Banner trang chủ

Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam: Đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ

23/10/2017

     Trải qua chặng đường hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam luôn quan tâm công tác quy hoạch thăm dò nguồn quặng, đánh giá trữ lượng, lập quy hoạch khai thác mỏ, sản xuất, chế biến quặng sát với yêu cầu thực tế. Đồng thời, tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn lao động, an toàn trong sản xuất công nghiệp và đảm bảo môi trường tự nhiên trong khu vực sản xuất cũng như các điểm khai khoáng. Để tìm hiểu rõ hơn về việc phát huy sáng kiến, đổi mới công nghệ nhằm BVMT và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên của quốc gia, phóng viên tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quang Lợi - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam.

     PV: Là đơn vị mạnh của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và tỉnh Lào Cai, vậy Công ty đã thực hiện các quy định BVMT như thế nào, thưa ông ?

     Ông Nguyễn Quang Lợi: Là doanh nghiệp Nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật  về BVMT. Theo đó, các dự án của Công ty đều thực hiện đúng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt.

 

Hoạt động khai trường

 

     Thực hiện việc niêm yết công khai về môi trường tại địa phương và tại địa điểm thực hiện dự án theo quy định pháp luật để cộng đồng dân cư biết, kiểm tra, giám sát. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các quy định về sử dụng và khai thác nước mặt như phí, thuế…; Quan trắc, giám sát chất lượng môi trường theo các nội dung quy định 4 lần/năm; Các thông số môi trường đều được lấy mẫu, phân tích đầy đủ. Kết quả cho thấy, các thông số môi trường đều có trị số dưới ngưỡng quy định cho phép theo các TCVN, QCVN.

     Ngoài ra, Công ty tuân thủ nghiêm các biện pháp BVMT, cụ thể: Nước sinh hoạt đều được thu gom, xử lý qua hệ thống bể tự hoại trước khi xả ra môi trường. Về bụi phát sinh chủ yếu từ quá trình hoạt động của các máy khai thác và vận chuyển quặng, Công ty thường xuyên có 8 - 10 ô tô dung tích chứa từ 10 - 12 m3 chuyên hoạt động phục vụ tưới nước đập bụi; Tăng cường tần suất tưới nước dập bụi tại các trục đường vận tải nhất là khu đông dân cư. Chất thải rắn, gồm đất đá thải phát sinh trong quá trình khai thác được đổ thải vào các bãi thải theo quy hoạch đã được phê duyệt của từng dự án.

 

Bể lắng bùn thải Nhà máy tuyển quặng - Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam

 

     Đối với chất thải nguy hại (CTNH), Công ty đã được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải của Sở TN&MT. Các CTNH phát sinh chủ yếu như dầu bôi trơn thải sau sửa chữa, bảo dưỡng, giẻ lau dính dầu, cao su dính dầu... Công ty ký hợp đồng chuyển giao xử lý, vận chuyển cho cơ sở có giấy phép xử lý, vận chuyển theo quy định. Từ năm 2007 đến 2017, Công ty đã ký quỹ cải tạo phục hồi cho các khai trường khai thác với số tiền là: 22.157.564.887 đồng.

     Bên cạnh đó, Công ty còn tăng cường tuyên truyền nhận thức của người lao động về vệ sinh lao động vị trí làm việc, nơi làm việc; Tổ chức thực hiện tốt việc thu gom phân loại CTNH; Triển khai thực hiện các cuộc vận động về công tác môi trường do cấp trên tổ chức và phát động…

     PV: Nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và của nhân dân ở những vùng có khoáng sản, Công ty đã triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

     Ông Nguyễn Quang Lợi: Thực hiện tinh thần của quy hoạch quản lý, khai thác và chế biến khoáng sản giai đoạn 2007 - 2015 và xét đến năm 2020 của UBND tỉnh Lào Cai, chỉ tính từ năm 2011 -  2017, Công ty đã hỗ trợ kinh phí khoảng gần 37 tỷ đồng, bao gồm: Chung tay xây dựng và phát triển nông thôn mới trong tỉnh 12 tỷ đồng; xây dựng các công trình thiết yếu dân sinh gần 20 tỷ; xây dựng cột Cờ Lũng Pô 3 tỷ đồng; ủng hộ phong trào vì người nghèo  2 tỷ; đặc biệt, ưu tiên là các xã, phường trong dự án khai thác và chế biến khoáng sản... Ngoài ra, Công ty đã hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng lao động thuộc diện thu hồi đất phục vụ dự án vào làm việc.

 

Dây chuyền tuyển quặng

 

     Tổ chức thực hiện phụ thu về bảo trì đường bộ của tỉnh Lào Cai đối với quặng apatit vận chuyển bằng đường bộ là 50.000đồng/tấn. Theo đó, trong năm 2015, Công ty đã nộp cho tỉnh Lào Cai số tiền hơn 27.414.928.000 đồng và năm 2016 là 56.218.614.000 đồng.

     PV: Trong quá trình khai thác quặng, vấn đề môi trường sinh thái trong khai thác, chế biến và sử dụng quặng ngày càng được quan tâm hơn. Vậy Công ty có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên và BVMT?

