Banner trang chủ

Mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề môi trường

08/06/2017

   Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là tập hợp tiếng nói của các doanh nghiệp (DN) nhằm đánh giá các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của các tỉnh, thành phố, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển DN, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ngoài bảng xếp hạng PCI truyền thống, lần đầu tiên Báo cáo PCI 2016 đã phản ánh quan điểm của cộng đồng DN trước các vấn đề môi trường - lĩnh vực hiện đang là mối quan tâm của tất cả các bên.

   Trong năm 2016, kinh tế Việt Nam trải qua nhiều khó khăn với những diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Bên cạnh đó là những tác động từ bên ngoài như tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm mạnh đã làm cho nền kinh tế của Việt Nam gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, Báo cáo Chỉ số PCI năm 2016 lần đầu tiên đã tìm hiểu những đánh giá của các DN về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường (ÔNMT) đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Theo đó, có 10.037 DN dân doanh từ 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại 14 tỉnh, thành phố đã tham gia phản hồi điều tra PCI 2016.

   Đánh giá mức độ nhận biết và quan tâm về môi trường

   Theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đa số các DN hầu như không lo ngại về ÔNMT tại địa phương mình đang hoạt động… Khoảng 46% DN cả trong và ngoài nước đều cho rằng, mức độ ÔNMT hiện tại có thể chấp nhận được. Chỉ rất ít DN (3,8% DN trong nước và 3,2% DN FDI) tin rằng, ÔNMT đã thực sự nghiêm trọng; và 1/3 số DN (28,1% DN trong nước và 25,7% DN FDI) cho rằng, môi trường tại địa phương hiện tại hơi ô nhiễm hoặc không ô nhiễm.

   Tìm hiểu về tình trạng ÔNMT ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, kết quả điều tra cho thấy: 1/3 DN (32,4% DN trong nước và 27,5 DN FDI) cho biết, ÔNMT không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của họ; 50,4% DN FDI và 45% DN trong nước cho rằng bị ảnh hưởng một chút từ ÔNMT. Tuy nhiên, một số lượng đáng kể cho rằng, ÔNMT đang ảnh hưởng khá nhiều (17,6% DN trong nước và 18,2% DN FDI) hoặc rất nhiều (5,3% DN trong nước và 3,9% DN FDI) tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

   Câu hỏi đặt ra là DN trong lĩnh vực nào lo ngại về hiệu quả kinh tế khi môi trường bị ô nhiễm. Theo kết quả điều tra, số lượng các DN chia sẻ về khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực là khá thấp. Mặc dù năm vừa qua đã xảy ra một số sự cố môi trường, nhưng không một khu vực nào có hơn 1/3 số lượng DN cho rằng “bị ảnh hưởng rất nhiều”. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể giữa DN chế tạo và DN trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ hoặc tài chính. Chỉ có 11% DN FDI và 14% DN dân doanh trong lĩnh vực chế tạo tin rằng tình hình ÔNMT nghiêm trọng và gây tổn hại tới hoạt động của họ; từ 20% đến 30% DN trong các lĩnh vực khác bày tỏ sự lo ngại tương tự và các DN FDI tỏ ra lo ngại hơn nhiều so với các DN trong nước.

ÔNMT gây tổn hại tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong lĩnh vực chế tạo

   Có thể thấy, sự khác biệt giữa câu trả lời trên liên quan đến định hướng thị trường. Hầu hết, các DN FDI tham gia lĩnh vực chế tạo đều có định hướng xuất khẩu, với mục tiêu bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Vấn đề ÔNMT ở Việt Nam có ảnh hưởng rất ít đến sản lượng tiêu thụ ở nước ngoài. Trong khi đó, các DN trong các ngành dịch vụ, bán lẻ, xây dựng, tài chính đều hướng đến thị trường trong nước. Thành công của những DN này phụ thuộc chủ yếu vào mức độ hài lòng và sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam cũng như khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh khách sạn và du lịch. ÔNMT sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến các hoạt động của họ do chất lượng dịch vụ cung cấp bị giảm, dẫn đến việc giảm lượng khách hàng.

