17/02/2017
Một trong những nội dung của Thông tư số 36/2016/TT-BCT, thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương (BCT) về dán nhãn năng lượng (NNL) quy định, sau khi nộp hồ sơ đăng ký dán NNL đến BCT, doanh nghiệp (DN) được tự thực hiện việc dán NNL phù hợp với thông tin trong Giấy công bố dán NNL cho sản phẩm đã đăng ký.
Theo Thông tư số 07/2012/TT-BCT, để được dán NNL và chứng nhận tiêu thụ hiệu suất năng lượng tối thiểu, các nhà sản xuất hay các công ty nhập khẩu phải có mẫu hàng hóa được kiểm tra bởi đơn vị do BCT chỉ định. Việc kiểm tra có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng, phụ thuộc vào các sản phẩm và khối lượng công việc của những đơn vị kiểm tra, gây khó khăn cho DN khi làm thủ tục dán NNL.
Do đó, sự ra đời của Thông tư số 36/2016/TT-BCT là sự “cởi trói” cho DN thực hiện dán NNL. Thông tư này quy định, trước khi đưa phương tiện, thiết bị ra thị trường, DN sản xuất nhập khẩu phương tiện, thiết bị phải lập 1 bộ hồ sơ đăng ký dán NNL và gửi về BCT. Sau đó, DN sẽ được tự thực hiện việc dán NNL phù hợp với thông tin trong Giấy công bố dán NNL cho sản phẩm đã đăng ký. Tuy nhiên, DN phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực đối với các thông tin đã công bố trong Giấy công bố dán NNL và thông tin hiển thị trên NNL.
Thông tư số 36/2016/TT-BCT cũng cho phép DN sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho các tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm).
Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Tổng cục năng lượng, BCT) Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh, sau khi Thông tư có hiệu lực, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường quản lý hậu kiểm sau khi doanh nghiệp tiến hành dán nhãn và lưu thông trên thị trường.
Nguyệt Minh