Banner trang chủ

Khu công nghiệp sinh thái Devens: Thành công nhờ chính sách hỗ trợ phát triển bền vững

02/11/2018

     Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) là mô hình được triển khai tại nhiều nước phát triển và mang lại các lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường. Từ những năm 1990, Mỹ đã là quốc gia đi đầu trong việc xây dựng và phát triển KCNST của thế giới, trong đó điển hình là KCN Devens (Tiểu bang Massachusetts, TP. Boston).

     Devens là một căn cứ quân sự cũ của Mỹ (từ 1917 - 1996), với diện tích khoảng 1.780 ha. Năm 1993, GS. Herman Field - người sáng lập Trường Đại học Chính sách môi trường, đô thị Tufts làm việc với Hội Kiến trúc sư Boston và đề xuất ý tưởng xây dựng lại khu căn cứ quân sự cũ này thành một khu liên hợp công nghệ sinh thái, khép kín, quy mô lớn. Ý tưởng đó đã được Bộ Quốc phòng Mỹ chấp thuận và đưa vào Chương trình Đóng cửa và nâng cấp các cơ sở quân sự cũ của quốc gia. Sau đó, việc tái kiến thiết Devens đã được giao cho Cơ quan Phát triển kinh tế và tài chính quốc gia (MassDevelopment). Năm 1994, MassDevelopment đã xây dựng Kế hoạch Tái kiến thiết Devens (Kế hoạch), trong đó đưa ra các mục tiêu và tầm nhìn để phát triển bền vững Devens, đồng thời, duy trì và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương. Kế hoạch đề ra 3 nội dung quan trọng: Tính bền vững là một phần không thể thiếu trong quá trình tái phát triển; Tập trung vào công nghiệp sinh thái, không phát thải, chất thải; Bảo vệ tầng nước ngầm, phát triển nông nghiệp bền vững và có chiến lược tái chế chất thải toàn diện. Ngoài ra, Kế hoạch cũng đề cập đến việc thành lập Ủy ban DNDevens (DEC), với mục đích xây dựng các chính sách, quy định và giấy phép liên quan đến doanh nghiệp (DN).

     Năm 2000, MassDevelopment và DEC đã triển khai Chương trình chỉ số bền vững và xem đây là công cụ để đánh giá sự bền vững tại địa phương. Thông qua Chương trình, DEC đã xác định 2 vấn đề tồn tại chính của Devens, đó là: Thiếu phương tiện giao thông công cộng và các công trình xanh. Để giải quyết 2 vấn đề trên, cần phải thúc đẩy phát triển KCNST tại Devens, chỉ có như vậy mới hài hòa được 2 vấn đề BVMT và phát triển kinh tế. KCNST là các DN hợp tác với nhau và giúp cộng đồng địa phương giảm lãng phí, chia sẻ hiệu quả tài nguyên (nước, năng lượng, vật liệu, cơ sở hạ tầng…), nhằm mục đích tăng lợi ích kinh tế và cải thiện chất lượng môi trường.

 

KCNST Devens (Tiểu bang Massachusetts, TP. Boston, Mỹ)

 

