Banner trang chủ

Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019

20/09/2019

    Ngày 12/9/2019, tại Hà Nội, Hội đồng Quốc gia PTBV và Nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (PTBV) Việt Nam (VBCSD-VCCI), Ngân hàng Thế giới và các Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc về PTBV năm 2019, với chủ đề “Vì một thập niên PTBV hơn”. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, với sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Bộ/ngành, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, đại sứ quán, tổ chức quốc tế, cũng như cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.  

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 

    Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, PTBV vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội; nếu không phát triển nhanh thì sẽ tụt hậu so với thế giới nhưng phải PTBV. Trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy PTBV và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng cao. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu để Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV là trọng tâm, nội dung xuyên suốt trong Chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 với kế hoạch, các nhiệm vụ cụ thể. Cần tăng tốc quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế, đổi mới công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nghèo, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững...

   Thủ tướng cũng biểu dương các biện pháp quyết liệt của nhiều địa phương. Cụ thể là TP. Hà Nội với chương trình trồng mới một triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2018 và trồng thêm 600 nghìn cây xanh nữa đến năm 2020, giao chỉ tiêu trồng cây xanh tới từng quận, huyện của thành phố; tỉnh Quảng Ninh thực hiện chấm dứt sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần ở vịnh Hạ Long. Ở Cù Lao Chàm, Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã 10 năm không sử dụng túi ni lông. Đồng thời, Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, hay là Chuỗi siêu thị Saigon Co.op cơ bản không sử dụng túi ni lông trong tiêu dùng. Chỉ có những sáng kiến và hành động cụ thể như vậy mới biến các chủ trương, mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững thành hiện thực.

    Tại Hội nghị, đại biểu đã được lắng nghe báo cáo về lồng ghép các Mục tiêu PTBV (SDGs) trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân và tăng cường quan hệ đối tác công - tư; xây dựng nguồn vốn con người, thúc đẩy đột phá khoa học công nghệ; triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong thập niên tới, cũng như vai trò của văn hóa trong PTBV từ đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Thế giới…

   Đề cập đến nền KTTH, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, KTTH là một xu hướng PTBV đạt được cả 2 mục tiêu: Ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên và tình trạng ô nhiễm môi trường. Để thúc đẩy KTTH, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho việc hình thành, phát triển các mô hình KTTH. Doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Vai trò kiến tạo của Nhà nước thể hiện trong việc tạo ra một môi trường để KTTH phát triển. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục thực hiện các nội dung khác của KTTH như khuyến khích năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hoàn thiện và phát triển các mô hình KTTH đã có tại Việt Nam…

    Ngoài ra, các đại biểu đã tập trung thảo luận và chia sẻ các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm phát triển nguồn vốn con người, xây dựng một nền kinh tế phi phát thải và thúc đẩy các mô hình kinh tế bền vững, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân. Những giải pháp này sẽ là đầu vào giá trị, đóng góp tích cực trong nội dung xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn và chính sách mới, để đưa đất nước bước vào một thập niên PTBV hơn.

 

Hội nghị toàn quốc về PTBV năm 2019

 

    Trước đó, trong khuôn khổ phiên buổi sáng đã diễn ra đồng thời ba hội thảo chuyên đề xoay quanh các nội dung đang nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay: Phát triển nền KTTH trong thập kỷ 2020 - 2030: Mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt và sự cải biến trong nguyên lý thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu; Quan hệ đối tác công - tư: Nhu cầu thực tiễn và định hướng chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và PTBV; Nguồn vốn nhân lực: Chỉ số Vốn Con người, vai trò lãnh đạo bền vững và điều phối cấp Nhà nước trong dài hạn.

 

Vũ Nhung

Ý kiến của bạn