19/01/2016
Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) được thành lập năm 2010, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khai thác quặng bô xít, đá, cát, sỏi, đất sét; Sản xuất điện, kim loại màu, kim loại quý, mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện, động cơ, tua bin, thiết bị sử dụng năng lượng chiết lưu, máy luyện kim, máy khai thác mỏ và xây dựng; Đúc kim loại màu; Luyệt bột kim loại; Gia công cơ khí; Khai thác, cung cấp nước, xử lý thoát nước và nước thải; Tái chế phế liệu kim loại…
Toàn cảnh Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng |
Trong 5 năm qua, Công ty Nhôm Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuẩn bị sản xuất, từ việc xây dựng bộ máy, tuyển dụng, sắp xếp, bố trí lao động; Chuyển giao công nghệ, tổ chức vận hành không tải, có tải các nhà máy; Thực hiện thi công các công trình ngoài hàng rào… đến việc tiếp nhận, vận hành các nhà máy sản xuất thương mại. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ, công nhân viên của Công ty không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 1,7 nghìn lao động, trong đó có hơn 1,5 nghìn lao động trực tiếp. Đặc biệt, từ ngày 1/10/2013, Công ty được Tập đoàn Vinacomin giao tiếp quản, vận hành thương mại toàn bộ Tổ hợp bô xít - Nhôm Lâm Đồng. Thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện lần đầu tiên tổ chức quản lý, vận hành một dây chuyền công nghê mới, vì vậy, song song với việc duy trì sản xuất, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Công ty đã đồng tâm vượt qua mọi khó khăn, từng bước tiếp cận công nghệ, hoàn thiện dây chuyền sản xuất. Cùng với đó, Công ty đã từng bước sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng, định mức chi phí, áp dụng chính sách đãi ngộ đối với lao động có tay nghề giỏi… Nhờ đó, sau 2 năm chính thức bước vào sản xuất thương mại, Công ty đã cơ bản làm chủ công nghệ sản xuất, tạo ra sản phẩm alumin đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, chứng minh công nghiệp alumin sẽ là một trong những ngành sản xuất kinh tế mũi nhọn của Tập đoàn Vinacomin trong tương lai. Chỉ tính riêng năm 2014, Công ty đã sản xuất được 480 nghìn tấn alumin sau nung, 730 tấn hydrat và 9 tháng đầu năm 2015 sản xuất được 540 nghìn tấn alumin, 839 tấn hydrat (đạt 100% kế hoạch đề ra), chủ yếu xuất khẩu sang các nước Singapo, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc với giá bình quân khoảng 326,5 USD/tấn/năm. Tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai, Dự án đã đóng góp ngân sách trên 311 tỷ đồng, riêng năm 2014, Công ty nộp ngân sách trên 211 tỷ đồng (vượt kế hoạch 29,5%), góp phần đáng kể cho việc cân đối xuất, nhập khẩu không chỉ đối với Tập đoàn Vinacomin mà cả nền kinh tế quốc dân. Thành công này không những đã rút ngắn 50% thời gian dự kiến lỗ, mà còn khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến alumin - nhôm trên vùng đất Tây Nguyên giàu tiềm năng.
Khu bể lắng tại Nhà máy tuyển quặng bô xít Tân Rai |
Về công tác BVMT, Công ty thực hiện nghiêm túc các công trình, biện pháp BVMT theo quy định của pháp luật. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp sáng tạo được ứng dụng đạt hiệu quả cao, trong đó có việc thực hiện các giải pháp tích cực về giám sát môi trường; Xây dựng và triển khai các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng cứu sự cố môi trường; Lắp đặt hệ thống tự kiểm soát, điều chỉnh độ pH kiểm soát nước từ nhà máy ra môi trường; Tuân thủ nghiêm ngặt Đề án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt; Kiểm soát tốt môi trường không khí, nước thải công nghiệp, tiếng ồn. Toàn bộ lượng bùn thải quặng đuôi phát sinh trong quá trình tuyển rửa quặng được dẫn ra khu bể lắng bùn và lượng bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumina được dẫn ra các hồ chứa khác được thiết kế đặc biệt ở gần khu vực Nhà máy theo hệ thống đường ống. Đối với chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại, Công ty ký hợp đồng với các công ty dịch vụ trên địa bàn tỉnh thu gom, xử lý theo quy định. Để xử lý bụi trong khai thác tuyển quặng, công ty sử dụng 3 xe tưới nước chuyên dụng, thực hiện tưới nước khi có bụi tại các tuyến đường đổ thải và vận chuyển quặng nguyên khai, đồng thời sử dụng hệ thống dập bụi vào các thời điểm mùa khô hoặc khi có bụi. Ngoài ra, Công ty luôn thực hiện nghiêm túc công tác hoàn thổ trong quá trình khai thác, hoàn nguyên sau khi kết thúc khai thác. Trên diện tích đất hoàn thổ sau khai thác rộng 18,25 ha, hàng nghìn cây keo lá chàm cao khoảng 50 cm đến quá đầu người phủ kín vùng đất đỏ.
Xung quanh vấn đề hồ chứa bùn đỏ, ông Nguyễn Quang Thuyết - Phó Tổng Giám đốc Công ty khẳng định, các hồ chứa bùn đỏ bảo đảm an toàn tuyệt đối, ngoài hệ thống đo kiểm của Công ty thực hiện quan trắc môi trường định kỳ 4 lần/năm còn có hệ thống quan trắc độc lập của Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, biến động liên quan đến hồ bùn đỏ đều được báo cáo tự động bằng máy móc hiện đại. Sau khi có ý kiến phản ánh của người dân, Công ty đã tổ chức xem xét lại toàn bộ các công đoạn sản xuất, các yếu tố môi trường và xả thải của Nhà máy alumin, kết quả cho thấy, nước trong lòng hồ thải bùn đỏ có độ pH không vượt quá tiêu chuẩn cho phép và không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; Khí bốc hơi tại hồ bùn đỏ không gây độc hại ảnh hưởng đến môi trường; Mùi hắc trong không khí chỉ có thể cảm nhận tại đê chắn của hồ bùn đỏ, ngay tại các vị trí xả thải. Ngoài ra, các kết quả đo chất lượng nước tại các điểm xả của Nhà máy do cơ quan quản lý môi trường kiểm tra định kỳ và đột xuất đều cho kết quả chất lượng nguồn nước thải đạt các tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Công ty sẽ không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân viên; Nâng cao năng suất, hiệu quả quản lý của cơ quan điều hành; Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cùng hướng tới mục tiêu vì sự nghiệp phát triển bền vững Công ty.
Gia Linh
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12 - 2015)