06/03/2019
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội về việc cho phép Công ty CP Xây dựng - Thương mại và Môi trường Hà Nội (Công ty Hactra) triển khai lắp đặt vận hành thử nghiệm thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng hệ thống HJ-1000 của Hàn Quốc tại hồ Kim Liên lớn. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Tất Việt - Tổng Giám đốc Công ty về phương án triển khai lắp đặt và vận hành HJ-1000 trong thời gian tới.
Ông Đỗ Tất Việt - Tổng Giám đốc Công ty Hactra
PV: Vừa qua, Công ty đã được Sở Xây dựng chấp nhận triển khai thí điểm công nghệ xử lý nước tại hồ Hà Nội bằng thiết bị HJ-1000 của Hàn Quốc. Xin ông cho biết mục đích cũng như ý nghĩa của hoạt động này?
Ông Đỗ Tất Việt: Những năm gần đây, Hà Nội đã thử nghiệm nhiều phương pháp xử lý làm sạch nước hồ, tuy nhiên đến nay hiệu quả xử lý vẫn chưa được giải quyết triệt để. Qua thời gian chuẩn bị, được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, thiết bị HJ-1000 sản xuất bởi Công ty MIRAE.,LTD của Hàn Quốc cho hồ Kim Liên lớn và thực hiện kiểm soát hiệu quả xử lý làm sạch nước hồ của HJ-1000 trong khoảng thời gian 12 tháng. Việc thí nghiệm HJ-1000 thành công sẽ mang lại ý nghĩa quan trọng, với công nghệ mới, đầu tư phù hợp và chi phí vận hành thấp, tuổi thọ thiết bị cao... từng bước trả lại môi trường trong sạch cho hồ Hà Nội. Từ việc áp dụng, sử dụng HJ-1000 cho hồ Hà Nội sẽ tiến tới việc nhân rộng sử dụng xử lý ô nhiễm cho các hồ trên cả nước.
PV: Ông đánh giá như thế nào về công nghệ xử lý môi trường của Hàn Quốc nói chung và hệ thống HJ-1000 nói riêng?
Ông Đỗ Tất Việt: Hàn Quốc có nền khoa học tiên tiến và đang không ngừng phát triển. Trách nhiệm BVMT, đặc biệt là bảo vệ nguồn tài nguyên nước được Chính phủ và người dân Hàn Quốc chú trọng và quan tâm. Các công nghệ xử lý nước thải, bảo vệ tài nguyên nước của Hàn Quốc đạt trình độ tiến bộ cao và không ngừng được hoàn thiện.
HJ-1000 là công nghệ mới, áp dụng để ngăn chặn sự phát triển tảo lục và khả năng gây ô nhiễm bởi các chất hữu cơ trong nước hồ. Những năm gần đây, HJ-1000 được áp dụng thành công và ngày càng được áp dụng phổ biến tại các hồ ở Hàn Quốc bởi hiệu quả làm sạch nước hồ cao, có khả năng ngăn chặn tuyệt đối sự phát sinh tảo lục trong nước hồ (nồng độ chất diệp lục bằng 0). Quá trình hoạt động của HJ-1000 không gây tác động xấu đến môi trường sống của các loài thủy sinh có ích trong hồ. Các tấm pin mặt trời và máy phát điện gió được tổ hợp trên HJ-1000 tạo ra năng lượng cho hệ thống hoạt động, không cần nguồn điện thương mại. Theo đó, HJ-1000 hoạt động tự động, quản lý vận hành, bảo trì thay thế các thiết bị đồng bộ, chi phí thấp: Bộ lưu điện (thời gian sử dụng khoảng 3 năm), động cơ một chiều không chổi than (BLDC) (thời gian sử dụng khoảng 5 năm); các bộ phận khác như pin mặt trời, cánh quạt gió, khung dàn và phao nổi… có tuổi thọ từ 20 - 50 năm, ít phải bảo trì.
PV: Xin ông cho biết thời gian lắp đặt, phương án vận hành, công tác quan trắc, đánh giá hiệu quả… được tiến hành như thế nào?