   Mặt khác, cũng có thể nhận thấy tương đối rõ một số khác biệt giữa các vùng miền. Trước hết là sự khác biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn. DN ở Hà Nội (gồm cả Hà Tây cũ) bày tỏ quan tâm nhiều nhất về thiệt hại do ÔNMT gây ra. Hà Nội là nơi duy nhất có trên 30% DN trong nước và FDI cho biết bị ảnh hưởng bởi ÔNMT. Ngoài ra, lo ngại về ÔNMT được thể hiện nhiều nhất ở những tỉnh giáp với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thứ hai, đúng như dự đoán, tỉnh Hà Tĩnh, tâm chấn của cuộc khủng hoảng Formosa và các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình, đều bày tỏ sự lo ngại lớn đối với vấn đề ÔNMT. Theo kết quả điều tra, hơn 27% các DN tại Hà Tĩnh cho biết ÔNMT có những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

   Việc thực thi các quy định về môi trường

   Hiện có khoảng 87% DN có vốn đầu tư trong và ngoài nước cho rằng, họ ít nhiều biết tới các quy định môi trường áp dụng đối với DN của họ. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể về mức độ nhận thức. Gần 1/2 DN FDI cho rằng họ biết rất rõ về các quy định môi trường, trong khi chỉ có 1/3 các DN dân doanh trong nước nắm rõ các quy định này. Điều này phù hợp với kết quả các nghiên cứu khác khi cho rằng, việc hiểu biết pháp lý và tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT trong các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.

   Khảo sát mức độ tuân thủ hiện tại của DN về các quy định môi trường cho thấy, 38% các DN FDI và 44% các DN trong nước đã thừa nhận rằng, họ chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về môi trường. Hơn nữa, trong số đó có 14,5% các DN trong nước và 9,4% các DN FDI cho biết, họ chỉ tuân thủ một phần hoặc thậm chí không tuân thủ các điều khoản về môi trường. Giải thích về vấn đề này, cả DN trong nước và nước ngoài đều cho rằng, quy mô của họ quá nhỏ để có thể tác động tiêu cực đến môi trường; các quy định về môi trường quá rườm rà và chi phí để thực hiện tuân thủ chúng quá cao.

   Mặt khác, phần đông các DN (50% DN FDI và 45% DN trong nước) đều tin rằng BVMT là vấn đề quan trọng và sẵn sàng trả một mức chi phí hợp lý cho các hoạt động cụ thể, cũng như áp dụng thêm các quy định pháp luật để tránh ô nhiễm, đặc biệt là các DN nông nghiệp, thủy sản, tài chính và dịch vụ. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN chế tạo cũng chịu nhiều thiệt hại do ÔNMT. Kết quả điều tra PCI cũng thấy, một số lượng lớn các DN đã nỗ lực phòng chống ÔNMT thông qua việc áp dụng các quy chế nội bộ và các chương trình đào tạo, tập huấn cho người lao động về BVMT. 75% DN FDI và 73% DN dân doanh hiện đang áp dụng các “chính sách xanh” như giảm thiểu ô nhiễm bằng cách sử dụng nguyên liệu và năng lượng tiết kiệm. Tỷ lệ DN cho biết họ tuân thủ các quy định môi trường ở mức cao, đồng thời cũng sẵn lòng nỗ lực BVMT dù biết rằng việc này sẽ làm tăng chi phí của DN.

   Sau sự cố môi trường Formosa, các DN dường như đồng tình cao hơn và chấp nhận nghĩa vụ thực thi các quy định về môi trường mà chính quyền địa phương tiến hành, dù điều đó có thể sẽ gia tăng gánh nặng chi phí và trách nhiệm cho DN (95% DN FDI và 91% DN trong nước). Đồng thời, các DN cho rằng chính các DN phải có trách nhiệm BVMT dù việc này làm tăng chi phí của DN (97% DN FDI và 96% DN trong nước đồng ý).

                Hoàng Oanh

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2017

Ý kiến của bạn