Banner trang chủ

Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV: Áp dụng các sáng kiến kỹ thuật trong quá trình sản xuất để bảo vệ môi trường

27/04/2017

 

Ông Tường Thế Hà - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng

 

     Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) được thành lập năm 2010, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khai thác quặng bauxit, chế biến sản xuất alumin; sản xuất, truyền tải và phân phối điện; sản xuất thiết bị sử dụng năng lượng chiết lưu… Trong những năm qua, Công ty đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp BVMT theo quy định của pháp luật và áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong quá trình sản xuất nhằm BVMT. Tạp chí Môi trường đã có dịp phỏng vấn ông Tường Thế Hà - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng về những nỗ lực trong công tác BVMT của Công ty trong thời gian qua.

     PV: Xin ông giới thiệu đôi nét về quá trình hoạt động và những kết quả nổi bật của Công ty trong thời gian qua

     Ông Tường Thế Hà: Dự án Tổ hợp bauxit - nhôm Lâm Đồng được triển khai từ  năm 2007 do Ban Quản lý Dự án xây dựng Tổ hợp bauxit - nhôm Lâm Đồng trực thuộc Vinacomin làm chủ dự án và nhà thầu Chalieco – Trung Quốc thực hiện. Đến năm 2010, Công ty Nhôm Lâm Đồng được thành lập với nhiệm vụ chuẩn bị tiếp nhận vận hành Tổ hợp sau khi nhà thầu bàn giao công trình và triển khai thi công một số hạng mục khác. Từ ngày 1/10/2013, Công ty Nhôm Lâm Đồng bắt đầu tiếp quản Dự án Tổ hợp và đi vào hoạt động thương mại trong bối cảnh khó khăn về nhiều mặt, đặc biệt đây là lần đầu tiên Công ty tổ chức, quản lý, vận hành một dây chuyền công nghệ mới. Tuy nhiên, với cố gắng cao độ và sự năng động của cán bộ, công nhân viên, Công ty đã hoàn toàn làm chủ công nghệ và quy trình sản xuất, duy trì vận hành ổn định, tăng dần công suất của nhà máy, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa Tổ hợp bauxit - nhôm Lâm Đồng hoàn thành kế hoạch sản xuất 600.000 tấn alumin/năm (tương đương 95% công suất thiết kế) trong năm 2016 và lập kế hoạch nâng công suất lên 100% công suất thiết kế, tương ứng với sản lượng 630.000 tấn/năm từ năm 2017, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với mức nộp ngân sách hàng năm khoảng trên 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội với các khoản đóng góp là 500 triệu đồng. Với những kết quả đạt được, Công ty đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen về có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (năm 2013); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương về thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (năm 2015).

     PV: Để BVMT trong quá trình hoạt động sản xuất, Công ty đã triển khai các biện pháp gì, thưa ông?

     Ông Tường Thế Hà: Từ khi đi vào vận hành đến nay, Công ty Nhôm Lâm Đồng đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp BVMT theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ TN&MT phê duyệt vào năm 2010, song song với việc áp dụng các giải pháp sáng tạo kết hợp việc quản trị tốt công nghệ. Đặc biệt, trong năm qua, Công ty đã thử nghiệm và đưa vào sử dụng thành công chất trợ lọc, giúp làm giảm độ ẩm hạt hydrat, đồng thời điều chỉnh công nghệ làm thay đổi cỡ hạt hydrat để đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, Công ty đã thực hiện cải tạo hệ thống đường ống bơm tuần hoàn dòng đáy tại các bồn lắng rửa, để rút ngắn thời gian khi bơm ra hồ bùn đỏ, giảm xút và thời gian tăng tải dây chuyền.

     Để kiểm soát nguồn nước thải từ nhà máy Alumin, Công ty đã đầu tư thêm hệ thống cánh phai 2 cấp ở độ sâu 15 m, liên động với các đầu đo pH để tự động phát hiện và kịp thời đóng tất cả nguồn nước có dấu hiệu vượt ngưỡng để xử lý đạt QCVN. Ngoài ra, sau hệ thống cánh phai 2 cấp còn có trạm hiệu chỉnh pH online ở điểm cuối cùng của hệ thống thoát nước nhà máy Alumin để điều chỉnh độ pH của nguồn nước luôn đạt QCVN trước khi thoát ra môi trường.

