11/10/2016
Thời gian qua, mô hình cơ giới hóa thu gom rác thải sinh hoạt của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) tại 4 quận nội thành đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Để hiểu rõ hơn về mô hình này, phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Dũng - Trưởng phòng Truyền thông, Công ty URENCO.
Ông Lê Trung Dũng - Trưởng phòng Truyền thông URENCO
PV: Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Công ty URENCO sẽ hoàn thành việc cơ giới hóa duy trì vệ sinh môi trường ở 4 quận nội thành. Vậy xin ông cho biết đến thời điểm này, việc tăng cường cơ giới hóa thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn đã đạt kết quả như thế nào?
Ông Lê Trung Dũng: Hiện nay, URENCO phối hợp cùng các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng đã triển khai đồng bộ việc đổi mới quy trình công nghệ thu gom rác theo hướng cơ giới hóa trên địa bàn 4 quận. Đây là chủ trương lớn được lãnh đạo Thành phố chỉ đạo hết sức quyết liệt nhằm từng bước đưa Hà Nội trở thành một đô thị văn minh, sạch đẹp sánh ngang với các nước phát triển trong khu vực.
Việc đổi mới công nghệ, tăng cường cơ giới hóa bước đầu đã có những kết quả rõ nét: Đa số người dân đã có thói quen bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định và bỏ rác vào túi buộc kín; đường phố tại các quận trung tâm được ghi nhận là sạch lên đáng kể, đặc biệt từ khi đưa vào sử dụng các xe quét hút mới; hình ảnh Thủ đô không chỉ sạch đẹp mà còn văn minh hơn, hiện đại hơn.
Công nhân môi trường tác nghiệp bằng xe đạp vừa linh hoạt trong thu dọn vừa là tuyên truyền viên, nhắc nhở người dân
Tuy vậy, chúng tôi xác định việc đổi mới quy trình công nghệ này là cả một quá trình lâu dài và bền bỉ, cần sự chung tay chung sức của các cấp lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là của người dân Thủ đô.
PV: Có thể nói, cơ giới hóa vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội sẽ được thực hiện khép kín từ khâu thu rác, quét hè, quét đường, rửa đường,… thay thế cho lao động thủ công. Vậy hướng giải quyết việc làm cho đối tượng lao động dư thừa này như thế nào thưa ông?
Ông Lê Trung Dũng: Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện nay, việc áp dụng triệt để cơ giới hóa vẫn gặp rất phải nhiều khó khăn khi hạ tầng đô thị chưa đồng bộ; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh còn rất phổ biến tại các quận trung tâm; do đó, các phương tiện cơ giới mới chỉ thay thế được một phần lao động thủ công.
Một loạt xe quét hút mới, hiện đại được đưa vào sử dụng tại các quận
trung tâm, giúp cải thiện đáng kể chất lượng vệ sinh môi trường
Số lao động dôi dư trong quá trình cơ giới hóa được Công ty tính toán và bố trí những công việc khác như: Chuyển một phần công nhân quét rác sang nhặt rác tinh kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức vệ sinh môi trường; tạo điều kiện cho công nhân đi học lái xe để chuyển sang lái xe quét hút và lái xe tải nhỏ nhặt rác ngày; đào tạo công nhân thành công nhân kỹ thuật làm việc tại lò đốt chất thải công nghiệp phát điện sắp được khánh thành… Ngoài ra, đối với các trường hợp công nhân đủ tuổi và có nhu cầu thì Công ty tạo điều kiện cho nghỉ chế độ sớm theo đúng quy định.
PV: Được biết, URENCO hợp tác với các đối tác khởi công hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Nam Sơn. Xin ông cho biết một số hiệu quả khi sử dụng công nghệ này đối với xã hội và môi trường.
Ông Lê Trung Dũng: Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội đã được triển khai vào ngày 16/9 vừa qua và dự kiến sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động vào tháng 12/2016. Đây là một dự án kiểu mẫu với công nghệ tiên tiến được viện trợ bởi Chính phủ Nhật Bản qua Tổ chức NEDO. Dự án này khi đưa vào hoạt động mỗi ngày sẽ xử lý được khoảng 75 tấn chất thải công nghiệp, phát ra lượng điện khoảng 14,5 triệu kWh/năm. Lượng điện này sẽ được sử dụng trong nội bộ Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và một phần đưa lên điện lưới quốc gia.
Hệ thống lò đốt chất thải công nghiệp phát điện tại Nam Sơn - Sóc Sơn
Dự án không chỉ mang ý nghĩa về chính trị, ngoại giao mà thực sự sẽ có ý nghĩa rất lớn về mặt môi trường và kinh tế, khi dự án hoạt động sẽ góp phần giải quyết triệt để được một khối lượng lớn chất thải công nghiệp đang không ngừng gia tăng hiện nay, đồng thời có tái tạo năng lượng phục vụ sản xuất và dân sinh.
Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục nghiên cứu, liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng một số lò đốt chất thải sinh hoạt nhằm giảm thiểu chôn lấp và đảm bảo vệ sinh môi trường.
PV: Nhằm thực hiện chủ trương của UBND TP. Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện “năm trật tự và văn minh đô thị 2016”, URENCO có sự phối hợp tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Lê Trung Dũng: Việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường có một ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ trong năm trật tự và văn minh đô thị 2016 mà chúng tôi xác định đây là một quá trình lâu dài.
Ngay từ đầu năm 2016, khi thực hiện đề án đổi mới quy trình công nghệ thu rác, URENCO đã bố trí hàng trăm lượt tuyên truyền viên mặc áo đồng phục tuyên truyền có ghi các khẩu hiệu thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền, nhắc nhở người dân. Ngoài ra, chúng tôi đưa vào sử dụng 100 chiếc xe đạp tuyên truyền, hoạt động này vừa linh hoạt trong việc thu rác vụn và nhắc nhở người dân bỏ rác đúng quy định.
Tạo thói quen mới cho người dân: Bỏ rác lên xe ô tô vào đúng giờ quy định
Công ty đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, các trường học,… cùng tham gia vào công tác tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân. Đồng thời, phối hợp cùng các phường xây dựng nội dung và phát trên hệ thống truyền thanh, điều này đã có tác động thường xuyên, liên tục đến ý thức người dân và khách vãng lai.
Đặc biệt, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ và tiếp sức nhiệt tình từ các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội trong việc đưa tin, phóng sự về công tác đổi mới quy trình công nghệ tại Hà Nội. Hiện nay, URENCO đang hối hợp với Đài PT&TH Hà Nội sản xuất và phát sóng liên tục một số clip về môi trường tạo sự lan tỏa trong xã hội và cùng kêu gọi người dân nâng cao ý thức cùng giữ gìn cho Thủ đô luôn văn minh, sạch đẹp.
Có thể nói, để Thủ đô Hà Nội văn minh, sạch đẹp thì rất cần sự chung tay, chung sức, chung lòng của tất cả mọi người.
PV: Xin cảm ơn ông!
Phạm Đình Tuyên (Thực hiện)