Ông Đỗ Tất Việt: Thời gian lắp đặt 1 bộ HJ-1000 trong 2 ngày và vận hành hoàn toàn tự động, không có sự can thiệp của con người. Trong khi đó, giám sát hoạt động của HJ-1000 thông qua bộ giám sát từ xa, tín hiệu được truyền qua internet. Các chỉ tiêu được hiển thị (cập nhật liên tục) trên máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng: Thời điểm cập nhật; Tốc độ động cơ BLDC; Tốc độ gió; Mức năng lượng dự trữ; Điện áp mặt trời; Nhiệt độ nước; Độ dẫn điện của nước hồ; Độ đục của nước hồ; Nồng độ chất diệp lục (mật độ tảo)…
Sơ đồ cấu tạo HJ-1000
Trước khi vận hành HJ-1000, Công ty Hactra phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cùng các Sở/ngành liên quan lấy mẫu nước quan trắc các chi tiêu ô nhiễm sinh học của nước hồ làm số liệu đánh giá mức độ ô nhiễm. Sau đó, cứ 1 tháng/lần lấy mẫu nước ở hồ (vị trí và thời gian trong ngày tương tự với lần lấy mẫu trước đó) để thực hiện quan trắc, lập bảng so sánh các chỉ tiêu với lần quan trắc trước đó để đánh giá mức độ cải thiện chất lượng nước hồ. Tổng số có 12 lần thực hiện quan trắc trong 1 năm chạy thử nghiệm. Từ các kết quả quan trắc nói trên, các bên liên quan lập báo cáo tổng hợp, đánh giá hiệu quả xử lý nước hồ của HJ-1000, báo cáo UBND TP. Hà Nội.
PV: Có thể nói, 12 năm sau lần thử nghiệm thí điểm công nghệ xử lý nước thải tại nguồn Johkasou (Nhật Bản) tại Khu đô thị Dịch Vọng, Cầu Giấy, lần này Công ty lại bắt tay vào thử nghiệm công nghệ mới. Vậy so với lần trước, cuộc thử nghiệm này có những thuận lợi và khó khăn gì thưa ông?
Ông Đỗ Tất Việt: Năm 2007, Johkasou của Nhật Bản được Công ty RIMTEC - ZEON tài trợ, lần đầu tiên được Công ty Hactra lắp đặt thử nghiệm tại Tòa nhà No6 Khu đô thị Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, với sự phối kết hợp tích cực của Công ty LIDELCO (chủ đầu tư xây dựng Tòa nhà No6) và các doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn của Cục BVMT (nay là Tổng cục Môi trường), công việc lắp đặt thử nghiệm được tiến hành đúng quy trình, thủ tục đơn giản và thành công tốt đẹp.
Hiện nay, việc đề xuất lắp đặt thử nghiệm HJ-1000 được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ chi phí trong khuôn khổ “Dự án Địa phương hóa hệ thống tuần hoàn nước Hybrid tại Việt Nam”. Cuộc thử nghiệm lần này nhận được sự quan tâm tích cực của UBND TP. Hà Nội, mặc dù trước đó, Hà Nội đã thử nghiệm một số loại công nghệ xử lý như sử dụng hóa chất Redoxy-3C kết hợp với máy thổi khí làm công nghệ xử lý cho các hồ…
Hệ thống HJ-1000 được triển khai tại Hàn Quốc
HJ-1000 là thiết bị mới của Hàn Quốc, mặt khác, xử lý nước hồ có sự phân công trách nhiệm của nhiều Sở, ban ngành nên thời gian để TP xem xét và ban hành quyết định cho việc lắp đặt thí điểm HJ-1000 kéo dài. Do đó, Công ty đã phải nhiều lần thông báo để Công ty Mirae xin Chính phủ Hàn Quốc gia hạn thời gian trình giấy phép lắp đặt thử nghiệm HJ-1000.
PV: Để triển khai hiệu quả hoạt động xã hội hóa công tác BVMT, theo ông, Nhà nước cần có chính sách gì để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ xử lý môi trường nói chung và xử lý nước thải nói riêng trong thời gian tới?
Ông Đỗ Tất Việt: Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Do dó, Nhà nước cần có các chính sách cụ thể nhằm kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường. Trước tiên, cần tập trung nguồn lực tài chính cho việc đầu tư các công trình xử lý môi trường, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân có hành động cụ thể để ngăn chặn phát sinh các nguồn gây ô nhiễm, vận động người dân cùng tham gia BVMT…
Đối với công tác xử lý nước thải (XLNT), bên cạnh việc xây dựng các nhà máy XLNT tập trung tại khu vực có điều kiện thu gom như khu đô thị mới, khu công nghiệp… Nhà nước cần có giải pháp triệt để khuyến khích đầu tư XLNT phi tập trung (xử lý phân tán, xử lý tại nguồn) cho các khu vực dân cư trong khu đô thị cũ, khu dân cư tập trung, nhà máy sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp… Theo đó, nước thải phải được xử lý đạt tiêu chuẩn mới cho thải ra môi trường, chảy vào các con sông, hồ chứa… như Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước thải và xử lý nước thải được Chính phủ ban hành ngày 6/8/2014.
Sau 10 năm thử nghiệm, hiện nay, công nghệ XLNT phi tập trung bằng Johkasou (JKS) được nội địa hóa, với thương hiệu JKS đã chứng minh hiệu quả về chi phí đầu tư và chất lượng xử lý. Vì vậy, Nhà nước nên khuyến khích đưa JKS vào áp dụng rộng rãi để XLNT bằng hình thức xử lý phi tập trung, đây là giải pháp phù hợp với thực tế triển khai của Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!
Phạm Đình (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)