Banner trang chủ

Coca-Cola Việt Nam: Thành công song hành với chiến lược phát triển bền vững

01/10/2018

     Phát triển bền vững (PTBV) đã và đang trở thành mục tiêu hướng đến hàng đầu của nhiều nước trên thế giới, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quan trọng đối với việc hiện thực hóa mục tiêu PTBV của quốc gia. Tại Việt Nam, cùng với những nỗ lực vượt bậc trong việc cân bằng giữa hiệu quả kinh doanh với BVMT, Coca-Cola Việt Nam đã ghi dấu ấn, trở thành một trong những DN điển hình trên hành trình PTBV. Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Lê Từ Cẩm Ly - Giám đốc pháp lý và đối ngoại khu vực Đông Dương của Coca-Cola.

     PV: Xin bà cho biết đôi điều về tình hình hoạt động của Coca-Cola Việt Nam và mục tiêu PTBV tại Việt Nam?

     Bà Lê Từ Cẩm Ly: Năm 1886, lần đầu tiên Coca-Cola được giới thiệu ở Atlanta (Mỹ), thu hút sự chú ý của nhiều người bởi hương thơm tuyệt vời và màu sắc hấp dẫn. Thời gian qua đi, hương thơm ấy, màu sắc ấy đã được bảo quản, giữ gìn bởi những con người đang ngày đêm tham gia sản xuất, phân phối và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trên khắp thế giới bằng chính tình cảm cũng như nhiệt huyết họ giành cho Coca-Cola. Nhờ vậy, Coca-Cola đã trở thành nhãn hàng nước giải khát nổi tiếng toàn cầu.

 

Bà Lê Từ Cẩm Ly - Giám đốc pháp lý và đối ngoại khu vực Đông Dương của Coca-Cola

 

      Gần 100 năm sau, vào tháng 2/1994, Coca-Cola đặt chân vào thị trường Việt Nam với số vốn đầu tư 163 triệu USD, sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại với Việt Nam. Coca-Cola nhanh chóng thành lập 3 liên doanh tại 3 miền Việt Nam, miền Bắc là liên doanh giữa Coca-Cola Đông Dương và Công ty Nông nghiệp và thực phẩm Vinafimex (tháng 8/1995); Miền Nam là Coca-Cola Chương Dương; Miền Trung là Coca-Cola Non Nước (tháng 1/1998). Đến tháng 10/1998, Chính phủ cho phép các công ty liên doanh trở thành công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Chính sách này giúp Coca-Cola mua lại phần vốn góp của các đối tác Việt Nam, sở hữu toàn bộ 3 liên doanh, đến năm 2001, chính thức trở thành Công ty 100% vốn nước ngoài, với số vốn đầu tư 350 triệu USD.

      Hiện Coca-Cola Việt Nam tạo ra khoảng 4.000 công việc trực tiếp cũng như gián tiếp tạo số lượng việc làm gấp 6 đến 10 lần từ các hoạt động trong chuỗi cung ứng của mình. Định vị vào nhóm sản phẩm đồ uống không cồn, Coca-Cola Việt Nam đưa ra thị trường nhiều sản phẩm hướng tới nhiều phân khúc, trải dài từ đồ uống có ga như Coca-cola, Sprite, Fanta, cho tới nước tăng lực Samurai, nước thể thao Aquarius và nước khoáng Dasani. Nhờ vậy, doanh thu của Coca-Cola Việt Nam đạt con số hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, dù giá bán mỗi sản phẩm chỉ vài nghìn đồng. Hai năm 2015 và 2016, doanh thu của Coca-Cola Việt Nam đều đạt gần 7.000 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm, mỗi năm đóng thuế thu nhập DN hơn 120 tỷ đồng. 

     Các mục tiêu PTBV của Coca-Cola Việt Nam thời gian qua luôn xuất phát từ nhu cầu bức thiết của địa phương và cộng đồng, từ câu chuyện năng lượng, nước sạch, ứng phó biến đổi khí hậu cho đến sản xuất kinh doanh có trách nhiệm, tạo việc làm và phát triển bình đẳng xã hội, đặc biệt là nâng cao năng lực phụ nữ… Từ “kim chỉ nam” này, Công ty tập trung tạo ra "giá trị chia sẻ" trong 4 trọng tâm chính của chiến lược bền vững của tập đoàn, đó là các yếu tố: nước, phụ nữ, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng, quản lý rác thải nhựa và tái chế. Với nỗ lực của mình, năm 2017, Coca-Cola Việt Nam được vinh danh trong top 4 DN PTBV bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và top 5 các DN có môi trường làm việc tốt nhất bởi Anphabe.

     PV: Coca-Cola đã có những sáng kiến gì trong việc thu gom và tái chế chai hoặc lon sản phẩm mà Công ty bán ra tại Việt Nam?

     Bà Lê Từ Cẩm Ly: Nhận thức được, rác thải nhựa đang là gánh nặng nghiêm trọng đối với môi trường, từ đầu năm 2018, Coca-Cola công bố mục tiêu: Đến năm 2030, mỗi một chai/lon sản phẩm bán ra sẽ được Coca-Cola thu gom trở lại và tái chế thông qua chiến lược: Thiết kế, Thu gom và Hợp tác. Đây là một phần trong kế hoạch toàn diện mà Coca-Cola đang thực hiện với tên gọi "Thế giới không rác thải".

