13/09/2016
Hiện nay, tình trạng chất thải chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường đã và đang trở thành vấn đề cấp bách trong công tác BVMT. Để giảm thiểu tình trạng này, nhiều nước trên thế giới đã chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) nhằm giải quyết hài hòa giữa lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội cho các doanh nghiệp. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc Công ty Dow tại Việt Nam Sasama Tomoyuki về vấn đề này.
Tổng Giám đốc Công ty Dow tại Việt Nam |
KTTH là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam, ông có thể cho biết đôi nét về nền KTTH?
Ông Sasama Tomoyuki: Thực tế cho thấy, nguồn tài nguyên thiên nhiên trên hành tinh ngày càng trở nên khan hiếm và cạn kiệt. Do đó, chúng ta cần phải thay đổi hành vi và chuyển đổi sang mô hình tiêu dùng bền vững hơn.
Công ty Dow là doanh nghiệp (DN) tiên phong trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH mà trong đó các hoạt động tái thiết kế, tái chế, tái sử dụng và tái sản xuất được thực hiện với mục tiêu kéo dài tuổi thọ và giá trị của vật chất. Do vậy, các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nền KTTH được bảo tồn và tận dụng. Áp dụng các nguyên tắc của nền KTTH sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng và tái sử dụng các nguồn lực, đồng thời giảm lượng chất thải.
Tóm lại, khái niệm KTTH được hiểu như sau: “Trước đây, người ta bắt đầu sử dụng hàng hóa và kết thúc quá trình sử dụng là chất thải. Nhưng hiện nay, người ta bắt đầu sử dụng hàng hóa và đó là khởi đầu của một quá trình không có điểm kết thúc. Quá trình này chính là nền KTTH, biến hàng hóa sử dụng ngày hôm nay thành nguồn lực sử dụng trong tương lai”.
Một trong những lợi ích lớn nhất khi thúc đẩy nền KTTH là các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, góp phần BVMT và thúc đẩy phát triển bền vững.
Thưa ông, Công ty Dow sẽ tiến hành những hoạt động gì để góp phần triển khai sáng kiến nền KTTH tại Việt Nam?
Ông Sasama Tomoyuki: Công ty Dow là một DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hóa chất. Có thể nói, việc chuyển sang nền KTTH không những góp phần quan trọng đối với quá trình bảo tồn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đất nước mà còn giúp DN hoạt động thành công. Theo Quỹ Ellen MacArthur, đến năm 2025, các chuỗi cung ứng tuần hoàn mà tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và tái sản xuất có thể đem lại lợi nhuận ước tính hơn 1.000 tỷ USD/năm. Đặc biệt, với vị trí tiên phong trong ngành sản xuất vật liệu sử dụng trong công nghiệp, đóng gói bao bì nhựa và các giải pháp về nước sạch, Công ty Dow luôn đi đầu trong hỗ trợ phát triển và thực hiện nền KTTH, có tính đến vòng đời của một sản phẩm - từ hình thành tới sử dụng và đào thải. Do đó, Công ty Dow sẽ thúc đẩy nền KTTH thông qua cung cấp các giải pháp hình thành những chu kỳ tài nguyên khép kín.
Hiện nay, Công ty đang hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức trong ngành công nghiệp phụ trợ cũng như thực hiện các giải pháp lien quan đến nước sạch, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Với vai trò Đồng Chủ tịch của Hội đồng DN vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), Công ty Dow đã tích cực đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua các hoạt động của VBCSD và Diễn đàn DN Phát triển Bền vững Việt Nam, với mục tiêu giúp cộng đồng DN Việt Nam phát triển hoạt động kinh doanh bền vững. Đặc biệt, Công ty Dow cũng đã tài trợ cho Chương trình đào tạo "Sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải", với hơn 2.000 người tham gia trong 3 năm (2013 - 2016).
