Banner trang chủ

Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào Tăng trưởng xanh

21/08/2018

     Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi khí hậu đang có những tác động mạnh mẽ đối với nền kinh tế. Vì vậy, Tăng trưởng xanh (TTX) đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó, doanh nghiệp (DN) đóng vai trò tích cực trong việc lựa chọn TTX. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững (PTBV) Việt Nam (VBCSD).

 

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD

 

PV: Khi tham gia vào quá trình thực thi các quy định về TTX, DN có vai trò cũng như đạt được những lợi ích gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Trước tiên, cần nhận thức rõ rằng, Tăng trưởng xanh đã không còn chỉ là một xu thế, một lựa chọn dành cho những quốc gia phát triển hay những DN lớn. Kể từ sau khi Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự 2030 được thông qua, TTX đã trở thành lựa chọn bắt buộc, có tính chất ràng buộc với các quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam.

    Đối với DN, mỗi hoạt động của DN đều có những tác động nhất định đến mọi mặt của đời sống, cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, nếu coi Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt như “đầu tàu”, thì DN chính là những “bánh tàu” giúp đẩy nhanh và rút ngắn hành trình thực hiện TTX.

     Nói về lợi ích khi DN hướng đến PTBV và TTX, đó chính là cơ hội thị trường trị giá ít nhất 12.000 tỷ USD, tạo ra khoảng 380 triệu việc làm đến năm 2030, mà 90% trong số đó thuộc về châu Á. Hay cụ thể hơn, khi DN theo đuổi mô hình nền kinh tế tuần hoàn - một mô hình kinh tế mới, nơi không còn khái niệm chất thải và mọi nguồn lực đều được tận dụng triệt để, DN sẽ có thể tiếp cận với cơ hội thị trường trị giá đến 4.500 tỷ USD. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, DN cũng có thể đạt được nhiều lợi ích khác như: Giảm thiểu chi phí; nâng cao hiệu quả sản xuất; gia tăng uy tín, hình ảnh, thương hiệu, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp DN dễ dàng thâm nhập và trụ vững trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là điều mà cộng đồng DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ (DNVVN) cần thẩm thấu rõ, để sớm thay đổi tư duy, bắt kịp với xu hướng PTBV của thế giới.

PV: Xin ông cho biết, sau 6 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX, các DN Việt Nam đã có sự thay đổi như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Trong những năm gần đây, cộng đồng DN Việt Nam đã có sự chuyển mình đáng kể, nhận thức về PTBV đã được cải thiện. Bên cạnh các tập đoàn đa quốc gia, những DN lớn như Vinamilk, Traphaco, Bảo Việt, Viettel, TBS Group, Vietcombank… đã nhận thức và vạch định được chiến lược, thẩm thấu các nội hàm, nội dung về PTBV cũng như TTX và triển khai các hoạt động này một cách bài bản. Đơn cử như Traphaco, đây là DN hướng tới giá trị cốt lõi, đi đầu trong quản trị chuỗi giá trị xanh, sáng tạo và ứng dụng các công nghệ và tri thức mới. Traphaco đã tiên phong trong phát triển dược liệu sạch, với Dự án Green Plan thông qua ký hợp đồng trực tiếp với 645 hộ dân, tạo ra được hơn 1.400 việc làm thường xuyên. Thông qua hoạt động này, Traphaco không chỉ tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng, mà còn đảm bảo TTX, BVMT. Hay Vinamilk đã xây dựng Chiến lược PTBV với sự lồng ghép nhiều nội dung liên quan đến sản xuất bền vững hay cải tiến sinh thái.  Vinamilk đã cam kết mạnh mẽ hướng tới những công nghệ sản xuất sạch hơn, ít tiêu hao năng lượng (mục tiêu giảm 3% năng lượng sau 5 năm thực hiện), giảm thiểu khí phát thát nhà kính thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, nước ; kiểm soát và xử lý tốt nguồn phát thải…

     Những DN trên đều là những hội viên tích cực của VBCSD thuộc VCCI. Tôi rất vui mừng khi ngày càng có nhiều DN Việt Nam trở thành hội viên của VBCSD, bởi điều này cho thấy, cộng đồng DN Việt Nam đã có sự quan tâm lớn hơn đến PTBV, TTX. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là hiện nay, cộng đồng DNVVN chiếm đến 98% số lượng các DN, điều này đặt ra một thách thức là sự nhận thức của các DN về PTBV, TTX không đồng đều. Phần lớn các DNVVN còn thờ ơ, đặt mình ngoài xu hướng phát triển này.

PV: Khi thực hiện TTX, DN gặp những khó khăn cũng như thách thức gì?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Rào cản đầu tiên đến từ chính nội tại DN. Như đã đề cập, các DNVVN hiện vẫn có nhận thức hạn chế và chưa đúng về PTBV cũng như TTX, coi đó là chi phí, gánh nặng, chứ không phải là năng suất, năng lực cạnh tranh, là cơ hội kinh doanh cho chính DN. Hành động là kết quả của nhận thức. Với nhận thức đó cộng với nguồn lực còn yếu, rõ ràng DN sẽ không mạnh dạn theo đuổi con đường TTX. Bên cạnh đó, cũng có nhiều rào cản khác đến từ các yếu tố khách quan như: Thể chế chính sách chủ yếu dừng lại ở cấp Trung ương và còn mang tính đơn ngành; Chính sách ban hành còn chậm, không theo kịp mức độ phát triển tiến bộ chung của khoa học, công nghệ; Nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy DN đầu tư vào TTX; Các công cụ tài chính chưa linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu của DN.

     Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Thông tin Vbiz, có 51,3% DN không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 62% DN không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh; 89,3% DN không nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh; 69,5% DN cho rằng chi phí chuyển đổi mô hình sản xuất sang sản xuất sản phẩm sạch rất cao; 50% DN thiếu công nghệ và nhân lực để thực hiện TTX. Những con số này cho thấy, cần phải hành động nhanh và quyết liệt hơn để gỡ khó cho DN, thúc đẩy đông đảo DN tham gia thực hiện TTX.

 

Lễ công bố DN bền vững Việt Nam năm 2017

 

PV: Theo ông, cần có những giải pháp gì để khuyến khích DN trong và ngoài nước đầu tư vào TTX?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Từ những phân tích trên, giải pháp đầu tiên đó chính là cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của DN, đặc biệt là DNVVN. Thay vì coi PTBV, TTX là gánh nặng, là chi phí, cần nhìn nhận đó là năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, hội nhập trong giá trị toàn cầu. Trong 17 Mục tiêu PTBV (SDGs) của Chương trình nghị sự 2030, có 2/3 mục tiêu liên quan đến BVMT, TTX. Do đó, thực hiện 17 SDGs cũng chính là thực hiện TTX. Rõ ràng, không một DN nào có thể cùng một lúc thực hiện được 17 SDG, bởi điều này đòi hỏi một nguồn lực (cả về nhân lực, tài lực, vật lực) khổng lồ. Thay vào đó, các DN nên lựa chọn những mục tiêu thiết thực, phù hợp với năng lực của mình như vấn đề về lao động, giới, sử dụng năng lượng hiệu quả, nguồn nước... để lồng ghép vào chiến lược sản xuất kinh doanh, xây dựng các chiến lược phát triển cho riêng mình.

     Cần nhấn mạnh rằng có nhiều DNVVN hiện chưa chú trọng bước hoạch định chiến lược PTBV, nên dẫn đến việc DN Việt Nam mất nhiều thời gian để có thể bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu, với những đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Do đó, cần khuyến khích các DN sớm thay đổi tư duy, tìm hiểu và áp dụng những công cụ hữu hiệu như Bộ chỉ số DN bền vững (CSI) để trang bị cho mình thêm một “cánh tay”, giúp khoanh vùng những lỗ hổng trong quản trị DN hay xác định sớm những cơ hội kinh doanh tiềm năng.

    Không chỉ dừng lại ở khối DN, chúng ta cũng cần đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội nói chung và người tiêu dùng nói riêng, xây dựng văn hóa tiêu dùng sản phẩm xanh. Khi nhu cầu cho các sản phẩm xanh lớn hơn thì các DN sẽ chủ động thay đổi sang hướng sản xuất xanh. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều thay đổi trên mọi lĩnh vực, thì việc khuyến khích các DN trong và ngoài nước đầu tư vào PTBV, TTX sẽ cần đến sự cải thiện thể chế chính sách và hỗ trợ từ Chính phủ để nâng cao năng lực công nghệ cho DN.

    Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng nhiều biện pháp hỗ trợ các DN, như việc hàng năm VCCI đã phối hợp cùng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ TN&MT... tổ chức xếp hạng các DN PTBV dựa trên Bộ chỉ số CSI với 134 chỉ tiêu cụ thể và các DNVVN có thể tự so sánh mình trên bộ chỉ số này để biết mình đang đứng ở đâu để điều chỉnh, nếu muốn hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu và không bị tụt hậu. Hiện VCCI cũng đang tiếp nhận hồ sơ tham gia của DN trong Chương trình đánh giá, công bố DN bền vững. Thời hạn nhận hồ sơ là ngày 31/8/2018.

    Ngoài ra, VCCI cũng có những nỗ lực giúp DN PTBV như việc thành lập Chương trình Hỗ trợ DN triển khai nền kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu của Chương trình là đề xuất các khuyến nghị về chính sách, giúp tạo điều kiện xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp; giới thiệu những thông lệ tốt của các DN trên thế giới đến cộng đồng DN trong nước và hỗ trợ triển khai những sáng kiến dựa trên mô hình hợp tác công - tư. Tất cả cùng cộng hưởng để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của DN trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư, cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá hàng nghìn tỷ USD do kinh tế tuần hoàn mang lại và sớm hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về TTX.

    Khi càng có nhiều DN bước lên “con tàu” PTBV, TTX thì năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN Việt Nam sẽ càng được nâng cao và qua đó DN Việt Nam sẽ trụ vững và vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Nhung (Thực hiện)

Ý kiến của bạn