27/12/2019
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, những tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang đặt ra cả cơ hội và thách thức cho ngành giấy Việt Nam. Giữa những khó khăn chung của thị trường bột giấy, giấy trên thế giới 2019, nhưng Công ty cổ phần giấy An Hòa luôn giữ vững thị phần giấy, bột giấy đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Cơ hội và thách thức của ngành giấy Việt Nam
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu về dăm gỗ (sản xuất bột giấy) khoảng 11 triệu tấn/năm 2018, nhưng lại nhập khẩu gần 0,4 triệu tấn bột giấy/năm (chiếm tỷ trọng đến 68% tiêu dùng). Trong khi giá dăm gỗ xuất khẩu vào khoảng 120 USD/tấn, giá bột giấy nhập khẩu trên 700 USD/tấn. Cùng với đó, nguyên liệu cho sản xuất giấy từ giấy thu hồi (phế liệu giấy) có vai trò rất quan trọng trong sản xuất giấy bao bì: năm 2018 nhu cầu sử dụng là 3,71 triệu tấn, năm 2019 dự kiến là 4,5 triệu tấn và đến năm 2030 khoảng 11 triệu tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom trong nước chỉ đạt khoảng 40%, còn lại 60% phải nhập khẩu. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có cơ chế chính sách cho hoạt động thu gom tái chế. Tỷ lệ thu gom trung bình của thế giới là 59% trong năm 2018, còn tại các nước phát triển như Nhật Bản, phế liệu giấy được coi là tài nguyên quốc gia và tỷ lệ thu gom trong nước đạt trên 82%. Nhìn chung, doanh nghiệp sản xuất giấy Việt Nam có quy mô nhỏ, chủ yếu dưới 30.000 tấn/năm với hình thức đầu tư manh mún, không tập trung, công nghệ, thiết bị cũ, chi phí vận hành cao, chất lượng sản phẩm thấp, không ổn định, khả năng cạnh tranh kém so với doanh nghiệp FDI và hàng nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Anh - Tổng Giám đốc Công ty đã vinh dự nhận giải 100 doanh nhân
Việt Nam tiêu biểu năm 2019 do VCCI trao tặng
Trong đó, cơ cấu sản phẩm giấy theo năng lực sản xuất không cân đối với nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước chủ yếu tập trung vào giấy làm bao bì hòm và hộp carton chiếm tỷ trọng đến 87%, trong khi đó đối với giấy bao bì cấp cao tráng phủ, giấy copy cấp cao, giấy in tráng phủ, các loại giấy đặc biệt chưa sản xuất được, hàng năm vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn trên 1,3 triệu tấn.
Ngoài ra, cơ cấu năng lực sản xuất theo khu vực cũng mất tính cân đối, chưa phù hợp với đặc tính của từng sản phẩm, chưa thuận lợi về vùng nguyên liệu, liên kết đầu ra và đầu vào, điều kiện tự nhiên, vị trí giao thông thuận lợi.
Trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành giấy là ngành phụ trợ cho các sản phẩm của ngành hàng khác như điện thoại, điện tử, điện lạnh, may mặc, giày da, nông lâm thuỷ sản, đồ uống… bằng cung cấp các bao bì giấy, tem và nhãn bằng giấy, sách và tờ hướng dẫn sản phẩm, nên sẽ có một số cơ hội. Cụ thể, giúp tăng cơ hội về xuất khẩu giấy trực tiếp sang các thị trường mới đối với giấy làm bao bì, giấy tissue. Do chi phí nhân công Việt Nam còn thấp, mở rộng cơ hội lớn nhất về xuất khẩu các sản phẩm từ giấy như các loại bao bì giấy, vở, sổ, biểu mẫu, tem và nhãn bằng giấy, khăn giấy ăn, giấy vệ sinh...
Bên cạnh những cơ hội cho ngành giấy, vẫn còn không ít thách thức, như sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI từ các nước trong khu vực, nếu không kiểm soát tốt sẽ có gian lận về xuất xứ và mượn xuất xứ để hưởng thuế ưu đãi đối với xuất khẩu và thuế VAT với sản xuất tiêu thụ thị trường Việt Nam.
An Hòa - Vượt qua thách thức giành cú đúp Giải thưởng doanh nghiệp tiêu biểu 2019
Trong năm qua, Công cổ phần giấy An Hòa luôn áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật theo hướng bền vững, mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp nhờ nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí. Tính đến tháng 11/2019, An Hòa đã đạt được nhiều thành tựu hết sức ấn tượng, tiêu biểu như: Giành Giải thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu Tuyên Quang 2019; Ông Nguyễn Văn Anh - Tổng Giám đốc đã vinh dự nhận giải 100 doanh nhân tiêu biểu Việt Nam 2019. Niềm vui như được nhân đôi khi Công ty cổ phần giấy An Hòa đã đạt doanh thu 2900 tỷ đồng, hoàn thành 97% kế hoạch năm 2019.
Hiện nay, An Hòa đã chiếm lĩnh thị trường trong nước với các sản phẩm giấy in, viết, photocopy có độ trắng khác nhau: từ 76-95% ISO. Thị phần giấy và bột giấy An Hòa vững vàng ở vị trí số 1 Việt Nam.
Sản phẩm giấy An Hòa chuẩn bị xuất xưởng
Đồng thời, An Hòa không ngừng tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Sản phẩm giấy cuộn và giấy A4 chất lượng cao của An Hòa được đón nhận tích cực trên thị trường thế giới, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc, Kenya, Armenica...và một số quốc gia khác.
Điểm sáng khác trong quý IV vừa qua là An Hòa tiếp tục cho ra đời dòng bột sợi ngắn không tẩy. Dòng sản phẩm này sẽ dẫn đầu trào lưu mới trong sản xuất giấy tissue tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới, hướng đến sự thân thiện và bảo vệ môi trường.
Trong tình hình khó khăn chung của thị trường thế giới, năm 2020, tập thể Ban lãnh đạo của An Hòa sẽ tiếp tục mở rộng phong trào tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Đặc biệt, niềm tự hào hàng Việt sẽ luôn là yếu tố quan trọng, cốt lõi trong kim chỉ nam hoạt động của Công ty năm 2020. Bên cạnh đó, An Hòa sẽ không ngừng củng cố, ổn định đời sống người lao động để mọi người yên tâm gắn bó lâu dài với Công ty, góp phần tích cực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Phạm Văn Ngọc