02/04/2020
Trước tình trạng tiêu thụ sản phẩm nhựa ngày càng gia tăng, gây tác động tiêu cực tới môi trường, phát triển kinh tế và sức khỏe con người ở Việt Nam, mới đây, Bộ TN&MT và 3 doanh nghiệp (DN): Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam), Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong quản lý RTN nhằm chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa (RTN) trên quy mô toàn quốc. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, cũng như những đóng góp của DN để giải quyết vấn đề RTN tại Việt Nam, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam.
Ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam
PV: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng gia tăng RTN tại Việt Nam hiện nay?
Ông Ekkasit Lakkananithiphan: Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có lượng RTN tương đối lớn, trong đó các khu vực đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ước tính có khoảng 80 tấn RTN được thải ra môi trường mỗi ngày. Tính riêng các loại túi ni lông, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ túi, trong đó chỉ khoảng 17% được tái sử dụng, còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Chỉ số sản phẩm nhựa trên đầu người đã tăng hơn 10 lần, từ 3,8 kg/người năm 1990 lên đến 41 kg/người/ năm năm 2019. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.
Cùng với đó, lĩnh vực tái chế RTN của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn thấp như TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 250.000 tấn RTN được tạo; trong đó, 48.000 tấn được chôn trong các bãi chôn lấp (đa số là nhựa có giá trị thấp) chiếm 19,2%; còn lại hơn 200.000 tấn RTN được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên, công nghệ tái chế nhựa đã lạc hậu, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động tái chế RTN chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các DN nhỏ nên hiệu quả thấp. Trong khi đó, thói quen sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần của người dân ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại RTN, đặc biệt là ni lông tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý RTN thêm khó khăn.
Nhận thức rõ vấn đề này, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền KTTH, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của RTN cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam cũng tích cực tham gia, chung tay cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm họa của ô nhiễm RTN tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canađa; kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu tổ chức tại TP. Đà Nẵng (năm 2018); Hội nghị thường niên lần thứ 50 của Diễn đàn Kinh tế thế giới diễn ra tại Đa-vốt, Thụy Sĩ (WEF Davos). Tại Hội nghị WEF Davos, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có hành động hiệu quả, quyết liệt giải quyết vấn đề RTN.
PV: Trong thời gian qua, Dow Việt Nam đã triển khai những hoạt động gì để thúc đẩy KTTH, phát triển bền vững tại Việt Nam?
Ông Ekkasit Lakkananithiphan: Tại Việt Nam, Dow đã triển khai nhiều dự án nhằm tối đa hóa các giá trị cho xã hội, môi trường và kinh tế, từ đó cải thiện đời sống con người, cụ thể như: Dự án đưa ra giải pháp KTTH, tái chế RTN sinh hoạt thành nguồn tài nguyên mới, có giá trị. Dow đang phát triển các ứng dụng mới cho RTN sinh hoạt để thúc đẩy nền KTTH, tạo giá trị cho nhựa và giảm thiểu rác thải ra môi trường. Dự án có sự tham gia và đồng hành của chính quyền địa phương, các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà cung cấp asphalt, đơn vị thu gom rác thải và ngành khoa học vật liệu cùng phối hợp với nhau để giải quyết vấn đề về RTN tại Việt Nam. Mặt khác, Dow Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương, các trường đại học, khách hàng và đối tác liên quan triển khai chiến dịch dọn sạch bờ biển tại TP. Vũng Tàu, với hơn 450 người tham gia. Chiến dịch đã khuyến khích người tham gia cùng gia đình, bạn bè của họ cũng như cả cộng đồng nâng cao ý thức BVMT, tích cực thu gom, phân loại và giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác công tư xây dựng KTTH trong quản lý RTN
Đồng thời, Dow Việt Nam đã tổ chức Chương trình giáo dục thực hành STEM (là chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Chương trình đã hỗ trợ, truyền cảm hứng cho sinh viên về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Hàng nghìn sinh viên từ 6 trường đại học công nghệ hàng đầu tại Việt Nam đã có cơ hội sử dụng kiến thức chuyên môn, ý tưởng đổi mới sáng tạo để giải quyết các thách thức của cộng đồng như nâng cao phúc lợi cộng đồng, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Đặc biệt, Dow đã phối hợp với Hội hóa học Việt Nam tổ chức 17 chuyến đi thực địa cho hơn 700 sinh viên chuyên ngành hóa học đến tham quan các cơ sở nhà máy hóa chất hiện đại tại Việt Nam để các em sinh viên có kiến thức thực tế và định hướng nghề nghiệp trong tương lai…
PV: Ông có thể cho biết nội dung và các hoạt động của Hợp tác công tư xây dựng KTTH trong quản lý RTN mà Bộ TN&MT và Dow Việt Nam, Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã ký kết?
Ông Ekkasit Lakkananithiphan: Trước thực trạng gia tăng của việc tiêu thụ sản phẩm nhựa và tác động tiêu cực tới môi trường, phát triển kinh tế và sức khỏe con người, Bộ TN&MT và 3 DN: Dow Việt Nam, Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã tiên phong đề xuất sáng kiến Hợp tác công tư xây dựng KTTH trong quản lý RTN nhằm chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề RTN trên quy mô toàn quốc. Trọng tâm của Hợp tác công tư lần này xoay quanh 4 nội dung: Nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu RTN và phân loại rác tại nguồn; Hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và tái chế RTN; Đổi mới công nghệ và giải pháp tái chế rác thải nhựa; Tăng cường đối thoại và xây dựng chính sách hỗ trợ KTTH trong quản lý RTN tại Việt Nam.
Hợp tác công tư sẽ tập trung vào vấn đề xử lý các loại RTN khó thu gom hiện nay như bao bì nhựa sử dụng một lần. Đây là lần đầu tiên một Hợp tác công tư được ký kết nhằm giải quyết vấn đề quốc gia về quản lý RTN. Hợp tác lần này không chỉ giới hạn trong 3 DN tiên phong ký kết mà còn kêu gọi sự tham gia rộng rãi của các DN có trách nhiệm khác trong và ngoài nước cùng chung tay giải quyết vấn đề RTN tại Việt Nam.
PV: Trong thời gian tới, Dow Việt Nam sẽ triển khai những hoạt động gì để thực hiện nội dung trong biên bản ghi nhớ Hợp tác công tư xây dựng KTTH trong quản lý RTN?
Ông Ekkasit Lakkananithiphan: Sự kiện ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa khu vực công và tư lần này hứa hẹn đem đến nhiều thay đổi tích cực cho môi trường tự nhiên và tạo động lực phát triển nền KTTH, phát triển bền vững tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Dow cùng các bên ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác công tư sẽ nhóm họp để thảo luận, triển khai các dự án và hợp tác trong 4 nội dung đã ký kết. Đồng thời, tổ chức hội thảo giới thiệu mô hình hợp tác công tư này với các đối tác khác như: Tổ chức phi chính phủ, công ty có cam kết phát triển bền vững, tổ chức về môi trường và phát triển bền vững để cùng tham gia mô hình Hợp tác công tư, chung tay giải quyết vấn đề RTN tại Việt Nam một cách hiệu quả, đồng bộ hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Vũ Nhung (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2020)