh thu năm 2018 đạt 3.442 tỷ USD. Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện Cần Thơ là Dự án xử lý rác sinh hoạt phát điện với tiêu chuẩn cao nhất tại Việt Nam.
Hiện nay, công nghệ đốt rác sinh hoạt phát điện được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Rác thải sinh hoạt theo công nghệ xử lý đốt được đốt ở nhiệt độ cao, trọng lượng rác sau khi đốt giảm 75%, thể tích rác giảm 90%, nhiệt dư sản sinh ra được dùng để phát điện (1 tấn rác có thể sản xuất ra 300 - 400 kWh điện), khí thải, tro bay đã được xử lý đạt tiêu chuẩn BVMT của Việt Nam. Công nghệ đốt rác phát điện có ưu điểm như giảm phần lớn khối lượng và thể tích rác, công nghệ chuyên sâu và vận hành ổn định, diện tích chiếm đất ít…; khí thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn châu Âu 2010, không phát thải khói ra môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn Bộ TN&MT Việt Nam, nước rỉ rác sau khi xử lý được tái sử dụng toàn bộ bên trong Nhà máy.
Đối với hệ thống cấp rác, tiếp nhận rác, đo lường, lưu trữ và lên men rác thải sinh hoạt được thực hiện theo quy trình khép kín. Rác thải sinh hoạt sau khi được đưa vào bể chứa và lên men từ 5 đến 7 ngày duy trì ở trạng thái áp suất âm, đảm bảo khống chế mùi môi thối không phát tán ra ngoài bể chứa rác. Trong bể chứa rác có lắp đặt gầu múc rác bán tự động để đưa rác đã lên men vào lò đốt. Trung tâm của Nhà máy đốt rác phát điện, bao gồm hệ thống lò đốt và lò dư nhiệt. Lò đốt rác (China Everbright International Limited sử dụng thiết bị chuyển động đa cấp, rác thải sinh hoạt đầu tiên được làm khô, sau đó rác được đưa vào giai đoạn đốt) Hệ thống lò đốt rác là thiết bị chủ yếu của Nhà máy đốt rác phát điện, tính năng của nó ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu phát thải và hiệu suất vận hành của toàn bộ hệ thống thiết bị phụ trợ. Bên cạnh đó, Nhà máy còn có các hệ thống phát điện, làm sạch khói, xử lý nước rỉ rác, thu gom và xử lí tro bay, xử lý tro xỉ…đều đạt được yêu cầu nghiêm ngặt nhất về các chỉ tiêu phát thải ra môi trường.
Toàn cảnh Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ
Tính đến cuối tháng 3 năm nay, Nhà máy đã xử lý được khoảng 70.600 tấn rác, lượng điện sản xuất ra 18.000.000 kWh, số điện năng này có thể cung cấp cho 2300 hộ gia định sử dụng trong vòng 1 năm. Mỗi ngày Nhà máy có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt, ước tính bằng 60% tổng lượng rác thải của TP. Cần Thơ, tiết kiệm 25.000 tấn than khi vận hành Nhà máy nhiệt điện, giảm bớt 10.400 tấn C02, góp phần vào công cuộc vô hại hóa, giảm lượng hóa, tài nguyên hóa cho rác thải của TP.
Ông Li XiaoPeng, Chủ tịch Tập đoàn Everbright (chủ đầu tư Nhà máy), cho biết: “Kể từ khi nhận quyết định chủ đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, chúng tôi luôn thực hiện theo mục tiêu “Xây dựng Dự án theo tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp cho TP. Cần Thơ”, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật Việt Nam về BVMT. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi luôn có trách nhiệm với xã hội và BVMT, không để phát thải xảy ra nhằm mang lại hiệu quả tốt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”. Để mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ có một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, đề nghị nhà nước có chính sách về xử lý chất thải rắn để khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc hợp tác với các công ty môi trường địa phương; Phát điện và quy hoạch kết nối lưới điện, khuyến nghị nhà nước thống nhất phê duyệt theo quy hoạch.
Thứ hai, chất thải công nghiệp nói chung gần giống với chất thải sinh hoạt, nên đề xuất sử dụng công nghệ đốt rác tiên tiến để xử lý chất thải liên quan và tận dụng triệt để công nghệ đốt rác để giải quyết nhiều hơn vấn đề môi trường.
Thứ ba, xỉ lò được kiểm tra đã đáp ứng các điều kiện có thể tận dụng để tái sử dụng. Đồng thời, đề xuất Bộ Xây dựng nên có quy định cụ thể nhằm tận dụng bột than, tro bay…sau khi đã được kiểm tra thử nghiệm đủ điều kiện căn cứ vào tình hình thực tế có thể chôn lấp an toàn hoặc tận dụng để tái sử dụng.
Với năng lực, kinh nghiệm quản lý, điều hành của lãnh đạo và nhân viên Công ty, mong rằng Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ sẽ phát huy hiệu quả đầu tư, trở thành một trong những mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố. Đồng thời, đây là mô hình đốt rác phát điện có thể nhân rộng trên cả nước như một giải pháp xử lý rác sinh hoạt hiệu quả và bền vững cho đô thị Việt Nam.
Phạm Hồng Dương
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)