Banner trang chủ

Hợp tác xã môi trường và dịch vụ thương mại Thành Vinh: Mô hình xã hội hóa thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải hiệu quả

04/04/2017

   Thành lập năm 2008 theo Luật Hợp tác xã (HTX), với ngành nghề kinh doanh chính là thu gom, vận chuyển rác thải, dịch vụ vệ sinh môi trường. Trải qua 9 năm hình thành và phát triển, HTX Môi trường và Dịch vụ thương mại Thành Vinh (quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng) luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu gom rác thải, làm đẹp cảnh quan đường phố.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Đoàn Thị Mơ giới thiệu mô hình thử nghiệm ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt

   Là đơn vị đầu tiên của TP. Hải Phòng thực hiện chủ trương xã hội hóa thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Đoàn Thị Mơ cho biết, thời điểm đầu đi vào hoạt động, ý thức người dân chưa cao, thói quen tùy tiện, vứt rác bừa bãi còn phổ biến, Ban Lãnh đạo HTX cùng các thành viên đã nỗ lực đến từng hộ tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được lợi ích hoạt động của HTX. Từ đó, người dân đồng tình ủng hộ, thay đổi thói quen, có ý thức hơn trong giữ gìn vệ sinh môi trường. Do phải tự chủ về tài chính nên HTX đã vay mượn để đầu tư 3 tỷ đồng mua 2 xe ô tô chuyên dùng, 60 xe gom rác, dụng cụ thu gom và trang bị bảo hộ lao động cho 40 công nhân. Hàng ngày, HTX thu gom, vận chuyển gần 70 tấn rác thải về bãi xử lý của TP. Từ ngày thành lập đến nay, cảnh quan đường làng, ngõ xóm trên địa bàn HTX quản lý đều sạch đẹp hơn trước, không còn tình trạng tồn đọng rác thải qua đêm tại khu dân cư.

   Những nỗ lực của Ban Lãnh đạo HTX và các thành viên trong 9 năm qua đã giải quyết việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm quyền lợi cho hàng trăm lao động địa phương. Được sự tin tưởng của địa phương, HTX được giao làm chủ đầu tư thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng”. Dự án có công suất 5 - 10 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng hỗ trợ 36% kinh phí cho công tác tuyên truyền, tập huấn, truyền thông; cung cấp thiết bị phục vụ phân loại, sản xuất áp dụng công nghệ mới. UBND TP và huyện Kiến Thụy hỗ trợ 45% kinh phí thông qua việc cấp đất cho Dự án, hỗ trợ lắp điện, nước, còn lại là vốn đối ứng của chủ đầu tư (1,5 tỷ đồng). Mục tiêu của Dự án là phân loại, thu gom, vận chuyển CTR đầu nguồn triệt để; quản lý CTR theo phương thức 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) và xử lý tổng hợp CTR theo hai nhóm công nghệ: Một là xử lý CTR hữu cơ công nghệ compost, thực hiện theo liên doanh giữa HTX với Công ty Nishihara (Nhật Bản), theo Chương trình hợp tác giữa TP. Hải Phòng và TP.Kitakyushu. Hai là công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, thiêu đốt đối với CTR còn lại.

   Theo bà Đoàn Thị Mơ, Dự án trang bị 7.161 thùng phân loại CTR tận hộ dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Mỗi hộ sẽ nhận 3 thùng phân loại rác, trong đó 1 thùng chứa CTR có thể tái chế, tái sử dụng (gồm vỏ hộp, chai lọ, túi - chai nhựa, giấy báo…); 1 thùng chứa CTR hữu cơ (gồm rau, củ, quả, thức ăn thừa…) và 1 thùng chứa CTR vô cơ (thủy tinh, kim loại…). CTR hữu cơ sẽ được thu gom hàng ngày, trong khi các chất thải còn lại sẽ thu gom 2 - 3 lần/tuần. Rác được thu gom về điểm trung chuyển bằng xe thu gom. HTX thỏa thuận giá thu mua CTR có thể tái chế, tái sử dụng, đồng thời thu gom, vận chuyển CTR được phân loại đến khu xử lý tổng hợp. Tại đây, rác hữu cơ được ủ vi sinh 1 tháng, xử lý thành phân compost, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, không phát sinh nước thải. Số còn lại được chôn lấp hoặc thiêu đốt hợp vệ sinh theo quy chuẩn.

   Đánh giá hiệu quả Dự án, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, đây là một trong những địa phương nông thôn đầu tiên ở Hải Phòng triển khai phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý tổng hợp CTR đầu nguồn triệt để (3R) theo phương thức xã hội hóa nhằm bảo đảm phát triển môi trường bền vững. Người dân xã Tú Sơn được các chuyên gia của Bộ Xây dựng và Nhật Bản giới thiệu về tình hình rác thải, những khó khăn, bất cập trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt ở xã nói riêng và các vùng nông thôn cả nước nói chung; những tác động của ô nhiễm môi trường do rác thải đến sức khỏe và đời sống người dân. Đồng thời, họ được hiểu thêm những chủ trương, chính sách của Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích việc xử lý rác thải nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới; tính ưu việt, hiệu quả của việc phân loại, thu gom, vận chuyển CTR đầu nguồn triệt để, quản lý CTR theo phương thức 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng)… Tuy nhiên, để Dự án đạt hiệu quả cao, cần duy trì công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân có ý thức trong phân loại rác đầu nguồn; hiệu quả của Dự án đối với đời sống hàng ngày của gia đình, để từ đó tự nguyện thực hiện như một quy định trong hương ước làng, xã, cùng chung tay BVMTn

                Phạm Hồng Dương

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

Ý kiến của bạn