     Đối với nhà máy tuyển, toàn bộ nước thải của Công ty được thu gom vào bể cô đặc để tuần hoàn tái sử dụng khoảng 83% nhằm giảm chi phí sản xuất và tránh tác động đến nguồn nước trong khu vực (phần còn lại sau khi bổ sung chất trợ lắng, được thải ra hồ thải quặng đuôi để lắng ngược đảm bảo đạt QCVN trước khi thải ra môi trường). Trong năm 2016, Công ty đã đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc nước thải tự động đúng theo quy định hiện hành cho hồ thải quặng đuôi với 5 thông số: lưu lượng, TSS, COD, pH và nhiệt độ. Qua kết quả quan trắc của cơ quan chức năng theo định kỳ cho thấy, toàn bộ nguồn thải của Công ty đều đạt QCVN trước khi thải ra môi trường.

     Công tác quản lý chất thải rắn cũng được Công ty đặc biệt quan tâm. Đối với chất thải nguy hại, Công ty đã hợp đồng với đơn vị có chức năng và năng lực xử lý chất thải nguy hại thực hiện thu gom và xử lý. Đối với chất thải sinh hoạt, Công ty đã hợp đồng với Công ty Công trình công cộng của địa phương để xử lý định kỳ. Mặt khác, Công ty cũng đang đầu tư Bãi thải rắn công nghiệp để quản lý chất thải rắn công nghiệp phát sinh.

     Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư cải tạo các hệ thống giám sát nguồn khí thải. Khí thải từ nhà máy nhiệt điện và khí hóa than được xử lý qua hệ thống lọc bụi tĩnh điện và được quan trắc định kỳ. Dự kiến, cuối năm 2017 sẽ hoàn thành hệ thống quan trắc online đưa vào hoạt động. Hiện Công ty đang phối hợp với Viện Hóa học Việt Nam khảo sát lập phương án khử mùi cho khu vực khí hóa than để giảm tác động đến môi trường trong nhà máy Alumin cũng như các khu vực xung quanh.

 

Công trình hoàn thổ phục hồi môi trường sau khai thác mỏ Bauxit Tân Rai

 

     Đối với công tác cải tạo và phục hồi môi trường, Công ty đã trồng cây theo đúng cam kết khoảng 44 ha và trồng thêm 9 ha cây xanh, trong đó 6 ha cây keo, 1 ha cây đường viền, 2 ha khuôn viên thảm cỏ và các cây lâu năm khác nhằm cải thiện chất lượng môi trường, tạo mỹ quan cho dự án và chống xói lở, ứng phó với biến đổi khí hậu.

     PV: Xin ông cho biết, những định hướng phát triển của Công ty trong thời gian tới?

     Ông Tường Thế Hà: Với quan điểm kinh doanh: “Sự tồn tại và phát triển Công ty gắn với cộng đồng, nên Công ty đã và đang phấn đấu hết sức mình để BVMT, bảo vệ con người một cách tốt nhất, đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động của cộng đồng và xã hội”. Từ đó, Công ty Nhôm Lâm Đồng – TKV đã coi trọng và đặt công tác BVMT ở vị trí hàng đầu. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công ty trong thời gian tới là đổi mới công nghệ nhằm BVMT, đồng thời giảm thiểu tối đa các tác động tới môi trường do các chất thải công nghiệp. Hiện tại, Công ty đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để triển khai dự án xử lý bùn đỏ và bùn quặng đuôi nhằm biến chất thải thành sản phẩm có ích. Bên cạnh đó là đầu tư các hệ thống kiểm soát theo hướng tự động hóa cao để kịp thời ngăn chặn các ảnh hưởng tới môi trường nhằm đảm bảo an toàn và chủ động ứng phó trong mọi tình huống xảy ra.

     PV: Xin cảm ơn ông!

 

Nguyễn Hằng (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2017

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn