14/11/2017
Từ những thùng đào, thùng đấu bỏ hoang, ông Nguyễn Xuân Hùng ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội - một người làm kinh doanh đã bỏ nghề để đầu tư vào nuôi giun quế, phục vụ chăn nuôi, trồng trọt.
Mô hình nuôi giun quế của ông Hùng đang được nhiều người chú ý bởi giá trị kinh tế và ưu điểm xử lý ô nhiễm môi trường, góp phần giải quyết toàn bộ chất thải của đàn bò sữa, làm trong sạch môi trường sống nơi đây.
Hiệu quả kinh tế cao
Khi được hỏi về động lực để bắt đầu mô hình nuôi giun quế, ông Hùng cho biết, bản thân ông luôn quan niệm, giun là sinh vật bé nhỏ nhưng lại là người bạn lớn của nông nghiệp, của người nông dân. Nuôi giun quế đơn giản, ít tốn kém bởi đây là loại ký sinh trùng đặc biệt, có đời sống thực địa với khả năng sinh sôi nhanh. Đồng thời, nhận thấy địa hình và thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp để giun quế phát triển, năm 2015, ông đã làm đơn đề xuất UBND xã Phù Đổng cho thuê khu đất thùng đào, thùng đấu với diện tích 1,5 ha ở ven quốc lộ 1B, thuộc thôn Phù Đổng 2 để nuôi giun quế, vừa tận nguồn nguyên liệu sẵn có phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình, vừa góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường tại địa phương.
Được sự đồng ý của UBND xã Phù Đổng, ông Hùng bắt tay vào xây dựng nhà xưởng, trong số hơn 1,5 ha đất, ông xây dựng 1.500 m2 nhà xưởng nuôi giun quế, diện tích còn lại ông quy hoạch thành trang trại trồng các cây cảnh, ăn quả, hoa lan chất lượng cao… Từ khi thành lập Hợp tác xã (HTX) Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư, ngoài đọc sách báo, tham khảo các mô hình thực tế, ông thường xuyên lên mạng tìm hiểu thông tin, tham gia diễn đàn nông nghiệp và các cuộc hội thảo để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi giun quế.
Sau gần 3 năm triển khai, mô hình nuôi giun quế của ông bước đầu có hiệu quả. Sản phẩm hiện nay cho thu hoạch là giun quế thành phẩm, giun quế giống và phân sạch từ giun quế. Với giá bán 20.000 đồng/kg sinh khối (giun giống), 100.000 đồng/kg giun thành phẩm, 2.500 đồng/kg phân sạch, trang trại của ông cung cấp giống và phân bón cho nhiều trang trại lớn ở miền Bắc, địa bàn Hà Nội. Ông còn được nhiều nơi mời đến tư vấn xây dựng mô hình và tư vấn về kỹ thuật nuôi giun quế tại các huyện Gia Lâm, Thạch Thất...
Góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường ở địa phương
Nuôi giun quế là mô hình khép kín, tự sản xuất - tự tiêu thụ, kết hợp giữa 3 yếu tố: Khoa học - Môi trường - Kinh tế. Đây được xem là mô hình nghiên cứu sáng tạo, giúp xử lý chất thải nông nghiệp bằng biện pháp sinh học lần đầu tiên được triển khai một cách có quy mô. Theo tính toán, cứ 20 m2 nuôi giun sẽ giải quyết được 450 kg phân bò/tháng.
Khu vực xử lý chất thải trước khi đưa vào làm thức ăn cho giun quế
Ông Trần Xuân Tĩnh - Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết, địa phương nổi tiếng với nghề nuôi bò sữa, hiện có khoảng hơn 800 hộ dân chăn nuôi bò sữa, tổng đàn khoảng 2.000 con. Mỗi ngày đàn bò thải ra gần 20 tấn phân, ngoài một số hộ dân sử dụng làm hầm biogas, hầu hết lượng phân bò được đổ ra ao, hồ, mương, rãnh, thậm chí đổ ra vệ đê, bốc mùi hôi và mất mỹ quan. Không những thế, sau mỗi trận mưa, chất thải chảy vào nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, khi nhận được đề xuất xây dựng mô hình nuôi giun quế của ông Nguyễn Xuân Hùng có thể giải quyết được nguồn chất thải từ bò sữa, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Phù Đổng và huyện Gia Lâm đã đồng ý cho triển khai. Thời gian đầu, khi mô hình mới đi vào hoạt động, để có nguồn thức ăn cho giun quế, mỗi ngày HTX thu gom khoảng 7 - 8 tấn chất thải và khi mô hình đi vào ổn định, mỗi ngày lượng chất thải cần dùng lên tới 12 tấn. Đến nay, số lượng phân bò thải mỗi ngày không đủ phục vụ mô hình.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, hiện đã là Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư chia sẻ, trước đây HTX chỉ thu gom phân bò ở ven đường hoặc các gia đình tự mang đến xử lý, nhưng nay phải trả tiền mua phân bò của các hộ chăn nuôi với giá 2.000 đồng/xô. Tổng cộng mỗi tháng, HTX chi trả khoảng 10 triệu đồng mua phân bò từ các hộ chăn nuôi. Ngoài ra, HTX còn phát xô có nắp đậy cho các hộ chăn nuôi thu gom, vì vậy đường làng, ngõ xóm ở xã Phù Đổng đều sạch sẽ, không còn tình trạng phân đổ dọc đường, nguồn nước kênh mương, ao hồ cũng trong hơn. Hiện HTX đang xây dựng thêm phòng thí nghiệm và chế biến nguyên liệu từ giun quế. Đặc biệt mới đây, ông Hùng đã làm việc với một đối tác của Nhật Bản để nghiên cứu sản xuất mỹ phẩm từ giun quế.
Bên cạnh nhà xưởng nuôi giun quế, ông Hùng quy hoạch khu đất thành vùng trồng các loại cây cảnh, ăn quả, hoa lan cao cấp và sử dụng chính nguồn phân sạch từ giun quế để chăm sóc bởi phân giun quế không có chất hóa học, rất tốt cho môi trường, cây trồng. Phân giun quế cung cấp các chất khoáng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng như đạm, lân, kali, canxi, magic, mangan, đồng, kẽm, coban, borat, sắt… không chỉ kích thích tăng trưởng cây trồng mà còn tăng khả năng duy trì giữ nước trong đất và ngăn ngừa các bệnh về rễ…
Mô hình nuôi giun quế của HTX Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư không phải là mô hình đầu tiên nhưng tính đến thời điểm hiện tại là mô hình thành công nhất. Nuôi giun quế theo chuỗi sản xuất gắn với chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp, phân thải làm thức ăn cho giun đã hạn chế lượng chất thải ra môi trường, cải thiện môi trường nông thôn. Hơn nữa, sử dụng giun làm thức ăn cho vật nuôi là biện pháp hiệu quả hướng tới sản phẩm thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn - xu hướng đang được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn.
Nguyên Hằng