30/10/2017
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Công ty Cổ phần cà phê Phước An (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) đã từng bước đi lên, tạo được thương hiệu uy tín trên thị trường xuất khẩu cà phê và nông sản. Thực hiện định hướng của tỉnh về phát triển cà phê bền vững thân thiện với môi trường, Công ty đã áp dụng sản xuất cà phê sạch, năng suất cao, chất lượng tốt, gắn với BVMT vừa tăng sức cạnh tranh, vừa nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu.
Mô hình trồng xen canh cà phê và sầu riêng của Công ty giúp tăng thu nhập cho người dân
Công ty TNHH MTV cà phê Phước An (Công ty cà phê Phước An) thành lập từ năm 1977, với 240 ha cà phê, tiền thân là Nông trường cà phê Phước An. Năm 2009, Công ty Cà phê Phước An là DN 100% vốn Nhà nước đầu tiên được UBND tỉnh Đắk Lắk chọn thực hiện thí điểm cổ phần hóa. Tiến trình cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, kéo dài gần 10 năm với 3 lần định giá tài sản, đến tháng 9/2017, Công ty đã hoàn thành chuyển đổi sang cổ phần hóa với tên gọi là Công ty CP cà phê Phước An. Trong quá trình phát triển, Công ty đã khẳng định được vị thế, uy tín trên thị trường cà phê trong nước và quốc tế. Hiện nay, Công ty đang là một trong những DN dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu cà phê chất lượng theo Tiêu chuẩn UTZ UTZ Certified (sản phẩm cà phê được đảm bảo về xã hội và môi trường), xuất sang các nước như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha... Các sản phẩm chủ lực của Công ty là cà phê nhân UTZ R18, cà phê nhân khô, Robusta chế biến khô, Robusta chế biến ướt UTZ...
Là DN có diện tích cà phê lớn, khoảng 1.400 ha, Công ty đã thực hiện sản xuất cà phê theo quy trình khép kín từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, đến thu mua, sản xuất, với sản lượng cà phê khoảng 11.000 tấn quả tươi/vụ và xuất khẩu từ 7.000 - 10.000 tấn nhân/năm. Để nâng cao sản lượng thu hoạch, đảm bảo đời sống cho đồng bào dân tộc tại địa phương, Công ty đã tiến hành ký hợp đồng giao nhận khoán vườn cà phê với các hộ dân và người dân được hướng dẫn các phương pháp khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch cà phê. Năm 2004, Công ty bắt đầu triển khai mô hình trồng xen canh cà phê và sầu riêng trên diện tích lớn vì cà phê là cây ưa bóng, sầu riêng là cây có tán rộng có thể che nắng, khi trồng xen canh sẽ có tác dụng hỗ trợ cho nhau. Mô hình trên giúp tăng năng suất cho cây cà phê, đa dạng cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân trồng cà phê. Theo ông Trương Quang Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty, hiện Công ty có khoảng 400 ha cà phê trồng xen sầu riêng do hơn 200 hộ dân tham gia nhận khoán chăm sóc và hưởng lợi. Trung bình 1 ha cà phê xen canh sầu riêng sẽ cho doanh thu gần 800 triệu - 1 tỷ đồng. Năm 2014, Công ty tiếp tục xen canh cây bơ Booth 7 trên hơn 100 ha cà phê, giúp cải tạo sinh thái và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho cả Công ty, cũng như bà con nông dân. Nhằm nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm, Công ty đã thực hiện thí điểm thành công mô hình sản xuất sầu riêng, bơ theo Tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký thương hiệu “Sầu riêng Phước An”, “ Bơ Phước An” với Cục Sở hữu Trí tuệ.
Trong những năm gần đây, với sự quan tâm đầu tư hệ thống chế biến, phân loại cà phê hiện đại và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, Công ty đang phát triển cà phê theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm có chất lượng sạch, thân thiện môi trường. Cụ thể, Công ty đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu sạch, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hạn chế phân vô cơ và không dùng hóa chất bảo vệ thực vật, thực hiện quản lý dịch hại tổng hợp trong sản xuất cà phê, giúp cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu. Để được cấp chứng nhận UTZ Certified, Công ty phải đạt được các tiêu chí về trồng trọt, sản xuất thân thiện với môi trường, người nông dân phải chăm sóc cà phê theo đúng quy trình, đảm bảo các yêu cầu về phân bón, thuốc trừ sâu, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời, Công ty phải tuân thủ các quy định về BVMT, thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, qua đó, nâng cao hình ảnh, vị thế của Công ty trên thương trường quốc tế.
Để giảm thiểu tác động đến môi trường, năm 2015, Công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, công suất 500 m³/ngày, đêm, với các phương pháp công nghệ sinh học, kết hợp với hóa lý, nước thải sau xử lý đảm bảo quy chuẩn QC 40:2011/BTNMT loại B. Ngoài ra, Công ty đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp trên địa bàn thu gom, xử lý chất thải rắn theo đúng quy định, đồng thời, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và giám sát môi trường định kỳ 2 lần/năm. Với những nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp cho xã hội, những năm qua, Công ty đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, 2 Huân chương Lao động hạng Ba; giải thưởng Sao Vàng Đất Việt; giải thưởng Sao Đỏ; giải thưởng Chất lượng Vàng Việt Nam; doanh nghiệp văn hóa UNESCO và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Hệ thống xử lý nước thải của Công ty
Là DN trồng cà phê đầu tiên của ngành cà phê Việt Nam cổ phần hóa thành công, Công ty cam kết sẽ tăng cường sản xuất cà phê chất lượng cao gắn với BVMT và phát triển bền vững, góp phần nâng tầm thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trong thời gian tới.
Thu Thảo
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017)