14/04/2017
Là Nhà máy xử lý nước thải đầu tiên trong khu công nghiệp (KCN) được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa tại Ninh Bình, Nhà máy Xử lý nước thải Thành Nam đã góp phần xử lý môi trường tại địa phương. Tuy nhiên, từ khi vận hành (năm 2010) đến nay, Nhà máy mới chỉ xử lý khoảng 1/3 công suất do vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) không đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của Nhà máy.
Nhà máy XLNT Thành Nam |
Nhà máy xử lý nước thải (XLNT) Thành Nam tại KCN Khánh Phú do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thành Nam (Công ty Thành Nam) làm chủ đầu tư được khởi công vào cuối năm 2008 và đến năm 2010 thì hoàn thành xây dựng giai đoạn I, với công suất thiết kế là 15.000 m³/ngày, đêm. Nhà máy có vốn đầu tư là 112 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 43.995m², với mục đích XLNT cho các DN trong KCN từ loại B đảm bảo đạt loại A rồi thải ra môi trường.
Nhà máy có công nghệ và thiết bị tiên tiến, hiện đại; thiết kế tự động, vận hành dễ dàng, linh hoạt, không tốn nhân lực, hiệu quả cao. Những năm qua, Nhà máy luôn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về BVMT và tài nguyên nước. Cụ thể, Nhà máy đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động online nước thải và kết nối trực tiếp với Sở TN&MT, đồng thời báo cáo định kỳ cho Sở. Nước thải từ các nhà máy trong KCN được tách riêng với nước mưa theo hệ thống chảy vào bể thu gom, sau đó được xử lý sơ bộ và đưa vào hệ thống các hồ sinh học gồm: hồ hiếu khí, hồ lắng, hồ khử nitơ, phốtpho... Nước thải sau xử lý được xả ra sông Vạc, chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn cột A, QCVN 08:2008/BTNMT.
Với hệ thống XLNT tập trung hiện đại và đồng bộ nhưng hiện nay mới chỉ có 7 DN trên tổng số 16 DN đang hoạt động tại KCN thực hiện đấu nối vào hệ thống XLNT tập trung của Nhà máy Thành Nam, bình quân lượng nước thải được thu gom xử lý mới đạt khoảng 4.000 - 4.400 m³/ngày, đêm, tương đương 1/3 công suất của Nhà máy. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Long - Phó Giám đốc Công ty Thành Nam cho biết: "Với mong muốn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thu hút được nhiều DN đến đầu tư, hoạt động tại KCN Khánh Phú, Công ty đã quyết định xây dựng Nhà máy XLNT Thành Nam. Tuy nhiên, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, hệ thống XLNT tập trung chưa bao giờ hoạt động hết công suất. Tình trạng đó đã đẩy DN đến hoàn cảnh khó khăn, đầu tư lớn, nhưng hiệu quả kinh tế thấp, có thời kỳ Nhà máy đã kiến nghị xin dừng hoạt động. Một số DN trong KCN còn bất hợp tác, tức là họ đã lắp đặt điểm đấu, đồng hồ đo lưu lượng nước thải nhưng thực tế Nhà máy không thu gom, xử lý được 1m³ nước thải nào từ DN này. Khi được hỏi, DN này cho biết, khi nào có sự cố thì mới xả vào hệ thống XLNT tập trung của KCN. Vì thế, trước đây, tại một vài thời điểm, đã xảy ra tình trạng ô nhiễm cục bộ ở một số nơi, làm cá chết, gây bức xúc trong nhân dân”.
Khi được hỏi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở TN&MT Ninh Bình Phạm Văn Khoa đã trao đổi: Trước khi Nhà máy XLNT Thành Nam hoạt động thì nhiều DN trong KCN đã tự đầu tư hệ thống XLNT nên họ không đấu nối với hệ thống XLNT của Nhà máy. Mặt khác, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới những năm qua có nhiều khó khăn nên các DN chưa quan tâm đầu tư cho công tác BVMT. Để giải quyết vấn đề môi trường tại KCN Khánh Phú, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức nhiều buổi làm việc, tìm giải pháp nhằm duy trì, đảm bảo cho hoạt động của Nhà máy. UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các KCN của tỉnh làm việc với nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng trong KCN, nhất là hệ thống dẫn nước thải từ các DN về Nhà máy. Đồng thời, yêu cầu các DN trong KCN không được xả thải trực tiếp ra môi trường mà phải qua Nhà máy XLNT Thành Nam.
Ngoài ra, trước khi Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT về quy định BVMT KCN, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, UBND tỉnh đã giao cho Ban Quản lý các KCN thực hiện quản lý môi trường đối với các KCN trên địa bàn tỉnh và Sở TN&MT chỉ được giao nhiệm vụ phối hợp với Ban Quản lý trong quá trình xem xét, thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư vào các KCN và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong KCN theo thẩm quyền. Vì thế, việc phối hợp trong công tác quản lý môi trường giữa các cấp, các ngành chưa kịp thời dẫn đến việc thực hiện các biện pháp BVMT của các cơ sở sản xuất chưa đạt yêu cầu.
Để giải quyết vấn đề môi trường tại KCN Khánh Phú, tạo điều kiện cho Nhà máy XLNT Thành Nam hoạt động ổn định, hiệu quả, trong thời gian tới, các Sở, ban ngành, Ban Quản lý các KCN và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ để tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao trách nhiệm, ý thức BVMT cho các đơn vị sản xuất trong KCN, trong đó chú trọng đến các đơn vị có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện, chấn chỉnh, xử phạt nghiêm minh đối với những đơn vị gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống của người dân. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong KCN. Thiết nghĩ, vấn đề BVMT không phải là trách nhiệm của riêng ai, vì thế, mỗi DN cần nêu cao ý thức, trách nhiệm chung tay BVMT vì sự phát triển bền vững đất nước, đừng để sự nỗ lực đầu tư của một DN trở thành “uổng phí”!
Giáng Hương
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017