08/02/2017
Dự án Tổ hợp Bauxit - nhôm Lâm Đồng đi vào vận hành thương mại cuối năm 2013, đến nay đã được gần 3 năm, với công suất thiết kế 650.000 tấn Alumin/năm. Đây là Dự án trọng điểm của quốc gia, đồng thời là ngành công nghiệp lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, do vậy công tác BVMT cũng được chú trọng hàng đầu.
Khuôn viên Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng |
Là đơn vị tiếp nhận, quản lý, vận hành, làm chủ công nghệ tổ hợp các Nhà máy tuyển quặng tinh, Nhà máy sản xuất alumin, các công trình phục vụ dự án, khu khai thác mỏ, hoàn thổ và công tác môi trường, Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng - TKV luôn chấp hành nghiêm chỉnh Luật BVMT. Trong đó, Công ty luôn tuân thủ các quy định về xả thải, đóng thuế, phí BVMT; Các cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Đề án Cải tạo phục hồi môi trường và Báo cáo xả nước thải vào nguồn nước do Bộ TN&MT phê duyệt; Giấy phép khai thác nước mặt, Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại (CTNH) do Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cấp phép... Kết quả quan trắc định kỳ hàng năm cho thấy, toàn bộ nguồn thải của Tổ hợp Bauxit-nhôm Lâm Đồng đều đạt QCVN về môi trường.
Công tác trồng cây phục hồi môi trường sau khai thác được Công ty thực hiện hiệu quả |
Với định hướng phát triển bền vững, năm qua Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng đã đầu tư, cải tạo lại nhiều công trình BVMT của Tổ hợp Bauxit-nhôm để giám sát, cải thiện chất lượng nguồn thải, giảm tối thiểu tác động đến môi trường ở các khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư thêm các hệ thống giám sát, kiểm soát nguồn nước thải của Nhà máy alumin và Nhà máy tuyển (trạm quan trắc nước thải tự động cho hồ thải quặng đuôi số 6, trạm pH online liên động hệ thống cánh phai 2 cấp cho Nhà máy alumin), với tổng giá trị khoảng 5 tỷ đồng. Dự kiến năm 2017, Công ty đầu tư thêm 2 trạm quan trắc nước thải tự động cho Nhà máy Alumin, dự toán khoảng 3 tỷ đồng; Cải tạo lại các hệ thống giám sát nguồn khí thải thải tại ống khói Nhà máy nhiệt điện và lập kế hoạch đầu tư thêm trạm quan trắc khí thải tự động tại ống khói này với dự toán khoảng 5 tỷ đồng; Đầu tư thêm kho chứa CTNH có tổng diện tích 240 m2 với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng; Nghiên cứu thay đổi một số công nghệ trong dây chuyền sản xuất nhằm giảm tiếng ồn, mùi từ Nhà máy alumin…Ngoài ra, để cải tạo cảnh quan, môi trường Tổ hợp bauxit-nhôm Lâm Đồng, Công ty đã trồng thêm khoảng 8.000 cây keo lá tràm khu vực hồ bùn đỏ, trồng bổ sung tuyến đường nội bộ trong Nhà máy Alumina, đường vào Nhà máy tuyển; Cải tạo 2 ha bồn hoa, thảm cỏ tại khuôn viên các phân xưởng sản xuất và cổng vào Nhà máy alumin, với tổng giá trị khoảng 2 tỷ đồng.
Nhằm nâng cao chất lượng môi trường, Công ty còn chủ động làm việc với chính quyền địa phương và người dân trong khu vực thị trấn Lộc Thắng cùng các đơn vị liên quan để giải quyết các kiến nghị, phản ánh có liên quan đến vấn đề môi trường.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Công ty sẽ không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cùng hướng tới mục tiêu vì sự nghiệp phát triển bền vữngn
Phạm Thanh Tuấn
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017