Banner trang chủ

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường

19/09/2017

     Với tiêu chí sản phẩm sản xuất ra phải luôn đáp ứng yêu cầu không chỉ về chất lượng mà còn về môi trường và an toàn sức khỏe, từ khi thành lập cho tới nay, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã và đang xây dựng chiến lược kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.

 

Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhìn từ trên cao

 

     Theo tính toán, trong 5 năm tới, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước từ năm 2018 đến năm 2022 trung bình đạt khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO. Với nhu cầu tiêu thụ trên, hiện nước ta có Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đang hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, sản lượng đưa ra thị trường một năm khoảng 2,746 triệu tấn xăng và 3,068 triệu tấn dầu DO; NMLD Nghi Sơn sẽ vận hành thương mại vào năm 2018, công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm, dự kiến cung cấp khoảng 2,3 triệu tấn xăng và gần 3,7 triệu tấn dầu DO. Ngoài ra, các nhà máy Condensate như PV Oil Phú Mỹ, Sài Gòn Petro, Nam Việt Oil, Đông Phương có công suất thiết kế khoảng 690.000 tấn xăng/năm. Như vậy, năm 2018, dự kiến có khoảng 92% xăng và 82% dầu DO đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Con số thiếu hụt trung bình 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO mỗi năm sẽ được nhập khẩu từ các nước trong khu vực như Xingapo, Malaixia, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc.

     BSR chú trọng chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh

     Với sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường như trên, BSR tập trung lập kế hoạch sản xuất theo khả năng vận hành thực tế của nhà máy và điều chỉnh linh hoạt theo thị trường, tối đa công suất các phân xưởng công nghệ, áp dụng các sáng kiến, cải tiến nhằm tối ưu hóa năng lượng, tiết giảm chi phí, giảm tồn kho và tập trung sản xuất ra nhiều sản phẩm hóa dầu, sản phẩm có giá trị kinh tế cao. BSR cũng chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thị phần trong nước, xây dựng phương án xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước lân cận trong khu vực như Lào, Campuchia, Inđônêxia…

     Từ khi đi vào vận hành thương mại từ 1/6/2010 đến nay, BSR đã sản xuất và tiêu thụ hơn 47 triệu tấn sản phẩm các loại, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước; đạt doanh thu thuần lên tới 785 nghìn tỉ đồng; nộp ngân sách nhà nước 133 nghìn tỉ đồng – tương đương 7 tỷ USD. Đặc biệt, sản phẩm xăng dầu trong nước của BSR đang cung cấp có nhiều lợi thế cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Cụ thể, sản phẩm trong nước không bị ảnh hưởng bởi chênh lệch ngoại tệ thanh toán (xăng dầu nhập khẩu phải thanh toán bằng USD); thời gian và hình thức nhận hàng linh hoạt, chi phí vận chuyển, thủ tục nhập hàng nhanh chóng và nhất là không phải nộp thuế nhập khẩu trước khi nhận hàng như hàng nhập khẩu… Hơn nữa, từ ngày 1/1/2017, Chính phủ bãi bỏ thu điều tiết đối với sản phẩm dầu, khí hóa lỏng, sản phẩm hóa dầu tiêu dùng trong nước nên BSR được tự tính giá thành sản phẩm theo hướng thu hút các đầu mối tiêu thụ trong nước để giúp thị phần trong nước của BSR có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, nhằm thúc đẩy tiêu thụ, “BSR đã lập kế hoạch bán hàng tại các kho công ty thuê phù hợp với nhu cầu thị trường, linh hoạt với nhiều hình thức giao hàng và tăng vận chuyển đường bộ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng”, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên cho biết.

     Để sớm nâng cao chất lượng sản phẩm xăng dầu Dung Quất trong khi chưa thực hiện xong dự án nâng cấp, mở rộng, BSR đang nghiên cứu một số giải pháp cho sản phẩm xăng RON 92 và RON 95 đạt tiêu chuẩn EURO 3 như tối đa hóa công suất chế biến của cụm phân xưởng sản xuất cấu tử pha trộn xăng có chỉ số octan cao hoặc nhập bổ sung các cấu tử pha trộn xăng có chỉ số octan cao. Ngoài ra, BSR cũng sẽ áp dụng giải pháp nhập naphtha và BTBE bằng cách bổ sung 1 đường ống 12 phi để đưa sản phẩm từ cảng xuất sản phẩm về khu vực sản xuất; cải hoán tận dụng 2 bể kiểm tra xăng và các bơm đi kèm có sẵn để chứa và vận chuyển các cấu tử nói trên; bổ sung 1 đường ống 6 phi dài 400 m để dẫn naphtha từ bể chứa đến đường nhập liệu phân xưởng NHT.

     Sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn với sức khỏe

     Không chỉ chú trọng về chất lượng, các sản phẩm do BSR sản xuất ra còn thân thiện với môi trường và an toàn sức khỏe. Hệ thống quản lý An toàn Sức khỏe Môi trường của BSR tích hợp tiêu chuẩn ISO 14001:2015 về hệ thống quản lý môi trường, tiêu chuẩn OHSAS 18001: 2007 về hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp, tiêu chuẩn OSHA 3132 về hệ thống quản lý an toàn công nghệ và các tiêu chuẩn khc… đã được Tổ chức chứng nhận quốc tế DNV cấp giấy chứng nhận phù hợp lần đầu vào ngày 8/3/2011 và tái chứng nhận lần thứ 3 bởi BSI vào ngày 19/12/2016.

     Bên cạnh đó, nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam thực hiện chỉ ra rằng, các sản phẩm xăng dầu của BSR hiện nay đều có chất lượng tốt. Theo quy chuẩn Việt Nam, hàm lượng lưu huỳnh tối đa của xăng là 500 phần triệu nhưng xăng của BSR chỉ có hàm lượng từ 30 - 135 phần triệu. Tiêu chuẩn của Việt Nam cho phép tối đa 2,5% lượng benzen và aromat trong xăng, nhưng xăng của BSR chỉ có hàm lượng benzen 1,15 - 1,46%. Dòng sản phẩm dầu diesel ô tô của BSR cũng có lượng lưu huỳnh thấp, ít khí thải độc hại. Chất lượng cao của xăng Dung Quất còn thể hiện ở trị số octan (liên quan tới chất lượng cháy, độ bền và công suất của động cơ). Xăng Dung Quất đang sản xuất có trị số RON 92, nhưng kết quả kiểm tra thực tế, chỉ số này là 92,6 và 92,3 (chưa cần pha thêm bất kỳ loại phụ gia nào).

 

Hoạt động xuất bán sản phẩm của NMLD Dung Quất

 

     Vai trò của NMLD Dung Quất đối với tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung là hết sức quan trọng. Nhà máy được ví là trái tim của Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, là đầu tàu thúc đẩy các ngành kinh tế phụ trợ phát triển, được ví là “lực hút” các nhà đầu tư đến với khu kinh tế Dung Quất. Tuy nhiên, khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã kéo theo nhiều cơ hội cũng như thách thức cho sản phẩm lọc dầu Dung Quất. Do vậy, để sản phẩm lọc dầu Dung Quất đứng vững rất cần Nhà nước ban hành nhiều cơ chế chính sách kịp thời, đúng thời điểm để trợ giúp doanh nghiệp trong sân chơi toàn cầu.

 

Phạm Đình

Ý kiến của bạn