Hội thảo “Nền KTTH: Hướng tiếp cận mới nâng cao sức cạnh tranh, giảm chất thải ra môi trường” do VCCI phối hợp với Công ty Dow tổ chức tại Hà Nội |
Ông có thể cho biết một số mô hình, sáng kiến nền KTTH mà Công ty Dow đã triển khai thành công trên thế giới?
Ông Sasama Tomoyuki: Công ty Dow đã đạt được những bước tiến lớn trong quá trình chuyển đổi sang nền KTTH trên thế giới. Công ty có những sáng kiến và công nghệ hiệu quả chuyển đổi sản phẩm vốn được xem là “chất thải” thành các sản phẩm và dịch vụ mới. Đặc biệt, thông qua Chương trình thí điểm “Túi năng lượng” ở TP. Citrus Heights, bang California (Mỹ), Công ty Dow đã giúp chuyển đổi nhựa thải (túi nước trái cây, giấy gói kẹo và đồ chứa thức ăn bằng nhựa) thành 512 gallon (tương đương 1.945 lít) nhiên liệu.
Bên cạnh đó, Công ty Dow tại Hà Lan đã giúp tái sử dụng 30.000 m3 nước thải đô thị mỗi ngày để sản xuất hơi nước tại Terneuzen, tương đương với việc giảm 60.000 tấn khí thải các bon dioxit mỗi năm. Công ty Dow mong muốn, chấm dứt hoàn toàn sự lệ thuộc vào nguồn nước ngọt tại Terneuzen vào năm 2020.
Mặt khác, hệ thống Safechem của Công ty Dow được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công nhận là sáng kiến đổi mới môi trường, một giải pháp làm sạch khép kín giúp giảm tới 98% các dung môi cần thiết trong giải pháp làm sạch bề mặt kim loại cao và giặt khô.
Thời gian tới, Công ty có kế hoạch gì để giúp các DN Việt Nam áp dụng mô hình nền KTTH?
Ông Sasama Tomoyuki: Rõ ràng, quá trình chuyển đổi sang nền KTTH là cần thiết đối với xã hội để tiến tới tiêu thụ bền vững. Hiện Công ty Dow đang đi đầu trong kế hoạch thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2025. Trong đó, Công ty sẽ hợp tác với các DN, tổ chức phi lợi nhuận và các nước thực hiện 9 dự án nhằm cung cấp giải pháp và kế hoạch thực hiện nguyên tắc của KTTH trong vòng 10 năm tới…
Đối với Việt Nam, sau khi tổ chức hai Hội thảo về KTTH, Công ty Dow sẽ tiếp tục hỗ trợ tổ chức hội thảo tái chế các sản phẩm nhựa tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh/TP khác nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tái chế sản phẩm nhựa và thúc đẩy 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế) tại Việt Nam.
Để thúc đẩy KTTH phát triển, cần có sự đồng thuận, chuyển biến nhận thức của Nhà nước, nhân dân và cộng đồng DN, đặc biệt, cần công nghệ hiện đại và quá trình đổi mới nhằm tái sử dụng các nguồn lực hiệu quả cho môi trường và năng lực cạnh tranh của DN. Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê Việt Nam, hơn 95% DN Việt Nam là DN nhỏ, thiếu nguồn vốn, nhân lực và hạn chế về khả năng đổi mới để áp dụng nguyên lý của nền KTTH.
Đáng chú ý là các sản phẩm của Công ty Dow là nguyên liệu đầu vào thiết yếu đối với nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Là đối tác quan trọng của Việt Nam, Công ty Dow luôn nỗ lực nâng cao giá trị cho hầu hết các ngành công nghiệp sản xuất tiên tiến. Với kinh nghiệm, năng lực và giải pháp sáng tạo, Công ty Dow sẽ giúp giải quyết những thách thức tại các địa phương về năng lượng, điển hình là các tòa nhà và vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu bán dẫn, các thiết bị điện tử tiên tiến, các ứng dụng bao bì thực phẩm và chất dẻo. Công ty Dow cam kết là “đối tác tăng trưởng kinh tế, thành viên chăm lo cho cộng đồng Việt Nam”.
Xin cảm ơn ông!
Vũ Nhung (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2016)