Banner trang chủ

Holcim Việt Nam chung tay cùng đồng bào vùng cao

14/12/2015

   Nậm Pung là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát - tỉnh Lào Cai, 100% là đồng bào dân tộc Dao và Hà Nhì cùng sinh sống. Với thời tiết khắc nghiệt và mùa khô hạn kéo dài, người dân huyện Bát Xát thường xuyên phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, an toàn. Hơn nữa, địa bàn này thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở, làm hư hỏng, xuống cấp các công trình cấp nước đã được đầu tư.

Hệ thống bơm va

   Trước tình trạng đó, Công ty Holcim Việt Nam đã triển khai thực hiện Dự án “Nghiên cứu, ứng dụng, chế tạo bơm va cấp nước cho vùng nông thôn, biên giới, hải đảo” ở trường Tiểu học và trường Mầm non xã Nậm Pung tại bản Kin Chu Phìn 2, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Đây là Dự án đoạt giải Ứng dụng - giải thưởng cao nhất của cuộc thi Holcim Prize 2014. Dự án do nhóm sinh viên Trịnh Xuân Thành và Bùi Văn Liệu, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội khởi công thực hiện từ tháng 1/2015 với sự tư vấn, hợp tác của Holcim Việt Nam và sự giúp đỡ từ chính quyền, người dân địa phương.

   Bơm va hay còn gọi là bơm ram (là thiết bị lợi dụng năng lượng của dòng nước để đưa nước từ nguồn suối lên vùng đồi cao, phục vụ nước tưới và nước sinh hoạt) đã có từ lâu trên thế giới với nhiều cấu tạo khác nhau nhưng chủ yếu vẫn trên nguyên lý nước va. Bơm không dùng nguồn năng lượng như điện hay ga, giúp tiết kiệm năng lượng. Bơm va vận hành dựa trên nguyên lý hiệu ứng nước va. Dòng nước qua đường ống vào bị chặn đột ngột bởi một chi tiết đặc biệt (van va đập) sinh ra áp lực nước va rất lớn. Bơm va được chế tạo để lợi dụng áp lực này đưa nước lên qua ống đẩy với chiều cao cột nước gấp 10 lần cột nước làm việc của bơm. Bơm va có thể bơm lên độ cao 80 m và cung cấp lượng nước đến 2,5 m3/h. Bơm va được chế tạo để hiệu ứng nước va xảy ra liên tục, có chu kỳ và nước được bơm lên suốt ngày đêm.

   Đây là Dự án mới, cấu tạo đơn giản, dễ lắp đặt và có khả năng ứng dụng rộng rãi, đặc biệt tại các vùng nông thôn giúp giảm chi phí sinh hoạt và sản xuất. Việc ứng dụng thành công Dự án tại trường Tiểu học và trường Mầm non xã Nậm Pung mở ra hướng phát triển bền vững mới cho người dân nơi đây. Dự án không chỉ góp phần cung cấp nước sạch cho hai trường mà còn cung cấp cho hơn 200 hộ dân sống trong khu vực này.

   Ông Nguyễn Công Minh Bảo - Giám đốc Phát triển Bền vững Công ty Holcim Việt Nam cho biết, Holcim Prize là một trong những hoạt động đồng hành với sự phát triển của thế hệ trẻ, thể hiện cam kết xã hội mà Holcim thực hiện trong Chiến lược phát triển bền vững của Công ty. Dự án được hoàn thành đúng tiến độ và mang lại lợi ích cho người dân địa phương, thể hiện sự nỗ lực của nhóm Dự án. Hy vọng, Dự án sẽ phát huy được ưu điểm và phục vụ hiệu quả cho người dân.

   Đại diện nhóm thực hiện Dự án, sinh viên Bùi Văn Liệu cho rằng, việc triển khai thành công Dự án vào thực tế là một niềm tự hào và vinh dự lớn của nhóm. Đây cũng là đề tài nhóm ấp ủ từ lâu và dành nhiều công sức để nghiên cứu và phát triển. Nhóm rất vui khi được đóng góp sức mình để giúp đỡ người dân vùng cao cải thiện cuộc sống và điều kiện sinh hoạt. Quá trình thực hiện Dự án đã mang lại những trải nghiệm giá trị giúp bản thân hoàn thiện và trưởng thành hơn.

   Đến nay, Dự án đã chính thức được hoàn thành và chuyển giao cho địa phương, dự kiến, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới. Song song với đó, vừa qua, vòng chung kết Giải thưởng Holcim Prize 2015 đã diễn ra tại trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Đề tài Tận dụng nhiệt thải từ lò để sấy bánh tráng của nhóm sinh viên trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng đã đoạt giải Ứng dụng cuộc thi Holcim Prize 2015 với giải thưởng 70 triệu đồng và được Holcim Việt Nam hỗ trợ tối đa 200 triệu để triển khai ứng dụng thí điểm thực tế. Đây chính là điểm tạo nên sự khác biệt của cuộc thi Holcim Prize với các cuộc thi nghiên cứu khoa học khác.

Vũ Nhung

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11 - 2015)

Ý kiến của bạn