10/10/2019
Những năm gần đây, Hà Nội đã thử nghiệm nhiều phương pháp xử lý làm sạch nước hồ, tuy nhiên đến nay hiệu quả xử lý vẫn chưa được giải quyết triệt để. Sau 2 năm chuẩn bị các thủ tục cần thiết, Công ty CP Xây dựng và môi trường Hà Nội (Hactra) đã chính thức tiến hành thử nghiệm HJ-1000 - Thiết bị tuần hoàn nước (công nghệ Hàn Quốc) tại hồ Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội vào ngày 28/8 vừa qua. Việc thử nghiệm HJ-1000 tại hồ Mai Dịch, sẽ giúp Hà Nội có thêm phương án công nghệ xử lý nước hồ, qua đó so sánh với các loại công nghệ xử lý nước hồ đã và đang áp dụng hiện nay để đưa ra lựa chọn công nghệ thích hợp và tối ưu nhất về kỹ thuật và kinh tế, đưa vào áp dụng rộng rãi trong tương lai.
Giải pháp hữu ích cải thiện môi trường nước hồ
Hàn Quốc có nền khoa học tiên tiến và đang không ngừng phát triển. Trách nhiệm BVMT, đặc biệt là bảo vệ nguồn tài nguyên nước được Chính phủ và người dân Hàn Quốc chú trọng và quan tâm. Các công nghệ xử lý nước thải, bảo vệ tài nguyên nước của Hàn Quốc đạt trình độ tiến bộ cao và không ngừng được hoàn thiện. HJ-1000 là thiết bị tuần hoàn nước do Công ty Mirae E&I Hàn Quốc thiết kế và chế tạo. Hệ thống HJ-1000 của Mirae E&I được đánh giá là hệ thống hoàn hảo nhất so với các hệ thống tuần hoàn nước khác có trong Hàn Quốc. HJ-1000 là một công nghệ mới được nghiên cứu ứng dụng tại Hàn Quốc từ năm 2009 và đến 3 năm gần đây HJ-1000 được nâng cấp, hoàn chỉnh và áp dụng tại nhiều hồ trong Hàn Quốc.Quá trình hoạt động của HJ-1000 không gây tác động xấu đến môi trường sống của các loài thủy sinh có ích trong hồ. Các tấm pin mặt trời và máy phát điện gió được tổ hợp trên HJ-1000 tạo ra năng lượng cho hệ thống hoạt động, không cần nguồn điện thương mại. Theo đó, HJ-1000 hoạt động tự động, quản lý vận hành, bảo trì thay thế các thiết bị đồng bộ, chi phí thấp: Bộ lưu điện (thời gian sử dụng khoảng 3 năm), động cơ một chiều không chổi than (BLDC) (thời gian sử dụng khoảng 5 năm); các bộ phận khác như pin mặt trời, cánh quạt gió, khung dàn và phao nổi… có tuổi thọ từ 20 - 50 năm, ít phải bảo trì.
