Banner trang chủ

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao, thân thiện với môi trường của chàng trai vùng khó Quảng Trị

31/05/2019

     Chuyển dịch cơ cấu sang sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng áp dụng công nghệ cao (CNC) để cung ứng cho thị trường đang là hướng đi mới, giúp người dân tỉnh Quảng Trị nâng cao đời sống. Là một trong những mô hình tiên phong của tỉnh về ứng dụng CNC, Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Lê Văn Vượng ở Hợp tác xã (HTX) Trường Sơn, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh đã mang lại hiệu quả thiết thực.

     Dưa lưới thuộc họ bầu bí, là cây ăn quả có thời gian sinh trưởng ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm với năng suất cao, được xem là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Thành phần của dưa có chứa chất chống oxy hóa dạng polyphenol, có khả năng phòng chống ung thư và tăng cường hệ miễn dịch. Cùng với đó, trong dưa có chứa nhiều chất xơ nên có tác dụng nhuận trường, chống táo bón, là nguồn phong phú cung cấp beta-carotene, acid folic, kali và vitamin A , C giúp điều hòa huyết áp, ngừa sỏi thận, lão hóa xương… Ở nước ta, ngoài các giống dưa lưới truyền thống được trồng từ lâu như dưa trắng Hà Nội, dưa mật Bắc Ninh, dưa vàng Hải Dương trái nhỏ, thơm, ngọt, thì những năm gần đây, dưa lưới cũng rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Nắm bắt được điều này, chàng trai sinh năm 1993, Lê Văn Vượng, đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản trong nhà màng.

     Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về, chàng trai trẻ Lê Văn Vượng “nuôi” quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Được huyện Vĩnh Linh cho đi tham quan, học hỏi mô hình sản xuất CNC ở các tỉnh bạn, anh đã chọn dưa lưới làm “tình yêu” cho mình. Không có vốn, Vượng kêu gọi 14 thành viên khác cùng thành lập HTX Trường Sơn chuyên trồng dưa lưới Nhật Bản do anh làm Giám đốc. Với 700 triệu đồng vốn do các thành viên đóng góp, cùng 300 triệu đồng được huyện hỗ trợ, tháng 7/2017, vườn dưa lưới trong nhà màng đầu tiên của HTX được hình thành trên diện tích hơn 2.000 m2. Bên trong nhà màng, Vượng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, hệ thống phun sương cho cây trồng.

 

Anh Lê Văn Vượng dành nhiều tâm huyết chăm sóc vườn dưa lưới

 

     Sau 1 tháng, khi đã chuẩn bị đất, xử lý vi khuẩn, Vượng đã trồng khoảng 4.800 gốc dưa lưới trong nhà màng. Được đánh giá là giống cây mới, kén đất trồng, thế nhưng loại dưa lưới được anh Vượng trồng thành công và cho hiệu quả cao khi trồng bằng phương pháp này. Chỉ trong một thời gian ngắn, cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả trên 70%, tổng sản lượng ước đạt từ 4 - 4,5 tấn. Anh Vượng cho biết, khác với phương pháp canh tác tự nhiên, việc trồng dưa ứng dụng CNC phải đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn kĩ thuật nghiêm ngặt từ khâu làm đất, kỹ thuật bón phân, nước tưới... Ngay từ công đoạn chuẩn bị cây con và giá thể, anh phải sử dụng khay ươm cây thường bằng vật liệu xốp (50 lỗ/khay) để gieo hạt. Giá thể gieo hạt là mụn xơ dừa đã được xử lý chất chát (tanin), phân hữu cơ (trùn quế hoặc phân chuồng) đã được xử lý bằng tricoderma và tro trấu phối trộn theo tỷ lệ tương ứng là 70% + 20% + 10%, rồi cho vào đầy lỗ mặt khay và tiến hành gieo 1 hạt/lỗ. Dung dịch dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời qua hệ thống tưới nhỏ giọt có nồng độ phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Khi trồng được 7 - 10 ngày, bắt đầu treo dây cố định cây, đến giai đoạn ra hoa tiến hành thụ phấn bằng ong hoặc thủ công. Sau 3 tháng chăm sóc, mỗi cây có thể ra từ 1 - 4 quả, nhưng để quả đạt chất lượng cao, mỗi cây anh chỉ để còn duy nhất 1 quả. Sau đó, anh tiến hành tỉa hết cành nách tạo thông thoáng và hạn chế tiêu hao dinh dưỡng. Khi quả có đường kính từ 2 - 4 cm (khoảng 40 ngày sau trồng) thì hãm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

     Đặc biệt, canh tác theo phương pháp nông nghiệp sạch ứng dụng CNC đòi hỏi HTX Trường Sơn khi trồng trọt phải áp dụng theo một quy trình chuẩn khép kín, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại trong sản xuất mà chỉ sử dụng các chế phẩm hữu cơ vi sinh. Ngoài ra, do được trồng trong nhà kính, có hệ thống tưới tiêu tự động nên khi thu hoạch xong, sử dụng cây mới trồng thay thế cho cây cũ. Vì vậy, có thể canh tác quanh năm trong mọi điều kiện thời tiết, thường mỗi năm có thể sản xuất 3 vụ dưa, với giá bán từ 40 - 50 nghìn đồng/kg. Ngoài dưa lưới, anh Vượng còn trồng them 10 sào dưa hấu sạch. Cây dưa hấu mùa đông không trồng được với môi trường bên ngoài thì lại phát triển tốt trong nhà kính và cho sản lượng cao…

     HTX Trường Sơn là một trong các mô hình thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC. Đây là hướng đi đúng, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, đặc biệt là với ngành nông nghiệp và người nông dân. Thành công bước đầu của mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản trong nhà màng của anh Lê Văn Vượng đã đem đến niềm tin và động lực lớn để nông dân huyện Vĩnh Linh nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung tiếp tục trồng trọt theo hướng CNC, thân thiện với môi trường.

 

Phương Lê

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)

Ý kiến của bạn