Banner trang chủ

INSEE Ecocycle tiếp tục cùng nông dân BVMT

27/07/2019

     Ngày 24/7/2019, tại UBND xã Trường Long (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ), Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ phối hợp với 50 doanh nghiệp, trong đó có INSEE Ecocycle, tổ chức lễ phát động “Cùng nông dân BVMT” năm 2019 - 2020.

     Chương trình “Cùng nông dân BVMT” đã được triển khai thành công kể từ năm 2012. Trong giai đoạn 1(2012 - 2017), chương trình đã đạt được nhiều thành công trong việc nâng cao ý thức BVMT, hướng dẫn nông dân từ khâu sử dụng nông dược an toàn hiệu quả cho đến khâu tiêu hủy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), được coi là rác thải nguy hại, yêu cầu quy trình xử lý đặc biệt. Ở giai đoạn 2 (2017 - 2022), từ vụ Đông - Xuân năm 2018 - 2019, Chương trình đã mở rộng với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV trên toàn quốc, đặc biệt có sự hỗ trợ của INSEE Ecocyle, một đơn vị hàng đầu về xử lý chất thải nguy hại tại Việt Nam.

 

INSEE Ecocycle cùng tình nguyện viên thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV tại 22 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

 

     Trong 7 năm qua, Chương trình đã vận động bà con nông dân thu gom hơn 60 tấn bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng ngoài đồng ruộng. Lượng rác thải BVTV thu gom từ năm 2017 đến nay được đem tiêu hủy tại Nhà máy xi măng Hòn Chông của INSEE Việt Nam tại tỉnh Kiên Giang bằng công nghệ đồng xử lý, tránh tình trạng chôn lấp và giảm phát thải ra môi trường.

     Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV, Trưởng Ban Điều hành Chương trình cho biết, “Năm nay chương trình sẽ tiến hành thu gom 2 đợt. 6 tháng đầu năm 2019, chương trình đã phát 21.500 bao chứa chuyên dụng, xây thêm 105 hố chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, tổ chức 190 cuộc tập huấn cho hơn 6.000 nông dân trong và ngoài mô hình điểm. Về vật liệu tuyên tryền, các địa phương đã phát gần 6.700 tờ rơi và dán trên 300 poster  thông  tin về chương trình tại các địa điểm tập huấn. Trong đọt thu gom bao bì thuốc BVTV các loại đã qua sử dụng từ ngày 22 - 27/7/2019, khoảng 15,7 tấn bao bì đã được vận chuyển về nhà máy tiêu hủy an toàn, không ảnh hưởng đến môi trường. Đợt 2, sẽ tiến hành vào cuối năm”.

 

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV, phát biểu tại lễ ra quân

 

     Thay mặt các đơn vị tài trợ, Ông Bruno Fux, Giám đốc Ecocycle và Phát triển Bền vững của INSEE Việt Nam chia sẻ: “Cùng nông dân BVMT là Chương trình ý nghĩa không chỉ đối với người dân mà còn là sáng kiến nhằm BVMT, tạo môi trường sống tốt hơn cho những vùng quê Việt Nam. INSEE Ecocycle rất vinh dự được đồng hành cùng hơn 50 nhà tài trợ khác để triển khai Chương trình tại 22 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

 

Ông Bruno Fux, Giám đốc Ecocycle và Phát triển Bền vững của INSEE Việt Nam phát biểu tại Lễ phát động

 

     Chương trình “Cùng nông dân BVMT” là một trong nhiều Chương trình INSEE tham gia và tổ chức hướng tới một Việt Nam Xanh - Sạch - Đẹp hơn. Là một nhà đầu tư lâu dài tại Việt Nam, INSEE luôn đặt Chiến lược Phát triển Bền vững là trọng tâm trong mọi hoạt động kinh doanh nhằm cân bằng ba yếu tố Thịnh vượng - Hành tinh - Con người, theo triết lý thương hiệu “Vững xây cuộc sống”. Mỗi năm, Công ty đầu tư từ 400 - 600 triệu cho các Chương trình, hoạt động BVMT.

 

Sơn Tùng

 

Thông tin về INSEE Eccycle:

     Ecocycle Việt Nam là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực xử lý chất thải với hơn 10 năm kinh nghiệm. Bằng công nghệ Đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng, Ecocycle Việt Nam cam kết xử lý chất thải triệt để, kể cả những loại chất thải độc hại, không để lại tro thải và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Công nghệ Đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng của Ecocycle được nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững, công ước Basel, Hiệp hội xi măng Châu Âu công nhận là công nghệ xử lý chất thải an toàn, thân thiện với môi trường và khuyến khích áp dụng.

     Kể từ khi thành lập, Ecocycle Việt Nam đã xử lý an toàn hơn 1.200.000 tấn chất thải nguy hại và không nguy hại, giảm thiểu hơn 1,000,000 tấn khí thải nhà kính. Ecocycle cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam xử lý PCB thuộc danh mục các chất thải nguy hại cần xử lý hoàn toàn đến năm 2028 của Việt Nam và thế giới; cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam xử lý thành công HCFCs - chất khí gây thủng tầng ozone.

 

Ý kiến của bạn