     Ông Nguyễn Quang Lợi: Trong quá trình khai thác, Công ty đã thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để tăng hệ số thu hồi khối lượng và chất lượng quặng, giảm hệ số tổn thất quặng các loại.

     Công ty đã xây dựng 3 Nhà máy tuyển quặng loại 3, để tuyển quặng loại 3 có hàm lượng từ 8% P2O­5 trở lên đạt hàm lượng tương đương với quặng loại I có hàm lượng từ 32% - 33% P2O­5 .Các Nhà máy tuyển quặng này đến nay hoạt động ổn định có hiệu quả đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Khi 3 Nhà máy tuyển đi vào hoạt động hầu hết quặng 3 khai thác đã được tiêu thụ hết và các kho lưu quặng 3 cũng dần được sử dụng, từ đó giảm được diện tích đất đai xây dựng kho chứa quặng 3 và dần Công ty sẽ trả được một số lượng đất đai cho địa phương sử dụng.

     Các khai trường đóng cửa vĩnh viễn và tạm thời đều được Công ty hoàn nguyên và bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định.

     Với sản phẩm quặng tinh tuyển là sản phẩm tiết kiệm tài nguyên qua công nghệ làm giầu quặng. Công ty không những tích cực phối hợp công tác cùng các đối tác trong và ngoài nước nghiên cứu các giải pháp để nâng cao chất lượng và thực thu thu hoạch sản phẩm mà còn chủ động sử dụng tài nguyên nghèo để sản xuất nhằm tận thu tài nguyên. Theo thiết kế của Dự án hàm lượng quặng đầu vào là 14,8 % và hàm lượng biên là 12%, đến nay Công ty đã nghiên cứu và sử dụng hàm lượng quặng đầu vào là 13% và hàm lượng biên xuống đến 8%. Phát huy cao hiệu quả đầu tư các nhà máy tuyển của Công ty đồng thời thấy quặng 3 của các khai trường khác cần được sử dụng làm giầu triệt để nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên cho đất nước.

 

Tổ hợp Văn hóa Thể thao Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam

 

     Bên cạnh đó, Công ty tăng cường sử dụng nước được lắng trong cơ học tại các hồ thải quặng đuôi của các Nhà máy tuyển (nước tuần hoàn) nên giảm lượng nước khai thác từ tự nhiên cũng như xả thải ra ngoài môi trường, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất.

     PV: Được biết, trong những năm qua, phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo đã được Công ty phát động và duy trì hiệu quả. Vậy ông cho thể cho biết một số kết quả từ phong trào này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và BVMT?

     Ông Nguyễn Quang Lợi: Từ phong trào thi đua đã tạo một khối đoàn kết nhất trí của toàn cán bộ công nhân viên (CBCNV) Công ty. Qua đó phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi CBCNV, tạo dựng niềm tin cho khách hàng đối với Công ty, hướng tới phát triển bền vững. Tạo tiền đề để Công ty đầu tư phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ quặng apatit, Công ty đi sâu nghiên cứu tuyển quặng có hàm lượng thấp hiện nay chưa sử dụng được.

     Hàng năm, Công ty có 40 - 60 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng ở các lĩnh vực sản xuất và đầu tư như : Khai thác, tuyển khoáng, vận tải đường sắt và đường bộ, cơ điện, tự động hóa, môi trường, quản lý... Hội đồng Sáng kiến cải tiến của Công ty tổ chức thẩm định, xét công nhận và biểu dương kịp thời các tác giả có sáng kiến điển hình.

     Trong đó, có từ 10 - 15 tác giả và Sáng kiến cải tiến điển hình ở các lĩnh vực trên được xét và tặng Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

     PV: Trong quá trình sản xuất, kinh doanh Công ty những khó khăn gì cần đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng?

     Ông Nguyễn Quang Lợi: Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến quy trình cấp mỏ thực hiện đúng Luật Khoáng sản năm 2010, Điều 53 điểm b: "không chia cắt khu vực khoáng sản có thể đầu tư khai thác hiệu quả ở quy mô lớn để cấp phép khai thác khoáng sản cho nhiều tổ chức, cá nhân khai thác ở quy mô nhỏ".

     Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước khẩn trương cấp mỏ lại cho Công ty Apatit, đôn đốc hoàn thiện các thủ tục cần thiết để Công ty sớm được cấp mỏ lại thay thế cho Giấy phép trước đây không còn phù hợp với Luật khoáng sản năm 2010; Giúp Công ty hoạt động liên tục đáp ứng các nhu cầu sản phẩm Apatit trong nước.

     Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản thực hiện việc thu hồi, nghiên cứu, tuyển và sử dụng các loại quặng nghèo, nhằm tiết kiệm tài nguyên không tái tạo cho đất nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao từ các loại khoáng sản quý hiếm và ưu đãi tiêu thụ các sản phẩm này.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Phạm Tuyên (Thực hiện)

 

 

Ý kiến của bạn