     Đến năm 2002, DEC đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình hành động về KCNST (BCĐ), bao gồm các công dân, đại diện DN và cơ quan Chính phủ…, trong đó, các DN và cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp ​​BVMT. Ngay sau khi thành lập, BCĐ đã có sáng kiến thành lập Chương trình xây dựng thương hiệu và thành công về môi trường (EcoStar), nhằm hỗ trợ các DN, tổ chức tại Devens đạt được hiệu quả sinh thái thông qua việc xây dựng chiến lược cải thiện kinh tế và môi trường. Chương trình cung cấp các diễn đàn giáo dục, hỗ trợ kỹ thuật, cũng như cơ hội hợp tác giữa các bên nhằm đưa ra những sáng kiến ​​BVMT như giảm chất thải và hóa chất, sử dụng nước, năng lượng hiệu quả, tái chế chất thải, thương mại hóa sản phẩm thân thiện với môi trường. Đặc biệt, Ecostar cũng chia sẻ thông tin về lợi ích và tính khả thi của việc cộng sinh công nghiệp, hoặc phát triển KCNST. Tham gia Chương trình EcoStar, các DN, tổ chức phải cam kết cải thiện môi trường và thúc đẩy quan hệ đối tác để làm giải quyết được 3 vấn đề môi trường, kinh tế, xã hội. Trong các năm 2003 - 2004, BCĐ tiếp tục phát triển EcoStar, theo các khái niệm về sinh thái công nghiệp và EcoStar sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa các DN để cải thiện hiệu quả tài nguyên, BVMT. Qua đó, các DN trong KCNST sẽ cùng làm việc để chia sẻ thông tin, kiến ​​thức và nguồn lực để tối ưu hóa hiệu quả tài nguyên, cũng như giảm thiểu tác động tới môi trường.

     Từ khi ra mắt EcoStar, DEC đã tổ chức nhiều hội thảo để nâng cao nhận thức cho các DN và tổ chức, cộng đồng, giúp họ thực hiện các giải pháp hiệu quả về môi trường; đồng thời, hình thành quan hệ đối tác, cùng hành động vì sự ​​phát triển bền vững. Với thành công của Chương trình EcoStar, năm 2007, DEC tiếp tục thành lập Trung tâm Hiệu quả sinh thái Devens, với nhiệm vụ hỗ trợ DN xanh hóa sản xuất; làm cầu nối để gắn kết các DN vì mục tiêu chung là phát triển bền vững. Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động như tổ chức hội thảo, diễn đàn về sức khỏe nghề nghiệp, năng lượng xanh cho các DN; tạo điều kiện để các DN thực hiện trao đổi chất thải trong quá trình sản xuất; tiến hành đánh giá Luật Môi trường đối với các ngành công nghiệp; hỗ trợ DN thực hiện Chương trình hiệu quả năng lượng, tái sử dụng và tái chế chất thải...

     Mặt khác, để thu hút các DN tham gia vào KCNST, DEC đã đưa ra các quy định chặt chẽ về BVMT, tái chế chất thải trong hoạt động xây dựng; Luật và chính sách phân loại thực phẩm; Quy trình chuyển đổi vật liệu… Đồng thời, có chính sách ưu đãi về thuế, chi phí thuê bất động sản hợp lý. Các quy định của DEC buộc các DN phải xanh hóa sản xuất, tham gia vào Ecostar và có chiến lược phát triển bền vững nếu muốn hoạt động tại Devens. Các DN phải xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài với nhau để bảo tồn tài nguyên, loại bỏ chất thải và giảm ô thiểu nhiễm và cam kết cải tiến liên tục các quy trình, công nghệ, đặc biệt là phải bảo vệ tính toàn vẹn sinh thái và đa dạng sinh học của khu vực.

     Trong những năm qua, Devens đã tập trung vào việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường giao thông; cải thiện hệ thống xử lý nước thải; phát triển năng lượng tái tạo; thu hút các DN đầu tư vào KCN; tăng số lượng các công ty hợp tác mua bán, trao đổi thiết bị, hoặc sản phẩm; xây dựng các công trình xanh có chứng nhận LEED; cung cấp nhà ở cho dân cư và gia tăng việc làm có thu nhập cao để thu hút nhân công. Đến nay, Devens đã phát triển thành một KCNST có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ và bền vững, tập trung các công ty đa lĩnh vực, cải thiện hiệu quả năng lượng, tiết kiệm chi phí và đem lại lợi nhuận cho DN. Mô hình KCNST Devens thành công được là nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng hiện đại, các chính sách và chương trình hỗ trợ DN phát triển bền vững, phù hợp với nhu cầu kinh doanh của DN và cuộc sống của cộng đồng dân cư.

 

Nguyễn Thanh Hằng

Viện Sinh thái học miền Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2018)

 

 

 

Ý kiến của bạn