Những ưu điểm chính của HJ-1000như: Hút nước tầng đáy hồ đưa lên tầng mặt hồ với dung lượng 12m3 đến 14m3/phút, bánh công tác bề mặt tạo sóng lan tỏa nước đáy hồ ra khắp mặt hồ với bán kính 60m xung quang HJ-1000, thực hiện chức năng tuần hoàn nước trong hồ. Tác dụng chính của HJ-1000 sẽ làm tăng DO cho nước hồ; Giảm sự khác biệt nhiệt độ nước giữa tầng nước đáy hồ với tầng nước mặt hồ trong các điều kiện thời tiết khác nhau.Với 2 tác dụng trên, HJ-1000 tạo môi trường sống tốt cho các loài thủy sinh trong hồ, ngăn chặn sự phát sinh các loại tảo độc hại trong hồ, cải thiện chất lượng nước hồ. Bên cạnh đó, HJ-1000 hoạt động nhờ nguồn năng lượng mặt trời và hệ thống phát điện gió được lắp ráp đồng bộ trong hệ thống HJ-1000, hoạt động tự động liên tục 24h/ngày trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Mặt khác, HJ-1000 cải thiện môi trường nước hồ mà không cần dùng bất kỳ loại hóa chất nào. Đây là giải pháp hữu ích cải thiện môi trường nước hồ của các hồ cảnh quan, hồ điều hòa, hồ chứa…trong các khu đô thị và trong các dự án khu du lịch sinh thái. Đặc biệt, HJ-1000 có hệ thống giám sát từ xa, được truyền trên mạng Internet. Người xem kiểm soát được tình trạng hoạt động của HJ-1000, như: Tốc độ động cơ BLDC; Điện áp bộ nguồn DC; Điện áp ánh sáng mặt trời; Thời gian hoạt động tích lũy… và một số chỉ tiêu chất lượng nước hồ: Nhiệt độ nước hồ; Độ dẫn điện; Độ đục; Nồng độ Clororoll; Vị trí hồ đặt HJ-1000 trên bản đồ vệ tinh…
Các chuyên gia đang tiến hành lắp đặt và chạy thử nghiệm thiết bị HJ-1000 tại hồ Mai Dịch, Hà Nội
Trước khi vận hành HJ-1000, Công ty Hactra phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội), cùng các Sở/ngành liên quan lấy mẫu nước quan trắc các chi tiêu ô nhiễm sinh học của nước hồ làm số liệu đánh giá mức độ ô nhiễm. Sau đó, cứ 1 tháng/lần lấy mẫu nước ở hồ (vị trí và thời gian trong ngày tương tự với lần lấy mẫu trước đó) để thực hiện quan trắc, lập bảng so sánh các chỉ tiêu với lần quan trắc trước đó để đánh giá mức độ cải thiện chất lượng nước hồ. Tổng số có 12 lần thực hiện quan trắc trong 1 năm chạy thử nghiệm. Từ các kết quả quan trắc nói trên, các bên liên quan lập báo cáo tổng hợp, đánh giá hiệu quả xử lý nước hồ của HJ-1000, báo cáo UBND TP. Hà Nội.
Sau 15 ngày đưa HJ-1000 vào hoạt động, một số người dân khu vực xung quanh hồ Mai Dịch cho biết, về chất lượng nước hồ đã có tiến triển tốt, nước trong hơn, mùi tanh giảm rất nhiều. Ngoài ra, thiết bị HJ - 1000 còn góp phần tạo cảnh quan, sự mới lạ cho hồ Mai Dịch.
Cần có các chính sách cụ thể nhằm kiểm soát môi trường nước
Hiện nay nguồn nước mặt (sông, ngòi, ao, hồ) của Việt Nam đang bị suy thoái, thay đổi, khai thác quá mức và tại nhiều vùng ô nhiễm nước đang ở mức báo động. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng trước những tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng phụ thuộc nguồn nước và ô nhiễm từ các quốc gia thượng nguồn. Do đó, Nhà nước cần có các chính sách cụ thể nhằm kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường. Trước tiên, cần tập trung nguồn lực tài chính cho việc đầu tư các công trình xử lý môi trường, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân có hành động cụ thể để ngăn chặn phát sinh các nguồn gây ô nhiễm, vận động người dân cùng tham gia BVMT…
Đối với công tác xử lý nước thải (XLNT), bên cạnh việc xây dựng các nhà máy XLNT tập trung tại khu vực có điều kiện thu gom như khu đô thị mới, khu công nghiệp… Nhà nước cần có giải pháp triệt để khuyến khích đầu tư XLNT phi tập trung (xử lý phân tán, xử lý tại nguồn) cho các khu vực dân cư trong khu đô thị cũ, khu dân cư tập trung, nhà máy sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp… Theo đó, nước thải phải được xử lý đạt tiêu chuẩn mới cho thải ra môi trường, chảy vào các con sông, hồ chứa… như Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước thải và xử lý nước thải được Chính phủ ban hành ngày 6/8/2014. Vì vậy, việc áp dụng rộng rãi các hệ thống XLNT bằng hình thức xử lý phi tập trung là giải pháp phù hợp với thực tế triển khai của Việt Nam hiện nay.
Phạm Hồng Dương
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)