30/01/2019
Nhà máy Giấy và bột giấy An Hòa tọa lạc tại xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trải qua 16 năm hình thành và phát triển, đến nay An Hòa luôn được nhắc đến như một niềm tự hào khi góp phần xây dựng thương hiệu trên mảnh đất này.
Khuôn viên Nhà máy Giấy và bột giấy An Hòa
Trong hai năm vừa qua, diện mạo Nhà máy Giấy và bột giấy An Hòa đã không ngừng đổi thay và chuyển biến: từ cảnh vật thiên nhiên đến con người, từ môi trường làm việc đến tư tưởng người lao động. Đến An Hòa vào thời khắc này, ta bắt gặp những hàng cây xanh ngát, hoa ban nở rộ khắp khuôn viên Nhà máy. Bóng ngả về chiều, quanh hồ điều hòa, chim bay về tổ, cá tung tăng bơi lội…khiến cho cảnh sắc thiên thiên nhiên nơi đây như hòa quyện làm một. Bên trong Nhà máy, tinh thần hăng say lao động luôn hiện hữu trong từng phân xưởng, với đầy ắp những nụ cười rạng ngời hạnh phúc và tự hào của các cán bộ công nhận viên khiến cho mùa xuân càng thêm ý nghĩa. Tất cả những thành quả đó được tạo nên từ những con người mới - đầy nhiệt huyết, tài ba, biết phát huy những mặt tích cực, sửa đổi và khắc phục những hạn chế, tạo ra những chính sách mới phù hợp hướng tới cộng đồng, xã hội. Sự bứt phá được thể hiện từ chính sách thu mua nguyên vật liệu hợp lý, minh bạch cách thức quản lý tổ chức sản xuất khoa học và hiệu quả, nâng cao và duy trì công tác bảo vệ môi trường, cải cách và đổi mới nhân sự, xây dựng chiến lược kinh doanh nhanh nhạy và sắc bén… Từ đó, kết quả, doanh thu của Công ty đã không ngừng tăng lên, năm 2017 đã đạt doanh thu 2.700 tỷ đồng, năm 2018 đạt 3.000 nghìn tỷ đồng; thu nộp ngân sách nhà nước năm 2017 đạt 120 tỷ đồng, năm 2018 đạt 170 tỷ đồng. Nhiều năm qua, An Hòa đã và đang góp phần rất quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế - xã hội của địa phương.
Thu mua nguyên liệu gỗ cho người dân địa phương
Giờ đây khi có dịp đến Tuyên Quang, nhìn từ xa bao phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng keo xanh ngắt. Đây là thành quả mà Công ty CP Giấy An Hòa đã đầu tư về giống cây trồng, kỹ thuật, thu mua sản phẩm đầu ra… cho người dân địa phương. Hàng năm, An Hòa cung cấp khoảng 3 triệu cây giống cho các hộ dân, đồng thời thực hiện thu mua nguyên liệu bình quân trên 2 triệu đồng/tấn dăm, từ đó quyền lợi của người trồng rừng được bảo đảm. Hiện nay các hộ dân trồng rừng trên địa bàn Tuyên Quang đã vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo từ những cánh rừng trong keo.
Với triết lý kinh doanh “gieo lên mầm xanh”, đến nay giấy An Hòa đã “gặt” được giá trị bền vững trên con đường chinh phục để trở thành thương hiệu giấy số một tại thị trường Việt Nam.
Trần Hữu Hải
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2019)