 

Bà Lê Từ Cẩm Ly đại diện cho Coca-Cola Việt Nam nhận giải thưởng DN bền vững năm 2017 do VCCI trao tặng

 

     Các sáng kiến mà Coca-Cola đã và đang triển khai thực hiện tại Việt Nam để cùng hiện thực hóa mục tiêu toàn cầu điển hình như:

     Không xả thải ra thiên nhiên (Zero Waste to Nature), hướng đến 4 mục tiêu: Giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Coca-Cola Việt Nam hiện đang phối hợp với VCCI và các đối tác triển khai thí điểm ở ngành Nhựa trong 5 năm (2018 – 2022). Sau đó, từ những kinh nghiệm của việc triển khai trong ngành Nhựa, Chương trình sẽ tiến tới nhân rộng mô hình với sự tham gia của các DN lớn khác tại các ngành nhôm, thép, xi măng, kính, gỗ, sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, từng bước hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững và xây dựng thị trường nguyên vật liệu tái chế, tái sử dụng chính thức tại Việt Nam.

    Nâng cao nhận thức về tái chế rác thải nhựa (Fostering Creativity For Recycling Awareness) do Coca-Cola Việt nam hợp tác với UNESCO thực hiện. Dự án sẽ bắt đầu thực hiện giai đoạn thử nghiệm tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm và những khu vực xung quanh phố cổ Hội An - TP đã được UNESCO công nhận là Di tích Văn hóa thế giới năm 1999. Các mục tiêu của giai đoạn thử nghiệm bao gồm: Đến năm 2010, hướng đến việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và chuyển nhận thức này thành các hoạt động thu thập, tái sử dụng và tái chế nhựa và các chất thải rắn một cách sáng tạo. Đồng thời, tạo ra mạng lưới thay đổi tiên phong để thu gom và xử lý các chất thải tái chế, gồm hoạt động thảo luận, thực hành thu gom rác tại các cộng đồng địa phương, làm sạch biển, hội thảo giáo dục… Các trung tâm hoạt động cộng đồng EKOCENTER sẽ được sử dụng làm cơ sở để mở rộng chương trình này tại các địa phương sau giai đoạn thử nghiệm tại Hội An.

    PV: Coca-Cola Việt Nam đã có những hành động gì trong tiến trình thực hiện mục tiêu trở thành DN hàng đầu trong việc vận dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo và BVMT?

     Bà Lê Từ Cẩm Ly: Về việc vận dụng hiệu quả nguồn năng lượng, Coca-Cola Việt Nam đặt mục tiêu giảm thiểu tác động tới môi trường và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn bằng những thực tiễn tốt trong sản xuất như: giảm tỉ lệ sử dụng nước, năng lượng, trọng lượng bao bì, sử dụng nhựa tái chế… Đến năm 2020, sẽ giảm 25% ảnh hưởng của dấu chân các bon trong toàn bộ chuỗi giá trị; Giảm tỉ lệ sử dụng nước từ 1.8 lít xuống 1.68 lít nước/lít nước giải khát; Giảm tỉ lệ sử dụng năng lượng từ 0.44 MJ xuống 0.4 MJ/lít nước giải khát; Giảm trọng lượng bao bì (vỏ chai, nắp chai, thân lon, màng co, nhãn mác, thùng carton).

     Bắt nhịp xu hướng chung của thế giới trong câu chuyện về chiến lược PTBV, Coca-Cola Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, nghiên cứu công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để đưa vào vận dụng ở 3 nhà máy của Coca-Cola Việt Nam tại TP Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Mới đây, Coca-Cola Việt Nam lại tiếp tục đầu tư gần 5 triệu đôla Mỹ vào nhà máy Đà Nẵng để mở rộng nhà kho thông minh và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải với công nghệ xử lý vi sinh nước thải bằng phương pháp lọc màng hiện đại (Công nghệ MBR). Cùng với đó, Coca-Cola Việt Nam còn thông qua một loạt các chương trình năng lượng bền vững như sử dụng khí gas tự nhiên và năng lượng sinh khối cho tất cả các nhà máy sản xuất nhằm giảm tiêu thụ năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch, ứng dụng hệ thống năng lượng mặt trời cho quy trình đun nóng nước…

     PV: Được đánh giá là một trong những công ty đa quốc gia PTBV tại Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam đã làm gì để hỗ trợ các DN PTBV?

     Bà Lê Từ Cẩm Ly: Với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau phát triển, Coca-Cola Việt Nam luôn chú trọng hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong việc nâng cao năng lực quản lý, cạnh tranh, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

     Năm 2017, Coca-Cola Việt Nam tiếp tục phối hợp với Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC); Hội đồng DN vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD) thuộc VCCI triển khai Dự án "Hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam PTBV". Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ các DN nhỏ và vừa Việt Nam cải thiện quy trình làm việc; đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh để tiến gần hơn đến chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành đối tác, nhà cung cấp trong hệ sinh thái kinh doanh toàn cầu của Coca-Cola cũng như các tập đoàn đa quốc gia. Sau Dự án, đã có 8 DN tiềm năng trở thành nhà cung cấp cho Coca-Cola.

     Ngoài ra, Coca-Cola Việt Nam cũng đã đầu tư hơn 100.000 USD cho hoạt động hỗ trợ, huấn luyện kỹ năng cho các DN Việt Nam nhằm nâng cao năng lực trong Kỷ nguyên số và Công nghiệp 4.0 bao gồm Chương trình huấn luyện kỹ năng về chuỗi cung ứng, sáng tạo trong thương mại, trách nhiệm xã hội.

     Bên cạnh đó, thông qua hợp tác với Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam đã tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến (E-learning) 5by20 tại các trung tâm EKOCENTER. Qua đó, tiếp cận hàng nghìn học viên nữ để chia sẻ và hỗ trợ tư vấn kinh doanh cũng như cung cấp kiến thức kỹ năng khởi sự, kế hoạch tài chính, góp phần giúp chị em vững tin, sẵn sàng triển khai các hoạt động kinh doanh, cải thiện kinh tế gia đình, phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm.

     Xin cảm ơn bà!

 

Hương Mai (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn